Đặc biệt, nhóm thanh niên từ 20 đến 24 tuổi tốt nghiệp cao đẳng và đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, với 20,75%, tức cứ 5 thanh niên ra trường thì có một người không tìm được việc.
Trước đó, một kết quả khảo sát hồi năm 2013 của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách (thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện với gần 3.000 cựu sinh viên ra trường từ năm 2006 đến năm 2010, thuộc 3 trường đại học lớn là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và Đại học Huế cũng cho thấy con số “giật mình”.
Có tới 26,2% số cử nhân cho biết chưa tìm được việc làm, dù khái niệm việc làm ở đây được hiểu rất rộng là bất cứ công việc gì tạo ra thu nhập, không nhất thiết phải đúng với trình độ, chuyên ngành đào tạo.
Như để trả lời cho thực trạng này, một kết quả khảo sát khác của Viện Công nghệ thông tin cho thấy: có 72% số sinh viên ngành công nghệ thông tin thiếu kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và 100% không biết lĩnh vực hành nghề là gì. Đặc biệt, đối với sinh viên mới tốt nghiệp, chỉ khoảng 15% đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và hơn 80% lập trình viên phải đào tạo lại.
Cùng năm, theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới đối với 350 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, phần lớn các doanh nghiệp phàn nàn là họ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng. Có tới 82,9% số lao động chuyên môn hoặc kỹ năng cao không đáp ứng được những đòi hỏi về kỹ năng của người tuyển dụng lao động…
Hơn 72.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp - con số buồn này cho thấy sự lệch pha trong đào tạo và nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Theo đó, tiền của, công sức, thời gian và cả niềm tin, ước vọng của hơn 72.000 gia đình và của hơn 72.000 bạn sinh viên, học sinh bị hao tổn.
Nhìn thẳng vào sự thật, chất lượng giáo dục còn nhiều vấn đề phải bàn, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ý kiến tâm huyết đã và đang đóng góp nhằm “chấn hưng” giáo dục nước nhà. Vậy nhưng, về phía gia đình và xã hội cũng cần tự vấn về thói “sĩ diện hão”, bệnh “chuộng bằng cấp”…./.