Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) và nhiều đại biểu khác bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2008 nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, nhà nước; khắc phục những hạn chế bất cập do quy định tại một số điều, khoản của luật BHYT năm 2008 và được bổ sung một số điều tại luật BHYT số 46/2014/QH13; đồng thời bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật hiện hành, như Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB).
Dự thảo Luật sửa đổi quy định về KCB đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật KCB năm 2023. Bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.
Đồng thời, sửa đổi quy định về đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở KCB BHYT để đồng bộ với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và phân cấp, phân quyền cho Sở Y tế về đăng ký KCB BHYT ban đầu và phân bổ thẻ BHYT.
Dự thảo Luật cũng bao gồm các nội dung sửa đổi mới mang tính cấp bách đã có thông tin, dữ liệu rõ ràng để khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ, như quy định trường hợp mắc bệnh mãn tính chuyển về cấp thấp hơn được sử dụng thuốc như cấp cao hơn và điều chỉnh tỷ lệ hưởng BHYT trong một số trường hợp để phát huy vai trò của y tế cơ sở.
Tán thành với các nội dung sửa đổi của dự thảo Luật, Đại biểu Lê Quân (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, dự thảo Luật đã “mở tuyến với bệnh hiểm nghèo”, nhưng nên tiếp tục cân nhắc tới đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ ở vùng sâu, vùng xa vì đây là những trường hợp dù được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều về bảo hiểm y tế song vẫn gặp nhiều khó khăn.
“Một bệnh nhân ở tuyến xã lên tuyến huyện thì mức chi khác rồi. Nhiều bà con khi lên Hà Nội khám thì gần như phải đi về... Việc thông tuyến, mở tuyến nên mở rộng với đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ ở vùng sâu, vùng xa chứ không chỉ nên dừng ở việc mở đối với bệnh hiểm nghèo”, Đại biểu Lê Quân nói.
Đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, với quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh trong tiếp cận dịch vụ y tế; theo ý kiến kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37, theo đó nghiên cứu cơ chế cho phép người dân được đến bất cứ cơ sở KCB nào để KCB mà không cần phải làm thủ tục chuyển cơ sở KCB.
Do vậy, Đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định người có thẻ BHYT có quyền đi KCB BHYT không cần giấy chuyển viện tại tất cả các cơ sở thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật ban đầu và cơ bản (toàn bộ các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh) và được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT 100% theo mức hưởng BHYT trên thẻ BHYT.
Cùng với đó là bổ sung quy định người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật can thiệp, phẫu thuật theo danh mục của Bộ Y tế được đến thẳng các cơ sở thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu (tức các bệnh viện tuyến Trung ương hiện nay) để KCB mà không cần giấy chuyển viện và vẫn được hưởng được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT 100% theo mức hưởng BHYT trên thẻ BHYT.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định người bệnh đăng ký KCB ban đầu được KCB tại cơ sở cấp thấp hơn và được hưởng 100% theo mức hưởng BHYT.
Trong khi đó, Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) nhận định, dự thảo Luật đã mở rộng khá nhiều quyền lợi của người tham gia BHYT. Rất nhiều nội dung đề xuất được BHYT thanh toán 100% chi phí KCB (cả nội trú và ngoại trú), nhất là trường hợp người bệnh được tự đến cơ sở KCB có chuyên môn kỹ thuật cơ bản hoặc chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao.
“Nhìn chung, đây cũng là mong muốn của người bệnh khi được điều trị ở những cơ sở y tế có chuyên môn cao”, Đại biểu nói.
Tuy nhiên, Đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá thật kỹ lưỡng đến khả năng cân đối quỹ BHYT.
“Theo báo cáo tình hình quản lý quỹ BHYT năm 2023 thì tổng thu trong năm đạt 128.604 tỷ đồng, tổng chi 140.191 tỷ đồng, mặc dù lũy kế cuối năm vẫn dương nhưng chúng ta cũng cần đánh giá hết sức cụ thể về khả năng đáp ứng và cân đối của quỹ khi bổ sung khá nhiều mức hưởng
Ngoài ra, Đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Đoàn Kiên Giang) và một số đại biểu khác chỉ ra rằng, hiện nay, người sống ở xã An toàn khu đã được hưởng chính sách về BHYT theo quy định của Chính phủ. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào dự thảo Luật đối tượng là “người đang cư trú tại xã An toàn khu” vào nhóm đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng.