Gian nan đường tình
Các đồng nghiệp một tờ báo ở Hà Nội vẫn còn lưu truyền câu chuyện xảy ra trước khi cưới của cặp vợ chồng Long - Hương. Vốn là phóng viên kỳ cựu của mảng thời sự chính trị, Hương nắm rõ và nhớ như in mọi sự kiện thời sự trong nước cũng như quốc tế.
Ngày ra mắt bố mẹ chồng tương lai, Hương được cho là “rất vừa mắt” đối với bố mẹ Long. Hai ông bà giáo nhìn nhận Hương là cô gái thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát và hiểu biết. Sau khi người lớn hai bên nói chuyện, Hương bắt đầu năng về nhà bố mẹ Long để tìm hiểu và làm quen dần với phong tục của quê chồng.
Bố Long rất thích nói chuyện thời sự chính trị với con dâu tương lai. Nhưng rồi chuyện phát sinh cũng từ những lần trò chuyện kiểu đó. Thời điểm ấy, trong khi bố Long dự đoán “trăm phần trăm” bà Clinton sẽ thắng cử thì Hương nhất định cho rằng Tổng thống tương lai của Mỹ sẽ là Obama. Cùng với những cuộc tranh luận diễn ra công khai giữa bố Long và Hương là những cơn sóng ngầm ngăn cản Hương trở thành con dâu, vì bố Long lo cho con trai không thể trở thành trụ cột thực sự của gia đình khi cô vợ sâu sắc và hiểu biết như vậy. May mà sau đó, Hương kịp rút kinh nghiệm để tiết chế lý lẽ hơn khi nói chuyện với bố Long và cả với Long, nếu không, cô và Long đã khó thành vợ chồng.
Hạ An, một phóng viên năng nổ khối nội chính của một tờ báo trong ngành công an lại rơi vào cảnh ngộ khác. Trên những chuyến công tác dài ngày vào Nam, ra Bắc, cô rất được lòng một bà mẹ muốn làm mối cho con trai mình. Thế rồi, buổi hẹn ra mắt xong xuôi, Hạ An hôm đó phải dồn dập chạy tin bài nên cô đến điểm hẹn vừa trễ, vừa không được tươm tất bởi mồ hôi ướt đẫm chẳng khác gì… đi làm đồng. Thế là sau buổi hẹn hò, anh con trai có cớ để thoái thác “đối tượng triển vọng” này của mẹ, dù trước đó Hạ An được bà mẹ “chấm điểm” cao và hết lời khen ngợi…
Trường hợp nữ phóng viên vì công việc mà mất điểm trước “đối tác”, bị “lỡ duyên” như Hạ An không hiếm. Nữ phóng viên vốn là những người nhạy cảm, bản lĩnh, tỉnh táo và không kém phần xinh đẹp. Tuy nhiên, phần vì họ phải đi nhiều, công việc không theo giờ giấc, phần nữa là do môi trường nghề nghiệp tạo cho họ thói quen tỉnh táo và thẳng thắn, nên họ không dễ “ghi điểm” trước những người đàn ông vốn thích những người vợ truyền thống.
“Cửa ải” anh xã”
Chị Lan Anh, công tác tại một tờ nhật báo ở Hà Nội và chồng chị vốn là bạn cùng học THPT, yêu nhau 7 năm trước khi cưới. Tưởng rằng đã hiểu chân tơ kẽ tóc của nhau nhưng khi là vợ chồng rồi, chị vẫn nhiều phen dở khóc, dở cười.
Chị kể, bình thường chị ăn mặc giản dị và luôn nghĩ chồng biết tính mình rồi, quá tin tưởng và chẳng thể có chuyện ghen bóng, ghen gió. Tuy nhiên, đôi khi đi lấy tin ở những sự kiện đặc biệt, phóng viên theo dõi mảng văn hóa nghệ thuật như chị cũng phải “đặc biệt” theo. Có sự kiện tổ chức vào buổi tối, chị phải váy áo tươm tất, trang điểm rạng ngời…, đôi khi nộp bài cho Tòa soạn xong gần 1h sáng mới về đến nhà. Thân gái “lặn lội” đêm hôm, tưởng sẽ được “anh xã” chia sẻ, động viên, nào ngờ mệt mỏi như nhân lên gấp nhiều lần bởi sự giận dỗi của đức lang quân, với loạt chất vấn “đi đâu mà váy áo thơm tho thế”?, “cơ quan nào làm việc nửa đêm thế này?”...
Còn nhà văn, nhà báo Y Ban chia sẻ, có lần chị đi công tác cùng một anh bạn đồng nghiệp ở Bắc Giang. Khi xong việc đã là 9h tối, nhưng cả hai vẫn quyết định phóng xe về Hà Nội, tới nhà đã là 12h đêm. Vừa mưa vừa rét và quá mệt vì đường trường nhưng không khiến chị “oải” bằng cảnh “anh xã” đứng đợi ở cửa với gương mặt không thể nặng nề hơn. Thấy chị, anh quay vào đóng cửa đánh rầm…
Cây bút đa tài này bộc bạch thêm, khó mà kể hết “đoạn trường” trong những năm tháng vất vả, con nhỏ. Chồng chị dù là nghệ sỹ điêu khắc nhưng bản tính của người đàn ông gia trưởng vẫn không dễ gì để cho vợ bất thình lình đi công tác cả tuần hoặc đi sớm, về muộn. Phải mất khoảng 4 năm anh mới quen dần với một cô vợ làm báo… vô giờ giấc.
Là phóng viên của mảng an ninh nội chính, Hằng lại gặp phải nhiều câu chuyện khó nói kiểu khác. Vì có chồng làm trong ngành công an nên Hằng có nhiều tin bài do những đồng nghiệp của chồng cung cấp. Hằng luôn vượt định mức mà Tòa soạn giao và trở thành cây bút “đinh” của mảng. Và cũng từ đó, cô luôn được giao thực hiện các bài viết, phóng sự về những vấn đề nóng hổi, gay cấn.
Nhiều khi cứ 6h30 là cô phải có mặt ở Tòa án để theo dõi, đưa tin về các vụ án nổi cộm. Chồng của Hằng thì thấu hiểu công việc của vợ nên cũng tự giác đưa đón, chăm sóc con cái khi vợ bận. Nhưng nhìn con trai tất bật mỗi khi đi trực mà vợ thì vẫn còn phải ở Tòa soạn để viết bài thì ông bà nội mỗi lần sang chăm cháu đôi khi “nói đụng, nói chạm” con dâu.
Một người phụ nữ bình thường, để làm tròn vai trò một người mẹ, người vợ, người con dâu đã phải rất cố gắng, với nữ nhà báo, nỗ lực còn phải lớn hơn rất nhiều.
Chị Mai Anh làm việc trong một tờ báo ngành giáo dục kể một câu chuyện thật mà như hài. Hàng ngày, chị vừa dạy con học vừa viết bài. Thế nên, con trai chị khi viết văn đã mô tả: “Mẹ em là một nhà báo, tối tối mẹ vừa dạy em học vừa đánh bài”. Ngay hôm sau, chị nhận được điện thoại của cô giáo với vẻ hốt hoảng: “Chị ơi, sao chị vừa dạy con học lại vừa “đánh bạc” như thế. Chị dạy con sao được?”… Chị dở mếu dở cười, giải thích với cô giáo“đánh bài” là “khẩu ngữ” về việc viết báo của dân trong nghề mà thôi.
Chẳng thể kể hết những gian truân với phụ nữ làm báo. Thế nhưng, đã “mang lấy nghiệp vào thân” thì dù có chọn lại, cuối cùng, hầu hết nữ nhà báo vẫn chọn làm báo với tất cả đam mê… Niềm vui, hạnh phúc, nguồn động viên của họ đôi khi chỉ là những lời cảm ơn qua điện thoại của độc giả hay một cảnh ngộ nào đó được cộng đồng biết đến và chia sẻ, hay những ẩn ức được lên tiếng…