Chính vì giấy bản gắn bó với cuộc sống của đồng bào như vậy nên việc gìn giữ và phát triển nghề này được bà con hết sức chú trọng.
Lũng Quang giữ nghề làm giấy bản
Nghề làm giấy bản ở xóm Lũng Quang đã trải qua nhiều thăng trầm. Nhờ sự cố gắng, kiên trì của bà con trong xóm nên nghề này đã thoát khỏi nguy cơ mai một, thị trường tiêu thụ không ngừng mở rộng. Do đó, cuộc sống của bà con nơi đây từ nghèo đói xơ xác nay đã thay đổi rõ rệt, các hộ gia đình đã thoát nghèo bền vững, không ít gia đình kinh tế trở nên khá giả.
Quan trọng hơn, người dân đã bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống mà tổ tiên đã khổ công gây dựng thành một thương hiệu nổi tiếng, lưu giữ nghề truyền thống mang nét đẹp văn hóa cho các thế hệ con cháu mai sau.
Nằm sát thị trấn Thông Nông chỉ sau một hẻm núi là xóm Lũng Quang với thưa thớt mười mấy hộ dân của đồng bào Tày. Tuy vậy, bản làng sầm uất, sung túc nhờ giữ được làng nghề làm giấy bản của ông cha.
Cụ Mã Thị Nìn (85 tuổi) ở làng Lũng Quang kể: “Nghề làm giấy bản này đã có từ rất lâu rồi, từ khi sinh ra tôi đã thấy các cụ vào rừng lấy cây (mạy sla) để làm giấy bản. Cũng do làng thiếu nước, ít ruộng, rất khó khăn trong việc trồng trọt nên cả làng phải làm giấy bản để bán”.
Theo cụ Nìn, có một thời gian dài giấy bản không bán được ra thị trường nên bị ế ẩm khiến nhiều người phải bỏ nghề. Chính vì nghề làm giấy bản không được xem trọng nên nó bị quên lãng. Những người còn gắn bó với nghề họ bị cái nghèo đói vây quanh.
Sau một thời gian, không ngờ rằng “lửa nghề” làm giấy bản lại bùng lên, khiến cho cuộc sống của dân làng trở nên giàu có và ấm no.
Nhận thấy làng nghề làm giấy bản xuất phát từ sự sáng tạo của tổ tiên nên những người yêu nghề ở trong bản họ đã vượt qua khó khăn để “giữ lửa” cho làng nghề. Họ đã củng cố lại nhân lực, tài chính và nghiên cứu thị trường tiêu thụ.
Chính vì sự yêu nghề nên 15 hộ dân ở xóm Lũng Quang đã đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách, quyết xoay chuyển tình thế để phát triển làng nghề. Người dân trong bản cùng chính quyền địa phương đã họp nhau lại để bàn luận và đưa ra cách giải quyết hiệu quả, đột phá.
Vấn đề trước mắt và quan trọng nhất được xác định là tìm ra nguồn tiêu thụ, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu giấy bản Lũng Quang.
Nét độc đáo là các tờ giấy bản này được làm bằng vỏ cây (mạy sla, theo tiếng Tày). |
Nhờ sự cố gắng và kiên trì của người dân, chỉ sau một vài năm sản phẩm giấy bản làm ra đã có mặt ở khắp các phiên chợ huyện, tỉnh. Biết tin xóm Lũng Quang có sản phẩm giấy bản bền chắc nên rất nhiều thương lái còn tìm đến tận nơi để đặt hàng rồi đem xuống các tỉnh khác tiêu thụ cho các nhà hàng, quán ăn, hoặc đem đến các gia đình làm bánh dân tộc gia truyền để tiêu thụ.
Đến nay 100% hộ dân trong xóm đều làm nghề truyền thống này vì cho thu nhập khá cao so với những công việc khác. Từ bế tắc, khó khăn, nay làng Lũng Quang đã được “lột xác”, nổi tiếng nhờ nghề làm giấy bản truyền thống của tổ tiên để lại.
Nghề truyền thống cho cơ hội thoát nghèo
Chị Lương Thị Ngần, một người dân ở Lũng Quang đã làm nghề giấy bản hơn hai chục năm nay, nhà nằm ngay đầu làng chia sẻ: “Trung bình mỗi một mẻ cần khoảng 30 – 40kg vỏ cây (mạy sla), số lượng này sẽ làm ra được 800 đến 1000 tờ giấy bản, xếp thành từng tệp, mỗi tệp 10 tờ.
Một mẻ bán ra thị trường có thể thu về 1 triệu đồng, nếu không tính thời gian tìm nguyên liệu và phơi khô thì mỗi ngày có thể làm được 2 mẻ. Việc làm giấy bản không gây ô nhiễm môi trường vì cây nguyên liệu có thể tận thu cả thân làm củi đun, lá cây có thể làm thức ăn chăn nuôi gia súc.
Mỗi nhà chỉ cần đầu tư xây một lò sấy, một bể nước nhỏ là có thể làm được”.
Trong các công đoạn, phần tước vỏ cây mất nhiều thời gian và công sức. Chị Ngần phải tước thêm một lớp vỏ màu đen nữa thì giấy bản mới trắng và sạch. Sau khi vỏ cây tước xong, chị Ngần lại đem ngâm trong nước vôi trong khoảng 12 tiếng.
Ngâm vôi xong, phần vỏ cây này sẽ được chị Ngần rửa qua nước rồi đun lên gần 3 tiếng đồng hồ. Ngâm xong, chị Ngần lại đem đi rửa sạch rồi lại ngâm nước khoảng 2 ngày.
Chị Ngần nói về các công đoạn làm giấy bản. |
Công đoạn tiếp theo là đập nát phần vỏ cây rồi mới cho xuống bể múc. Chị Ngần cho biết: “Mình phải khuấy đều tay thì nước sẽ có màu vàng nhạt, đặc sánh, công đoạn này tôi phải dùng sức khỏe khuấy mạnh. Sau đó mình sẽ đặt khuôn xuống lắc đều và nhấc lên dứt khoát để nước trải đều trên khuôn, lập tức xuất hiện một sản phẩm giấy ở dạng ướt.
Giấy này sẽ được ép rồi vắt nước thì mới nhanh khô. Giấy sẽ được rải lên 2 mặt lò được đun lửa nhỏ, khoảng 1 tiếng giấy sẽ khô.
Riêng nghề làm giấy bản chỉ có dân tộc Tày, Nùng mới làm được. Đây là một nghề độc đáo và cổ xưa nhất miền sơn cước, khó cạnh tranh.
Theo cụ Nìn, loại giấy này đã gắn liền với đời sống của đồng bào hàng nghìn năm lịch sử. Giấy bản thường được dùng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh, gói ghém các loại bánh, xôi, bỏng ngô…
Ngày xưa loại giấy này được các ông thầy cúng ở trong làng dùng để chép lại sử sách hoặc các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc. Nguyên liệu chính để làm giấy bản là vỏ cây dưỡng (tiếng Tày, Nùng gọi là cây mạy sla), thân thẳng, nhiều cành, mọc tự nhiên trên các núi đá.
Do cây (mạy sla) mọc sâu trong các cánh rừng già, người dân rất khó khăn trong việc vận chuyển. Những năm gần đây, để tiện lợi và không mất nhiều thời gian cho việc lấy nguyên liệu, người dân đã đem giống cây về trồng tại ven các rẫy của gia đình.
Trao đổi cùng Trưởng xóm Lũng Quang, ông Trương Văn An cho biết: “Đây là làng nghề truyền thống của dân tộc nên chúng tôi vẫn phải tiếp tục bảo tồn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang nhân rộng làng nghề cho bà con dân tộc ở trong xã cùng phát triển, bởi hiện nay nhu cầu của thị trường rất chuộng loại giấy này.
Nhờ có nghề nên cuộc sống của người dân đã thay đổi rõ rệt, hiện nhiều hộ gia đình trong thôn đều có xe máy, ti vi, máy xay xát, nhiều hộ đã thoát nghèo”. /.