Một dự án bất động sản trải qua bao thủ tục phức tạp, bao lần đo đạc hết trên giấy tờ rồi lại thực địa vênh nhau; rồi thực tế ở Việt Nam mỗi khu đất đều có đường đi, bờ ruộng, kênh mương… là đất do Nhà nước quản lý. Thế nên hiếm có nhà đầu tư nào dám khẳng định rằng dự án mình sắp thực hiện không “lòi” ra “đất công xen kẹt”.
Vấn đề phức tạp nằm ở chỗ theo quy định pháp luật đất đai, đấu thầu, quản lý sử dụng tài sản công, thì đất do Nhà nước quản lý, dù một m2 cũng phải qua trình tự thủ tục đấu thầu, hoặc hoán đổi, hoặc lãnh đạo cấp có thẩm quyền cho phép…
Vì quy định vừa khắt khe, lại vừa… chung chung này, nên ở một số nơi, một số dự án bất động sản có “đất công xen kẹt” rơi vào tình thế “gà mắc tóc”. Cán bộ thẩm quyền địa phương không dám gỡ vướng, không dám quyết chuyện hoán đổi, vì ngại có thể mắc sai phạm “xẻ thịt đất công”.
Chỉ tính riêng tại TP HCM, theo thống kê, tại thời điểm cuối 2020 có tới 126 dự án sản xuất kinh doanh, dự án nhà ở rơi vào tình trạng gặp khó vì trong dự án có “đất công xen cài”.
Ở một số dự án vướng đất công xen cài khác, còn bị đối thủ cạnh tranh lợi dụng để tung những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ như tại một dự án ở TX Bến Cát (Bình Dương), hai đối tượng lén cho xây hai căn nhà trên phần đất công xen kẹt nằm lọt trong dự án, sau đó đâm đơn tố cáo chủ đầu tư. Vì hành động này mà dự án bị “đứng hình” nhiều năm, chủ đầu tư điêu đứng chạy đôn đáo khắp nơi thanh minh, khách hàng bị chậm ra sổ đỏ.
Sự việc chỉ được giải quyết dứt điểm khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an sau thời gian xác minh tìm hiểu, ra văn bản khẳng định tố cáo trên là không chính xác. Chủ đầu tư được minh oan, nhưng có điều “được vạ thì má đã sưng”, thiệt hại không chỉ uy tín danh dự mà còn cả vật chất…
Nghị định 148/2020/NĐ-CP Chính phủ vừa ban hành đã thực sự “giải thoát” cho các doanh nghiệp bất động sản khỏi cơn “ác mộng” trên.
Theo quy định mới, trường hợp không sử dụng được vào mục đích công cộng thì có thể mang thửa đất xen kẹt giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê cho chủ dự án, hoặc người sử dụng đất liền kề mà không cần đấu giá. Trong trường hợp thửa đất xen kẹt có từ hai người sử dụng đất liền kề trở lên có nhu cầu sử dụng, mới phải tiến hành đấu giá.
Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP HCM nhận xét, quy định mới đã mở ra hướng tháo gỡ vướng mắc cho khoảng 5.000 dự án trên cả nước. Đây là tin vui góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển sản phẩm của hàng nghìn dự án, hứa hẹn nhiều hiệu ứng tích cực trong năm tới. Các giải pháp trong Nghị định 148 không chỉ giúp hàng nghìn dự án thoát khỏi bế tắc pháp lý mà còn ngăn ngừa được thất thoát tài sản Nhà nước. Đây là căn cứ pháp lý giúp cho cán bộ công chức chuyên ngành đất đai, quy hoạch có cơ sở thực thi công vụ, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu