Một tất yếu khách quan
Từ khi thành lập cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn ghi đậm những dấu ấn vẻ vang gắn liền với thành tựu của quốc gia, dân tộc. Đảng đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam); lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam hiện nay. (Ảnh: sovhttdl.thaibinh.gov.vn) |
Vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị đã được quy định trong Hiến pháp năm 1980; tiếp tục được ghi nhận trong các Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Chính vì vậy, Điều 4 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Việc quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán để khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, mà còn là một nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị - xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn.
Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Đảng vạch ra đường lối chính trị, những chủ trương, phương hướng lớn và quyết định những vấn đề quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước; chỉ đạo quá trình xây dựng pháp luật, nhất là những đạo luật quan trọng nhằm thông qua Nhà nước thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật, thành những quy định chung thống nhất trên quy mô toàn xã hội. Đảng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan nhà nước hoạt động theo đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đảng phát hiện, giáo dục, bồi dưỡng những cán bộ có năng lực, phẩm chất để giới thiệu nhân sự cho bộ máy nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các tổ chức đảng và đảng viên làm việc trong bộ máy nhà nước. Đảng động viên quần chúng Nhân dân ủng hộ, giúp đỡ các cơ quan nhà nước thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đảng lãnh đạo toàn diện Nhà nước; song “cần nhận thức đúng đắn tính tất yếu khách quan của việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước xuất phát từ bản chất cách mạng, khoa học, vai trò, sứ mệnh lịch sử của Đảng và mục tiêu lý tưởng đấu tranh của Đảng Cộng sản; xuất phát từ thực tiễn lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; xuất phát từ sứ mệnh lãnh đạo xây dựng xã hội mới - XHCN của Đảng”. Năng lực lãnh đạo của Đảng thể hiện trước hết ở việc xây dựng, kiện toàn, sử dụng và phát huy vai trò của bộ máy nhà nước. Sự tin yêu Nhà nước, sự tham gia tích cực của Nhân dân vào quản lý nhà nước là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá năng lực lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng
Để thực hiện tốt vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước, đòi hỏi Đảng phải thường xuyên củng cố, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên trong bộ máy nhà nước.
Đảng lãnh đạo Nhà nước không những nhằm giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước mà còn đảm bảo định hướng chính trị cho hoạt động của các cơ quan nhà nước, đảm bảo cho Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thực sự là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đảng hoạch định chiến lược, chính sách và những mục tiêu cơ bản đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và yêu cầu Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật, nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật đó. Dưới hình thức này tất cả các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp đều chịu sự kiểm soát của Đảng. Trong đó toàn bộ hệ thống chính trị cần phải quán triệt và thực hiện sâu sắc Nghị quyết số 21-NQ/TW (Hội nghị Trung ương 5 - khóa XIII) ngày 16/6/2022 “về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”.
Cấp ủy cơ sở thường xuyên kiểm tra, giám sát các chi bộ, đảng viên thực hiện chế độ sinh hoạt đảng định kỳ. Thực hiện nghiêm túc kiểm tra việc quản lý đảng viên tại chi bộ và đảng viên ở ngoài nước. Cấp ủy, chi bộ chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên. Trong đó, từng cấp ủy, đảng viên luôn quán triệt sâu sắc tinh thần: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng với phương châm “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Đồng thời, từng đảng viên phải xây dựng kế hoạch phấn đấu, rèn luyện để chi ủy, chi bộ kiểm tra, giám sát, làm cơ sở để kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cuối năm. Trong công tác đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên kịp thời phát hiện, động viên, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương đảng viên xuất sắc, tiêu biểu trên các lĩnh vực. Đối với những đảng viên có biểu hiện suy thoái hoặc không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có khuyết điểm, vi phạm, cấp ủy, người đứng đầu thường xuyên nhắc nhở, giáo dục, động viên, giúp đỡ, xử lý nghiêm. Khắc phục triệt để tình trạng dễ dãi, nể nang, né tránh trong công tác đánh giá, phân loại đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Đặc biệt, pháp luật Việt Nam là sự thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng. Do vậy, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng chính là bảo đảm cơ sở chính trị vững chắc cho quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong bối cảnh thế giới đã và đang trải qua những biến động to lớn hiện nay.
Thực tế cũng yêu cầu thực hiện đổi mới cơ chế và nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực, tăng cường pháp chế XHCN. Trong đó, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, từng bước hoàn thiện và mở rộng dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước; trong đó đặc biệt chú ý: “Nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa thực hành dân chủ XHCN và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”. Phát huy tinh thần của Đại hội XIII của Đảng, kiên trì thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, ngày càng thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội.
(Còn tiếp)