Tránh tư duy “không quản lý được thì cấm”
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (QH) Nguyễn Thúy Anh cho biết, về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm; quy định loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, các phương tiện điện tử cụ thể được phép kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử; quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử.
Phát biểu về nội dung này, Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về việc dự thảo Luật quy định thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử là thuốc không kê đơn; thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và nguyên liệu làm thuốc. “Nếu quy định như vậy có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp đưa thuốc kê đơn là thuốc phải quản lý và phải có đơn của thầy thuốc vào kênh bán lẻ thương mại điện tử hoặc là doanh nghiệp sẽ lấy thông tin bệnh nhân cần mua thuốc kê đơn trên sàn thương mại điện tử và sẽ thực hiện giao dịch mua thuốc ở chỗ khác”, Đại biểu phân tích và đề nghị quy định chỉ bán thuốc không kê đơn theo phương thức thương mại điện tử.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP Hà Nội). |
Còn Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định cụ thể về trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc kiểm soát chất lượng và nguồn gốc của thuốc được bán trên sàn nhằm bảo đảm người tiêu dùng mua được thuốc đúng chất lượng và tránh tình trạng bán thuốc không đúng quy định trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) tán thành việc bán thuốc bằng giao dịch điện tử như dự thảo Luật vì tình trạng này hiện đã và đang diễn ra. “Chúng ta cấm không được mà cần phải quy định chặt chẽ việc này. Theo tôi, điều đầu tiên phải khẳng định là những thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Thứ hai là các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn và các thuốc theo đơn nhưng phải được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử và bệnh án điện tử. Nhà thuốc được bán online cũng cần đảm bảo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành và thẩm định cấp phép”, Đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định). |
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị bắt đầu thử nghiệm việc bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử ngay tại các nhà thuốc của bệnh viện đã triển khai đầy đủ bệnh án điện tử. “Tôi nghĩ, sau khi Luật được thông qua, nếu Bộ Y tế có thông tư hướng dẫn, các bệnh viện sẽ triển khai được, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay và theo chiều ngược lại không quản lý được thì cấm, khiến rất nhiều người sẽ vi phạm pháp luật khi Luật có hiệu lực”, Đại biểu nói.
Xem xét quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư
Một nội dung khác được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến là về chính sách của Nhà nước về dược và chính sách phát triển công nghiệp dược. UBTVQH xin ý kiến đại biểu về 2 phương án. Phương án 1 quy định cho phép áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Phương án 2 không quy định quy mô cụ thể mà dẫn chiếu áp dụng theo Luật Đầu tư, nghĩa là chỉ được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới có vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm.
Về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) cho rằng, thực hiện như phương án 1 là cực kỳ khó khăn. “Những lĩnh vực được hưởng ưu đãi trong công nghiệp dược là những lĩnh vực rất hẹp, trong khi đó chúng ta lại yêu cầu quy mô đầu tư rất cao. Khả năng giải ngân trong 3 năm đầu 1.000 tỷ đồng là một điều hoàn toàn không khả thi. Đối với phương án 2 cũng rất khó”, Đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị kết hợp giữa 2 phương án, theo đó, có xác định quy mô dự án cụ thể xuống 1.000 tỷ đồng và giải ngân 3 hoặc 4 năm đầu chỉ khoảng 300 tỷ đồng. Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, với mức 1.000 tỷ đồng đã là khá khó.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, nếu quy định ở mức chung là 30.000 tỷ đồng thì “không có dự án nào được, hiện nay cao nhất cũng chỉ khoảng 2.700 tỷ đồng”. “Ngay cả mức 3.000 tỷ đồng chúng ta cũng phải phấn đấu”, Bộ trưởng nói và đề nghị các đại biểu ủng hộ để có quy định chính sách ưu đãi cụ thể, để ngành dược Việt Nam có bước phát triển.
Đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An).
Hoàn thiện pháp luật để xử lý hiệu quả tội phạm mua bán người
Chiều 22/10, phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường của QH về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), một số ý kiến Đại biểu chỉ ra rằng, trong những năm qua, tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra đang là thực tế đáng lo ngại. Do vậy, Đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) và nhiều Đại biểu khác tán thành với việc dự thảo Luật đã bổ sung quy định hành vi nghiêm cấm “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền trẻ em. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung pháp luật có liên quan, như pháp luật hình sự về nội dung này.