Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Đó cũng là ưu việt của thể chế chính trị, không ai phủ nhận được.
Covid-19 là “điều không may mắn” cho thế giới, nếu không muốn nói là thử thách khắc nghiệt. Dù kiểm soát tốt nhưng tác động nhiều chiều của dịch bệnh này đã làm hơn 30 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực, hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Hàng chục nghìn doanh nghiệp phải rời bỏ thương trường vì không chịu nổi sức tàn phá của suy thoái kinh tế.
Việt Nam đã cho thấy điều “khác biệt”, cố gắng để ổn định cuộc sống người dân, duy trì phát triển kinh tế. Dịch bệnh được kiểm soát đồng nghĩa với việc những hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh được tiếp tục trong tình trạng “bình thường mới”. Nhìn lại Covid-19, có những lúc tưởng “vỡ trận”. So sánh cuộc “khủng hoảng” do dịch Covid-19 năm 2020, nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét: Tình hình của Việt Nam năm 2020 tốt hơn rất nhiều những năm 2008 - 2009. Dù tăng trưởng GDP giai đoạn đó không thấp như bây giờ nhưng bất ổn vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, niềm tin trong xã hội khi đó lại giảm khủng khiếp. Giờ chúng ta nhìn thấy nền tảng vĩ mô ổn định, lạm phát đều ở mức dưới 4%.
Đánh giá về việc Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19, cho thấy rằng, Đảng và Chính phủ có nhiều chủ trương quyết liệt, kịp thời để kìm hãm dịch bệnh, tái khởi động nền kinh tế. Các gói hỗ trợ về kinh tế và an sinh xã hội được triển khai với độ phủ khá rộng, bước đầu phát huy tác dụng. Tất nhiên kết quả thực hiện chưa được như kỳ vọng, một số biện pháp hỗ trợ chậm đi vào thực tiễn, còn nhiều doanh nghiệp, người dân chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ này.
Tuy nhiên, khả năng chống chịu kiên cường của người dân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, của hệ thống chính trị Việt Nam là điều thế giới phải khâm phục. “Ba chân kiềng” của nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ vững; đó là đổi mới thể chế đang tiếp tục, hội nhập vẫn đang được thúc đẩy, chuyển đổi số đang được thực thi. Đây chính là động lực tăng trưởng dài hạn và bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Việc dỡ bỏ rào cản, đơn giản hóa thủ tục, huy động nguồn lực toàn dân vào sự nghiệp phát triển, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành các dự án là nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển. “Giải pháp thể chế” là gói giải pháp quan trọng nhất cho “hành trình” tiếp nối để đất nước phát triển.