Từ kết quả của một số nghiên cứu gần đây về vấn đề này, bà Thu Hồng nhận xét, tuy chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc xóa bỏ ranh giới này, nhưng dường như phụ nữ vẫn bị “khuôn chặt” trong một giới hạn nào đó, nhất là trong vai trò chăm sóc gia đình.
Điển hình nghiên cứu do nhóm nghiên cứu của TS Thu Hồng thực hiện và công bố vào 3/2016 cho thấy, phụ nữ hiện tham gia rất ít vào lực lượng lao động và họ luôn là người chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc con cái. Khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ ở Việt Nam mấy năm gần đây thì ngày càng giãn ra (thu nhập của nữ hiện chỉ bằng 84% so với thu nhập của nam giới), trong khi thế giới và khu vực đang dần thu hẹp lại, tập trung nhiều ở phụ nữ nghèo nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Cũng theo TS Khuất Thu Hồng, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là một thực trạng đáng báo động, thể hiện ở việc ưa thích con trai, dẫn đến chẩn đoán giới tính lựa chọn thai nhi. Đây là thực trạng chung của một số quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, khi các nước đó đang trong quá trình giải quyết hậu quả của tư tưởng lạc hậu đó thì chúng ta lại đi vào vết xe đổ của họ.
Lo ngại và bức xúc về vấn đề này, trong một cuộc hội thảo được tổ chức mới đây, lãnh đạo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã phải thốt lên: Nếu vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không được giải quyết, đến năm 2050 chúng ta sẽ thiếu từ 2,3 - 4 triệu phụ nữ. Tình trạng này, theo TS Thu Hồng sẽ dẫn đến vô vàn hệ lụy đáng buồn khác (kinh tế, bạo lực giới, mua bán phụ nữ và trẻ em gái…).
Không thể không lo ngại khi 87% phụ nữ và trẻ em cho biết họ bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng (nghiên cứu của Actionaid năm 2015 trên 2000 phụ nữ và trẻ em gái). Số vụ bạo lực gia đình (phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân) thì ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, chuyên gia về giới này cũng chia sẻ, cho đến nay chúng ta cũng đã có một số dự án kêu gọi nam giới tham gia vào cuộc chiến chống bất bình đẳng giới; hỗ trợ chị em chăm sóc con cái…, nhưng chưa có nghiên cứu nào chỉ ra nguyên nhân vì sao nam giới lại làm như vậy; cũng như chưa đưa ra được những con số cụ thể minh chứng cho những hành động này, yếu tố tiêu cực nào thúc đẩy có hành xử như vậy?. Và vì sao họ không có những hành động tích cực hơn để thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng một xã hội lành mạnh, tốt đẹp…?.
"Chúng ta đang bỏ qua vai trò của nam giới, trong khi nam giới cũng có thể thấy đây là vấn đề của họ và họ cũng là đối tượng được hưởng lợi khi họ tỏ ra dịu dàng và quan tâm hơn đến phụ nữ!” – TS Khuất Thu Hồng khẳng định.