PGS.TS Trương Hồ Hải - Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật: “Bài viết của Tổng Bí thư có tính chất chỉ đạo, định hướng chiến lược và ý nghĩa sâu sắc”
PGS.TS Trương Hồ Hải. |
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có tính chất chỉ đạo, định hướng chiến lược và ý nghĩa sâu sắc trong triển khai quyết liệt Nghị quyết 27 về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền trong tình hình mới.
Theo đó, trong quá trình triển khai cần đứng vững trên các quan điểm chỉ đạo sau:
Vai trò của Đảng trong lãnh đạo trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền trong tình hình mới: Tổng Bí thư khẳng định rằng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là yếu tố quyết định, là nguyên tắc hàng đầu trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đảng lãnh đạo trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền trong tình hình mới nhưng đồng thời Đảng cũng phải giữ vững vai trò tiên phong và gương mẫu của Đảng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bài viết nhấn mạnh việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền trong tình hình mới phải đảm bảo pháp quyền theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa là vừa phải tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền, vừa phải hướng đến mục tiêu xã hội chủ nghĩa, mục tiêu phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và bảo vệ hài hòa quyền lợi của mọi tầng lớp trong xã hội. Đồng thời bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh phải xử lý hài hòa giữa phát huy dân chủ và giữ vững kỷ luật để đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý và điều hành đất nước.
Bài viết của Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống… để có đội ngũ có đủ phẩm chất, năng lực để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh hội nhập sâu rộng và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa một cách vững chắc, bền vững, dựa trên các nguyên tắc pháp lý và chính trị được định hướng bởi lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Luật sư Nguyễn Văn Hà: “Tiếp tục khẳng định Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”
Luật sư Nguyễn Văn Hà. |
Bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Tô Lâm là một bài viết sâu sắc, đánh giá toàn diện các vấn đề trọng tâm vị trí, vai trò, chức năng, sứ mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là cách tiếp cận khách quan, nhìn thẳng vào sự thật. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới được triển khai hơn 02 năm nhưng đã tạo những dấu ấn quan trọng, đặc biệt là góc độ chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ góc độ lý luận và thực tiễn, tính Đảng đã được đề cập nhiều trong các văn bản của Đảng và Nhà nước về xây dựng nhà nước nước pháp quyền.
Điều đặc biệt, bài viết đã tiếp tục khẳng định Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đây là đặc trưng thể hiện bản chất giai cấp của Nhà nước ta, là yêu cầu khách quan, có tính quy luật. Bên cạnh những thành tựu bước đầu trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và bài viết cũng đã nhận diện nêu ra. Việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một quá trình lâu dài.
Trước xu thế hội nhập sâu rộng, cần nắm rõ các vấn đề cơ bản đó là sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng; hoàn thiện hệ thống pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng chính quy, chủ động, trách nhiệm, chuyên nghiệp; thực hiện sâu rộng cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực có bước đột phá; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với Nhà nước, đề cao nguyên tắc pháp quyền; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cần có chuyển biến mạnh mẽ, đột phá, quyết liệt, đi vào chiều sâu. Con người sẽ là nhân tố trung tâm quyết định mọi vấn đề trong đời sống xã hội và cũng chính là chủ thể đặc biệt trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bà Phan Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Tư pháp Long An, Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An: “Bài viết có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác tư pháp hiện nay”
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Tô Lâm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác tư pháp hiện nay. Những chủ trương, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong bài viết là đường lối, là cơ hội, đồng thời cũng là điều kiện để ngành Tư pháp tiếp tục phát huy vai trò, sự đóng góp của mình vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó có công tác tư pháp ở địa phương, nhất là công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách, bổ trợ tư pháp và trợ giúp pháp lý ở địa phương, cơ sở…
Từng nội dung, nhiệm vụ định ra trong bài viết là cơ sở cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức của ngành Tư pháp nhận thức sâu sắc về yêu cầu, trách nhiệm của mình trong giai đoạn tới, là động lực để cùng quyết tâm không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ ngành Tư pháp, tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công tác tư pháp, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và niềm tin của người dân.