Theo đó, từ khi chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi ở Libya sụp đổ hồi năm 2011, đất nước Bắc Phi này đã rơi vào cảnh hỗn loạn. Năm 2015, tình hình chính trị Libya trở nên rất phức tạp khi IS đã di chuyển lực lượng “chiến lược” đến quốc gia này, được coi là hệ quả nguy hiểm nhất về sự sụp đổ của chính quyền Gaddafi.
“Đại bản doanh”?
Năm 2015 tại châu Phi, một số nhóm Hồi giáo cực đoan ở Algeria, Ai Cập, Tunisia, Nigeria cũng đã tuyên thệ trung thành với IS và lập nhiều trại huấn luyện quân sự cho các chiến binh Hồi giáo.
Tuy nhiên, Libya là trung tâm của khu vực khi nước này đã trở thành một căn cứ thực tế, một đại bản doanh mang tính biểu tượng của IS. Cũng tại Libya đã có sẵn hang ổ của lực lượng Hồi giáo cực đoan có nguồn gốc gắn liền với các nhóm Ansar Al-Charia trước đây.
Trước sự xuất hiện của IS, các nhóm này đã phân tán thành nhiều phe phái khác nhau như một số phần tử cực đoan tại thành phố Syrte đã gia nhập IS, số khác có “căn cứ” tại thành phố Derna chống lại IS. Đặc biệt, một số nhóm “ôn hòa” hơn lại thành lập một mặt trận chung chống lại chính quyền Libya được quốc tế thừa nhận tại thành phố Benghazi.
Hiện nay, tình hình an ninh tại nhiều khu vực ở Libya đang hết sức phức tạp và chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn bất ổn. Không thể biết điều gì sẽ xảy ra khi nhóm thánh chiến ở thành phố Sabratha, gần thủ đô Tripoli hoặc khu vực biên giới với Tunisia đang bị “IS hóa”. Ngoài ra, khu vực phía Nam Libya cũng chính là căn cứ hậu cần của các lực lượng Al-Qaeda ở Khu vực Hồi giáo Maghreb (AQMI).
Đáng lo ngại nhất là số lượng chiến binh gốc người Libya đã và đang phát tán sang các nước láng giềng. |
Tại sao “nhòm ngó” Libya?
Theo báo Ha’aretz, các nguồn dầu mỏ, vị trí địa lý gần châu Âu và tình trạng vô chính phủ do các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ khiến Libya trở thành mục tiêu lý tưởng cho IS.
IS đang mở rộng sự kiểm soát đối với những vùng đất rộng lớn của Libya. Khi IS càng gặp nhiều khó khăn tại các cơ sở ở Syria và Iraq thì chúng càng mở rộng những mối liên hệ với các nhóm chiến binh liên kết tại Libya. IS kỳ vọng rằng bằng cách khai thác các giếng dầu tại Libya, tổ chức này có thể có nguồn thu nhập mới để thay thế các nguồn thu bị mất ở Syria và Iraq.
Một trong những thành công chính của liên minh quốc tế do Mỹ cầm đầu chống IS tại Iraq và Syria là gây thiệt hại đối với những tài sản kinh tế của tổ chức này. Dưới áp lực quân sự, IS đã buộc phải rút khỏi các khu vực từng nằm dưới sự kiểm soát của chúng ở Syria và nhất là ở Iraq.
Cùng lúc, tổ chức này đang mất những nguồn thu lớn từ bán dầu mỏ (chỉ một phần, do sự sụt giảm giá dầu thế giới). Các cuộc không kích của liên quân cũng tập trung phá hủy các ngân hàng của tổ chức này.
Điều kiện tài chính đang suy giảm trong những tháng gần đây đã gây ra sự sụt giảm lớn về ngân khoản mà IS đang cung cấp cho các phe phái địa phương tuyên thệ trung thành với tổ chức này ở khắp Trung Đông, từ Syria tới Sinai.
Tại Sinai, nhóm Ansar Beit al-Maqdes đã chính thức tuyên bố đổi tên thành “Wilayat Sinai” (Tỉnh Sinai) sau khi chuyển lòng trung thành của chúng từ Al-Qaeda sang IS. Lý do chính mà hầu hết những nhóm này cam kết trung thành với IS là do sự hỗ trợ tài chính của tổ chức này. Do đó, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đang phủ bóng đen lên những mối quan hệ này.
Mối quan tâm gia tăng của IS tại Libya được thúc đẩy bởi nguồn thu sụt giảm tại Iraq và Syria. Gần đây, hàng chục thành viên kỳ cựu của IS trong các cuộc chiến ở Syria và Iraq đã được cử tới Libya để giúp cải thiện khả năng chiến đấu của các nhóm chiến binh địa phương liên kết với tổ chức này.
Những nhóm này được bố trí xung quanh thành phố Sirte, nằm ở dải duyên hải giữa hai thành phố Tripoli và Benghazi. Thành phố này đã nằm dưới sự kiểm soát của IS nên chúng sẽ không mất nhiều thời gian để bành trướng những vùng đất phía Nam của khu vực này, trong đó có những nguồn dự trữ dầu mỏ lớn.
Tình báo Mỹ ước tính rằng, các nhóm chiến binh địa phương cảm thông với IS có khoảng 6 nghìn thành viên, tập trung chủ yếu xung quanh thành phố Sirte, và đang tranh thủ tình trạng vô chính phủ ở Libya do cuộc đấu đá quyền lực giữa các liên minh bộ lạc và nhóm chiến binh.
Châu Phi chưa từng có một ngày yên ổn. |
Mối lo ngại lớn
Hãng Sputnik dẫn một nguồn tin cho biết, khoảng 200 phần tử khủng bố thuộc nhóm IS đã quay sang ủng hộ cư dân tại thành phố Raqqa (Syria) trong cuộc chiến chống tổ chức này. “Khoảng 200 phiến quân người Syria thuộc IS đã đứng về phía người dân Raqqa, buộc những kẻ khủng bố phải lập hàng rào trên những tuyến đường dẫn vào thành phố”.
Người dân thành phố Raqqa bị chiếm đóng đã đụng độ với phiến quân IS, tiêu diệt được một số tay súng, kiểm soát những con phố ở 2 khu vực lân cận Raqqa, đồng thời kéo cờ Syria tại 5 khu vực lân cận tỉnh này. Raqqa được coi là thủ đô tự xưng của tổ chức IS và là thành trì lớn của chúng ở Syria. Khu vực này bị các phần tử thánh chiến chiếm đóng từ hồi tháng 8/2014. Hiện quân đội Syria cũng như lực lượng người Kurd đang mở các chiến dịch tấn công để giải phóng Raqqa khỏi sự chiếm đóng của IS.
Tuy nhiên, sự phát triển đáng lo ngại nhất của IS là về số lượng chiến binh gốc người Libya đã và đang “phát tán” sang các nước láng giềng trong khu vực và sau đó trở về nước mang theo tư tưởng Hồi giáo cực đoan.
Theo các nhà phân tích quốc tế, năm 2015 đã có gần 1.000 người Libya trở về nước sau khi chiến đấu tại Syria và Iraq trong các nhóm phiến quân của IS. Đặc biệt, hơn một năm qua, từ một nhóm nhỏ, lực lượng IS đồn trú tại Lybia đã trở thành lực lượng đáng kể với hơn 3.000 chiến binh.
Cũng chính tại quốc gia Bắc Phi bất ổn này, IS đã xây dựng các kế hoạch táo bạo, trong đó có huấn luyện các chiến binh để tiến hành các vụ tấn công khủng bố nhằm vào các nước Tunisia và Algeria láng giềng, nhất là vụ tấn công khủng bố tại Bảo tàng Bardo hồi tháng 3/2015 hay vụ khủng bố đẫm máu tại bãi biển Port-Al-Kantaoui hồi tháng 6/2015.
Trên thực tế, sự hiện diện của IS tại Libya dù còn khiêm tốn nhưng đã bắt đầu lan tỏa trên phương diện châu lục. Nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram ở Nigeria đang nỗ lực đưa người qua hướng quốc gia láng giềng Chad để tới Libya nhằm mục đích huấn luyện và nhận các trang thiết bị quân sự và vũ khí từ IS.
Một nước ở Trung Phi khác là Chad cũng đang rất lo ngại rằng tổ chức Boko Haram có thể kết hợp với IS tại Libya để trở thành lực lượng Hồi giáo cực đoan lớn mạnh và có thể làm gia tăng sức mạnh của IS tại châu Phi. Đặc biệt, một số chiến binh Somalia đã xuất hiện tại Libya. Tuy số này không nhiều nhưng vẫn chưa xác định đây có phải là những chiến binh độc lập hay là những thành viên ly khai của nhóm Al Shabab (chi nhánh của Al-Qaeda đối địch với IS).
Theo một số nguồn tin đáng tin cậy, hiện đã xuất hiện một số đối tượng người Mali, Mauritania và những công dân của các quốc gia Tây Phi khác gia nhập IS và có thể trở thành những lực lượng tiền đồn của IS tại những nước mà đến nay mới chỉ tồn tại các nhóm Hồi giáo có quan hệ với Al-Qaeda.
Các nước Algeria, Ai Cập, Niger và Chad cũng đang quan ngại về “sức hút” của IS đối với các chiến binh Hồi giáo tại đây cũng như nguy cơ tấn công khủng bố vào các cơ sở kinh tế trọng yếu tại các nước này thông qua sa mạc Sahara, giống như vụ tấn công do nhóm Mokhtar Belmokhtar thực hiện hồi năm 2013 nhằm vào tổ hợp khai thác khí tự nhiên Amenas của Algeria nằm gần biên giới Libya.
Những kẻ tấn công đã xuất phát từ Libya để tấn công vào miền Nam Algeria và cảnh báo chính quyền Algeria rằng “những trung tâm kinh tế của Algeria có thể sẽ bị tấn công trong tương lai”. Hiện Pháp, trong khuôn khổ chiến dịch Barkhane, cũng đang nỗ lực tạo ra hàng rào ngăn cản IS lan tỏa từ 5 nước mà quân đội Pháp đã và đang triển khai các hoạt động quân sự tại Mauritania, Chad, Mali, Burkina Faso và Niger. Tuy nhiên, Pháp vẫn cần có sự hỗ trợ đắc lực của hai nước lớn trong khu vực Bắc Phi là Algeria và Ai Cập để ngăn chặn những âm mưu tấn công khủng bố của IS qua hướng sa mạc Sahara.
Liệu sự thâm nhập của IS vào châu Phi liên kết các nhóm chiến binh Hồi giáo hiện còn “nhỏ lẻ” và phân tán có thể làm thay đổi bản chất của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở châu lục luôn bất ổn này trong tương lai hay không hiện vẫn là một câu hỏi lớn...
Afghanistan xóa sổ IS ở miền Đông
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tuyên bố nhóm khủng bố IS đã bị đánh bại ở miền Đông Afghanistan - nơi chúng chiếm quyền kiểm soát của một số huyện hẻo lánh.
Tổng thống Ghani cho biết các lực lượng Afghanistan đã đánh bật các phần tử trung thành với IS khỏi những khu vực thuộc tỉnh Nangarhar, giáp giới với Pakistan. Ông tuyên bố Afghanistan sẽ là “mồ chôn” IS. Các lực lượng Afghanistan đã tuyên bố chiến thắng sau chiến dịch 21 ngày ở các huyện Achin và Shinwar thuộc tỉnh Nangarhar, đồng thời cho biết đã tiêu diệt ít nhất 200 phiến quân.
IS đã xuất hiện ở Afghanistan trong hơn một năm. Các quan chức nước này cho biết hầu hết các phần tử phiến quân tự coi mình là IS, đều chống đối các tay súng Taliban.