Ngày 30/12/2014 tại trụ sở Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức họp báo "Công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2013".
Lãi “khủng” gần 5.000 tỷ!
Theo đại diện Cục điều tiết điện, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2013 là 169.905,89 tỷ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện); giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013 là 1.473,8 đ/kWh.
Tổng doanh thu đã đạt được trong bán điện năm 2013 đã đạt 172.903,33 tỷ đồng; còn thu nhập từ các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện là 1.941,0 tỷ đồng.
Số liệu được đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) công bố cho thấy, tổng cộng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2013 của EVN là 4.938,44 tỷ đồng.
Chia sẻ tại cuộc họp báo công bố giá thành điện hôm 30/12, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định, giá điện bán lẻ sẽ không tăng trước Tết Nguyên đán năm nay.
Trước đó, EVN đã trình Bộ Công Thương đề án tăng giá điện trong năm 2015 xấp xỉ 10%.
Vì sao Việt Nam phải mua điện từ Trung Quốc?
Lãnh đạo ngành điện lực cho biết, Việt Nam bắt đầu mua điện Trung Quốc từ năm 2004. Tuy nhiên, từ năm 2012 trở lại đây, khi các nguồn điện mới xây dựng, đặc biệt là các nguồn điện phía Bắc được đưa vào vận hành, cộng với điều kiện thủy văn thuận lợi, lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm đáng kể.
Cụ thể, nếu năm 2012, Việt Nam nhập 3,2 tỷ kWh, năm 2014 là 2,29 tỷ kWh.
Đại diện EVN cũng cho biết, dự kiến năm 2015, Việt Nam chỉ nhập 1,8 tỷ kWh. Điều đó chứng tỏ, khi các công trình thủy điện trong nước bắt đầu đi vào vận hành, Việt Nam đã dần hạn chế lượng điện nhập khẩu. Theo như hợp đồng, nhập khẩu điện từ Trung Quốc sẽ kết thúc vào cuối năm 2015.
Tuy nhiên, so sánh một chút có thể thấy, giá điện nhập khẩu tử Trung Quốc hiện nay thấp hơn nhiều nhà máy nhiệt chạy than và tuabin khí, cao hơn một số nhà máy thủy điện. Vào những năm hạn hán, nếu không có nguồn điện nhập khẩu từ Trung Quốc thì EVN sẽ phải thực hiện việc tiết giảm điện với quy mô lớn.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cũng cho biết thêm, việc mua điện từ các nước là một việc bình thường để tăng công suất dự phòng. Trong trường hợp nếu hệ thống điện có sự cố, hoặc tăng trưởng phụ tải quá nhanh, nguồn mới chưa đáp ứng kịp thì việc nhập khẩu điện rất cần thiết.
“Chúng tôi còn phải tham gia chương trình kết nối lưới điện ASEAN như với Lào, Campuchia, Thái Lan… để tận dụng công suất dư thừa của các nước trong trường hợp cần thiết, làm tăng lượng dự phòng điện cho hệ thống”, ông Tri nói./.