Những con số báo động
Theo thống kê, trung bình mỗi năm, tại Việt Nam xảy ra gần 2.000 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. So với 10 năm trước, số vụ bạo lực học đường đã tăng gấp hơn 10 lần.
Chưa hết, từ năm 2011 đến năm 2018, theo báo cáo của liên Bộ GD-ĐT và Công an, có đến hơn 18.000 vụ vi phạm pháp luật, bạo lực học đường với đối tượng liên quan là cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên; hơn 11.000 vụ đánh nhau gây thương tích, hơn 200 vụ xâm hại tình dục, 900 vụ uy hiếp tinh thần. Đáng nói, trong số này, gần 10.000 vụ diễn ra trong nhà trường.
Bạo lực học đường ngày càng trở thành vấn đề báo động.
Tình trạng bạo lực ngày càng diễn ra nhiều hơn. Theo chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình, bạo lực xảy ra nhiều hơn trong xã hội và cả trong trường học.
Có nhiều lí do để cho hành động như trên xảy ra như áp lực cuộc sống; môi trường giáo dục của người Việt Nam hiện đại hiện nay có thể nói đang có vấn đề; giá trị con người ta tôn thờ đang bị đứt gãy… Và chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyển đổi xã hội, đầy rẫy các thách thức.
Con người bị dồn nén dưới rất nhiều áp lực. Áp lực về sự phát triển, thậm chí có thể nói đây là “hàng đi kèm” với sự phát triển của xã hội.
Theo chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình, thường thì người ta ít sử dụng lời nói, mà sử dụng nắm đấm. “Chân lý” kẻ mạnh thì thắng đã khiến cho người Việt ngày càng trở nên hung hãn với nhau hơn, ứng xử với nhau bằng bạo lực nhiều hơn.
Liên tiếp xảy ra các trường hợp bạo lực học đường nhiều học sinh bị bạn đánh nhập viện cấp cứu, thậm chí có những học sinh đã mất mạng vì nạn bạo lực trong trường học. Dẫn chứng như: Khoảng 11h30 ngày 26/4/2019, sau khi tan học tiết 5 tại Trường THPT Pleiku, em Trần Hoàng Nh. (SN 2002, lớp 11A7) được một học sinh chở về bằng xe máy.
Đến khu vực cổng trường thì bị một số thanh niên khác điều khiển xe gắn máy đuổi theo. Đi được khoảng 700m, xe chở em Nh. bị ngã, nhóm thanh niên liền lao vào đánh và đâm em Nh. Thấy Nh. bị đâm, người dân xung quanh nhanh chóng đưa đi cấp cứu, nhưng vì vết thương quá nặng nên nạn nhân đã tử vong sau đó.
Đây không phải lần đầu tiên học sinh bị đánh hội đồng dẫn đến tử vong. Năm 2015, nam sinh L.N.M. (17 tuổi), học sinh lớp 11B6 Trường THPT Trần Hưng Đạo, P.6, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang bị bạn đánh tử vong.
Trước đó, vào khoảng 6g30 ngày 10/10, Nguyễn Minh Thọ (16 tuổi, học sinh lớp 11B6) đang ngồi chơi trước cửa lớp thì Võ Nguyễn Thanh Tú (17 tuổi, học sinh lớp 12B9) mở cửa sổ làm trúng tay nên hai bên gây gổ. Sau đó, cả hai về lớp mình học. Đến 8h30 cùng ngày, trong giờ ra chơi Tú, Tùng cùng khoảng 10 học sinh khác kéo đến lớp 11B6 để “giải quyết” mâu thuẫn với Thọ.
Trong lúc 2 nhóm học sinh lao vào hỗn chiến, M. đang ngồi tại dãy cuối bàn của lớp học bất ngờ bị Tùng dùng chân đá trúng mặt khiến M. bật ngã về phía sau trúng tường và ngất xỉu. M. được bạn bè và thầy cô trong trường đưa vào Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cấp cứu, sau đó em được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM nhưng không qua khỏi do chấn thương nặng….
Giáo dục bằng đòn roi có hiệu quả?
Không chỉ học sinh ra tay với bạn mình, thời gian gần đây, những sự việc giáo viên bạo hành học trò cũng gây hoang mang dư luận. Cách đây chưa lâu, Ban Giám hiệu Trường THCS Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, đã đưa ra hình thức kỷ luật cảnh cáo, đồng thời đình chỉ giảng dạy 6 tháng đối với bà Đinh Duyên Hồng Yến (giáo viên môn Tiếng Anh) vì xâm phạm thân thể người học, gây hậu quả khá nghiêm trọng. Giáo viên này đã phạt học sinh đứng lên ngồi xuống 200 lần. Em học sinh thực hiện được hơn 100 lượt thì ngã quỵ.
Tương tự, hồi giữa tháng 5 vừa qua, một đoạn clip tại lớp học 2A7, Trường Tiểu học Quán Toan (TP.Hải Phòng) ghi lại cảnh hai giáo viên liên tục có hành vi đánh học sinh trong lớp học khiến người xem phải rùng mình. Hội đồng kỷ luật nhà trường đã đưa ra hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, khiển trách với cô giáo Phạm Thị Vân, chủ nhiệm lớp 2A7.
Lại thêm một vụ việc giáo viên có hành vi véo tai, tát học sinh trên lớp học, lần này camera “giấu kín” đã khiến nữ giáo viên Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP.HCM) chỉ biết thừa nhận hành vi của mình.
TS Nguyễn Thị Thanh Tú - Khoa Tâm lý học, ĐH KHXH&NV bày tỏ: “Tôi không ủng hộ việc sử dụng các biện pháp trừng phạt để giáo dục con trẻ cho dù ở mức độ nào. Tâm lý học chỉ ra rằng giáo dục trẻ bằng các phương pháp tích cực như khích lệ, ghi nhận giúp con trẻ phát triển tốt hơn nhiều. Đòn roi có thể mang lại hiệu quả tạm thời là đứa trẻ sẽ nghe lời ngay lập tức nhưng nó sẽ giết chết các sáng kiến của con, giết chết cảm xúc an toàn của con.
Tôi ước gì ngành giáo dục khôi phục lại môn đạo đức trong nhà trường với những bài học nhẹ nhàng, thú vị, dễ hiểu, dễ nhớ, dạy con trẻ về tình yêu thương, kính trên nhường dưới, nói lời hay ý đẹp, không dùng bạo lực để đối xử với nhau. Đây là thời điểm tốt để chúng ta quay lại môn đạo đức với các giá trị truyền thống chọn lọc từ Nho giáo”.
Còn GS. Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, chỉ ngày xa xưa mới có chuyện ông đồ đánh học trò bằng đòn roi. Ngày nay có hiện tượng này dù không nhiều, nhưng cho thấy tư tưởng lệch lạc của một bộ phận giáo viên, khi cho rằng điều này là tốt cho học sinh, do áp lực thành tích.
Cả nước có hơn 1 triệu giáo viên, với số lượng đông như vậy cũng khó tránh khỏi có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Do đó, cần phải sàng lọc, loại bớt những giáo viên không tâm huyết, không xứng đáng làm giáo viên, hãy đi làm công việc khác. Nhà giáo ngoài dạy kiến thức, còn dạy học sinh cách làm người sống nhân văn.
Bộ GD&ĐT cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong ngành về những hành vi nhà giáo không được làm. Các trường sư phạm xem lại hướng đào tạo, phải đào tạo ra những giáo viên giỏi chuyên môn, tâm huyết với học sinh...
Đối với nhiều người, “bắt nạt” là một phần bình thường của tuổi thơ. Vì vậy có bộ phận người lớn xem nhẹ hoặc lờ đi các hành vi bắt nạt từ khi mới chớm. Nhiều phụ huynh có con là thủ phạm bắt nạt tinh thần, bắt nạt bằng lời nói thường chế giễu và phê phán phụ huynh kia là trầm trọng hóa, “bới bèo ra bọ”.
Họ cũng thường tin rằng trẻ em bây giờ giống như xưa, nghịch ngợm trêu chọc nhau để lớn lên. Không phải như vậy. Trẻ em ngày nay có thể sử dụng Internet để “nhốt” nạn nhân của chúng vào một không gian mạng xã hội mà không thể tránh khỏi sự lo lắng, xấu hổ và nhục nhã. Tác động của nó có thể gây chết người, lớn hơn rất nhiều so với trò đấm đá truyền thống.
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con: Cha mẹ cần quan tâm con cái hơn
Trong các gia đình hiện đại, nhiều bố mẹ quá bận rộn, các em không được rèn luyện phẩm chất cá nhân, khơi gợi lòng trắc ẩn, thương xót, biết ơn, đồng cảm với những người xung quanh. Từ đó, các em dễ trở nên vô cảm, hành động vì lợi ích cá nhân hoặc chỉ để thỏa mãn sự hiếu thắng của mình trong mọi tình huống của cuộc sống.
Khi xảy ra bạo lực trong nhà trường, mọi người thường chĩa mũi dùi vào ngành Giáo dục. Nhưng tôi nghĩ trách nhiệm của xã hội và gia đình rất lớn. Bạo lực học đường gia tăng khi đạo đức xã hội đi xuống, các giá trị tinh thần chung bị đảo lộn, sự kết nối thành viên trong gia đình lỏng lẻo, sự hiểu biết về pháp luật còn yếu kém, lòng tin vào công lý bị lung lay.
Từ đó, cả xã hội rơi vào tình trạng bị áp lực, bức xúc không có phương án giải tỏa và các giải pháp xử lý sẽ thiên về khuynh hướng bạo lực. Những ứng xử bạo lực ngoài xã hội, trong gia đình ảnh hưởng rất nhanh và trực tiếp đến giới trẻ học đường.
Phụ huynh cũng cần giảm bớt tâm lý căng thẳng về thi cử, chọn trường, ganh đua với bên ngoài để có thời gian và tâm sức ở bên con thật chất lượng. Trẻ được cùng bố mẹ nấu cơm, vệ sinh nhà cửa từ bé, sẽ hình thành thói quen tâm tình để cùng nhau giải tỏa áp lực, chia sẻ cách giải quyết những mâu thuẫn với bạn bè và người xung quanh.
PGS TS Nguyễn Hoàng Ánh - ĐH Ngoại thương Hà nội: Cách giải quyết cần phù hợp và dứt khoát
Đừng vội trách những đứa trẻ vô cảm trong những vụ bắt nạt, bởi chính chúng ta luôn dạy trẻ biết tránh xa rắc rối. Liệu có bao nhiêu người lớn dám đứng ra can ngăn các vụ hành hung trên đường phố hay đơn giản là làm chứng chống lại kẻ ác? Chúng ta làm sao có thể trách trẻ con vô cảm khi chính người lớn còn hành xử tệ hơn?
Để ngăn chặn tình trạng này, phụ huynh và nhà trường cần quan tâm đến trẻ em, hỏi han ngay khi thấy con em có biểu hiện bất thường. Bởi thống kê cho thấy, 43% trẻ em từng bị bắt nạt khi đến trường nhưng chỉ 1/10 nói lại với người lớn và tham vấn với gia đình/thầy cô ngay để tìm cách giải quyết.
Cần lắng nghe tất cả các bên như đối tượng bạo hành, nạn nhân, bạn học, giáo viên... để đưa ra cách giải quyết phù hợp và dứt khoát. Trong trường hợp nghiêm trọng, hãy để luật pháp giải quyết như trường hợp nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên. Không nên giải quyết kiểu “cải lương” như cho nghỉ học vài ngày và đặc biệt không cảm tính kiểu buộc giáo viên chủ nhiệm thôi việc!
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học phổ thông FPT: Nhiều khi nhà giáo không hiểu luật
Hiện văn bản quy phạm pháp luật về chống xâm phạm thân thể và tinh thần với trẻ em được quy định không chỉ ở Luật Giáo dục mà còn có Luật Trẻ em, Hiến pháp nhà nước Việt Nam năm 2013, Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Điều 37 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định “nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Đáng buồn là nhiều khi nhà giáo không hiểu luật, không biết cái gì mình được làm, cái gì không được làm, và dường như giáo viên đang vượt quá giới hạn một cách quá vô tư. Nhiều người cứ nghĩ phải đánh trẻ rất nặng tay, kiểu như tát 231 cái hay đánh tím thân thể mới là bạo lực. Đó là nhận thức sai lầm.
Tất cả những hành vi như véo tai, vụt vào tay, tát, xúc phạm nhân phẩm và danh dự trẻ, yêu cầu trẻ đánh người khác, cho trẻ ăn thực phẩm bẩn… đều là phạm luật, nhưng tiếc thay đó vẫn là những hành vi thường diễn ra trong các nhà trường, do quan điểm sai lệch trong giáo dục, thiếu hiểu biết pháp luật và chưa tôn trọng trẻ em.
Đây cũng là lý do để dù Việt Nam đã có rất nhiều văn bản pháp luật, từ Hiến pháp đến luật, nghị định, chỉ thị… nhưng vẫn diễn ra tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em.
Điều quan trọng là chính nhận thức sai nên giáo viên đã có hành động bạo lực với học sinh, khiến những học sinh bị bạo lực hoặc chứng kiến hành vi bạo lực đó coi việc sử dụng bạo lực để trấn áp người khác là bình thường. Giáo dục bằng bạo lực sẽ sinh ra bạo lực.