- Đang vui đùa thoải mái, đến trường nhiều bạn bè nay học sinh nhiều tỉnh, thành phải học trực tuyến, sống gói gọn trong không gian nhỏ hẹp. Vậy theo PGS.TS Trần Thành Nam thời gian nghỉ dài tác động thế nào đến tâm lý của trẻ?
PGS.TS Trần Thành Nam: Không đến lớp, thay đổi thói quen thường ngày, trong tình trạng bất định không biết trước và nguy cơ tiếp cận với các thông tin không chính xác do nghỉ dài ngày gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm lý của học sinh. Không loại trừ các em phát sinh lo âu và chán nản. Trẻ chán nản vì không biết làm gì mới, không có ai chơi cùng...
Trẻ có thể dành quá nhiều thời gian cho màn hình, tiếp xúc với những thông tin về covid và cả tin giả, tin không chính xác như có thể các em lo lắng hơn.
- Thay đổi tâm lý của trẻ thường có những biểu hiện gì thưa PGS.TS?
PGS.TS Trần Thành Nam: Những thay đổi tâm lý ở trẻ ví dụ như biểu hiện của chán nản thường bộc lộ ra bằng những hành vi nghịch phá, hung hăng và chống đối. Trẻ có thể bất hợp tác như: “Con không làm đề cương môn Toán, con chỉ làm một bài thôi” hoặc hét lên “Chán chán chán!”.
Việc chán nản có thể dẫn đến trẻ có hành vi phàn nàn về mọi thứ của trẻ như càu nhàu về thức ăn chẳng ngon lành gì, đổ lỗi đứa em động vào đồ của mình khiến mình không tìm thấy...
Trẻ cũng có thể dẫn đến những hành vi "giận cá chém thớt" như “quát vào mặt đứa em”, “đá con mèo”, đập rất mạnh cái điều khiển và nói “cái điều khiển ngu ngốc này”, hoặc ném mạnh cái bút “cứ sờ đến cái bút nào cũng không viết ra mực là sao”.
Chán có thể dẫn tới sự mệt mỏi mất năng lượng như “chỉ muốn đắp chăn nằm xem tivi”; ai nhờ cái gì đó thì phớt lờ nói “Con mệt!”, “trùm chăn giả vờ ngủ nhưng thực ra chơi game”.
Còn biểu hiện lo lắng ở trẻ có thể nhận diện qua các biểu hiện bồn chồn, chân tay run, tìm đập nhanh, căng mỏi cơ, cảm giác kiến bò, chóng mặt và các dấu hiệu tâm lý như căng thẳng, sợ sệt, cảm thấy mình sắp mất kiểm soát...
- Vậy khi đó phụ huynh cần làm gì để giúp trẻ cân bằng tâm lý?
PGS.TS Trần Thành Nam: Đối với tâm lý lo lắng ở trẻ, phụ huynh cần bình thường hóa. Theo tôi đây là vấn đề không ai muốn xảy ra, đó là một nguy cơ mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt. Tất cả mọi người đều lo lắng chứ không phải một mình mình. Nếu cần hãy dành ra mỗi ngày 10 phút để lo lắng. Hết 10 phút đó thì không cho phép mình lo nữa.
Phụ huynh có thể trao đổi với con về lo lắng nào hữu ích, lo lắng nào vô ích. Việc lo lắng một chút để mình hành động cẩn trọng hơn, chú ý vệ sinh, rửa tay, đeo khẩu trang, hạn chế ra chỗ đông người để bảo vệ sự an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng là tốt.
Còn lo lắng vô ích sẽ là những suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp trong đầu lại kiểu điều gì xảy ra khi ai đó ho vào tôi, tôi mà nhiễm virus thì làm thế nào, rồi tưởng tượng diễn giải tiêu cực các sự kiện, lan truyền nó trên mạng xã hội, nhóm kín sẽ càng hoảng loạn lên. Mất hết thời gian ngày này qua ngày khác mà chẳng làm được gì cả.
Chấp nhận việc ta không thể kiểm soát 100% mọi thứ nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta gặp nguy hiểm. Ví dụ như ta không thể kiểm soát được việc ta có gặp tai nạn giao thông nhưng thường thì xác suất xảy ra gần bằng không và chúng ta vẫn an toàn. Tương tự với nguy cơ nhiễm Covid, về cơ bản chúng ta an toàn nếu thực hiện đúng những gì chúng ta có thể kiểm soát được như vệ sinh sạch sẽ. Vậy nên đặt ra mục tiêu hàng ngày và tập trung hoàn thành nó.
Và để con khỏi chán nản, bố mẹ có thể mời con tham gia vào 1 việc nào đó mình đang làm (kể cả, nấu ăn, phụ gội đầu cho mẹ, hay dọn dẹp nhà cửa...). Trẻ thích tham gia và đóng góp nên hãy cho con được làm việc bên cạnh mình.
Phụ huynh nên khuyến khích trẻ nói ra những ý tưởng của chúng; động viên trẻ thực hiện theo những ý tưởng có vẻ hay ho của chúng như con có thể hỏi bà cách làm pizza không; gợi ý cho con những công việc có giá trị/có ý nghĩa: ví dụ như viết thư cho các cô chú nhân viên y tế, tự làm các sản phẩm để quyên góp.
- Dịch bệnh có thể kéo dài, theo PGS.TS Trần Thành Nam đâu là giải pháp lâu dài để trẻ thích nghi với cuộc sống mùa dịch?
PGS.TS Trần Thành Nam: Dịch bệnh có thể còn kéo dài, vì vậy điều quan trọng là cha mẹ giúp con xây dựng tính tự giác học tập và làm việc, cơ hội để con trở thành một người trưởng thành và có trách nhiệm. Đây cũng là cơ hội để kéo gần khoảng cách tâm lý giữa cha mẹ và con cái cũng như cân bằng giữa việc học tập và sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của con.
Bố mẹ nên giúp tạo cho con một lịch trình mới thật hứng thú trong ngày gồm những công việc mà con phải làm (học tập trực tuyến với các khóa học mở, giúp việc nhà) bên cạnh những công việc mà con thích làm (như mua một bộ phim phụ đề và xem online), những hoạt động thể chất (tập thể dục buổi sáng cùng cha mẹ, tập nhảy cùng huấn luyện viên youtube), những hoạt động xã hội như tương tác với bạn bè trực tuyến... Thống nhất với con nguyên tắc “giờ nào việc nấy”.
Để rèn kỹ năng tự học giúp con học tập trực tuyến hiệu quả cha mẹ nên thảo luận với con về cách học nào con đã từng dùng có hiệu quả. Những thời điểm nào con thường học tốt nhất. Những điều gì dễ làm con xao nhãng. Những môn học nào con đam mê, có thể tự học mà không cần giám sát. Còn những môn nào học cần sự hỗ trợ và giám sát của người lớn, hướng dẫn con cách đặt câu hỏi thú vị để tham gia tích cực hơn trong quá trình học online.
Cha mẹ cân nhắc tạo ra một không gian học tập của cá nhân ở những nơi ít xao nhãng nhất. Tạo ra thời gian biểu học tập dựa trên những thời điểm con học hiệu quả nhất ở nhà; giúp đỡ để con tổ chức mọi thứ ngăn nắp như chắc chắn đồ dùng học tập sẵn sàng và đã thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ cũ trước khi học bài mới.
Cha mẹ cũng nên hào phóng lời khen trong giai đoạn này và sẵn sàng với những phần thưởng bất ngờ để trẻ thấy những cố gắng làm việc của mình luôn mang lại những điều thú vị.