“Điểm sáng” trong bức tranh kinh tế - xã hội cả nước
Có thể nói chưa bao giờ Hải Phòng có một tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng như bây giờ, mức tăng trưởng này cao hơn so với bình quân chung cả nước và so với các địa phương trọng điểm kinh tế khác. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 13,26%, cao nhất trong 10 năm gần đây. Mức tăng trưởng GRDP này cao gấp khoảng 2, 3 lần bình quân chung cả nước, cao hơn nhiều so với Hà Nội (7,37%); TP Hồ Chí Minh (7,7%), Đà Nẵng (8,1%), Quảng Ninh (9,5%), Vĩnh Phúc (7,3%); Hải Dương (7,8%), Đồng Nai (7,2%)... Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Với chủ đề năm “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách nhà nước – Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, Hải Phòng đã và đang đạt được kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2017. Hải Phòng cũng lọt “top” 10 địa phương hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Việt Nam, liên tiếp 4 năm được xếp thứ 2/63 tỉnh thành về cải cách hành chính. Theo đánh giá chung, Hải Phòng như “bừng tỉnh” sau nhiều năm tháng dài. Điều này thể hiện rõ nhất qua sức mạnh nội lực - thu ngân sách nội địa.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được còn những hạn chế. Vì vậy, 6 tháng cuối năm 2017, Hải Phòng sẽ dồn tổng lực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế như đã đề ra. Trong đó, TP tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để thực hiện chủ đề năm, khẩn trương thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm...
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Một trong những nội dung sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp lần này mà nhiều người dân Hải Phòng trông đợi chính là Đề án về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập nông dân thành phố Hải Phòng giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, Đề án chú trọng vào 3 mảng chính gồm: hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn và hình thành hệ thống cung ứng nông sản an toàn có truy xuất nguồn gốc.
Dự kiến, Hải Phòng phấn đấu mỗi huyện có ít nhất 01 khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao với khoảng 10% diện tích canh tác; hiệu quả kinh tế tăng 12-15 lần so với sản xuất đại trà hiện nay; đến năm 2025, Hải Phòng sẽ có 100 cơ sở tiêu thụ nông sản ATTP được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Dự kiến nguồn lực đầu tư giai đoạn 2017-2020 là 9.266.021 triệu đồng (bình quân 2.316.505 triệu đồng/năm).
Cũng tại kỳ họp, việc tìm giải pháp và hướng đi mới cho du lịch Hải Phòng thực sự bứt phá cũng là một nội dung trọng tâm. Từ kết quả của giai đoạn 2006 -2016, Hải Phòng đã xây dựng một mục tiêu phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 rằng du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, khác biệt, thân thiện với môi trường. Hải Phòng cũng chú trọng phát triển du lịch biển, đảo và phấn đấu đến năm 2030 Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước; khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn có khả năng cạnh tranh trong khu vực, quốc tế.