Thất nghiệp cũng mặc!
Có mặt tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM vào sáng 12/11 chúng tôi chứng kiến rất nhiều NLĐ lếch thếch bước trở ra, vẻ mặt buồn thiu. Hỏi chuyện một nữ lao động được biết, chị tên Nguyễn Thị Lan, làm việc tại Cty TNHH KM, quận Bình Thạnh.
Nhiều NLĐ không nhận được trợ cấp thất nghiệp vì quy định “tháng liền kề” |
“Trường hợp này do công ty không trả lương, không đóng các khoản bảo hiểm cho tôi đến 4 tháng tôi mới phải nghỉ việc, và nhu cầu nhận trợ cấp thất nghiệp là có thật. Thế nhưng giờ lại đòi hỏi phải đóng BHTN tới “tháng liền kề” là rất mâu thuẫn và không thể đáp ứng được”- chị Lan giãi bày.
Trường hợp như chị Lan không phải là cá biệt, khi chúng tôi đặt vấn đề với cán bộ của Trung tâm đăng ký thất nghiệp TP thì được biết, khi áp dụng Thông tư 04, hàng loạt NLĐ mất việc, dù đóng BHTN trên 12 tháng đầy đủ nhưng do “tháng liền kề” không được đóng, nên đều không nhận được trợ cấp thất nghiệp.
Chúng tôi trở lại Cty Kungysung Vina, huyện Hóc Môn hỏi về trường hợp 180 công nhân bị nợ lương, BHXH, BHTN gần 1 tỉ đồng khi ông chủ người Hàn Quốc bỏ trốn có được nhận trợ cấp thất nghiệp hay không. Anh Hùng - một công nhân lâu năm trần tình: “Cán bộ đăng ký thất nghiệp họ nói tui phải đóng BHTN đến “tháng liền kề”. Thế nhưng ông chủ thì bỏ trốn, lương còn bị nợ cả mấy tháng trời thì làm sao Cty họ đóng BHTN cho mình đến “tháng liền kề” được. Vậy mà không hiểu sao các cán bộ trung tâm họ cứ buộc mình phải đáp ứng yêu cầu”.
Rồi công nhân này than thở: “Bị nợ 4 tháng lương, tiền không có, chưa kiếm được việc làm mới, vậy mà 180 công nhân tụi tôi còn không được nhận trợ cấp thất nghiệp, không hiểu chính sách này của Nhà nước rốt cuộc là dành cho đối tượng nào đây?”.
“Trăm dâu đổ đầu” … người lao động
Như thế, để đáp ứng điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp NLĐ phải được đóng BHXH đến tận “tháng liền kề” – tức tháng có quyết định nghỉ việc. Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố các doanh nghiệp đang nợ BHXH tới 1.900 tỷ đồng. Đương nhiên khi NLĐ tại các doanh nghiệp nợ BHXH này nghỉ việc và đăng ký thất nghiệp, họ không thể đáp ứng được điều kiện “tháng liền kề”.
Trong khi đó, thời gian qua các doanh nghiệp “bỏ trốn”, giải thể, phá sản… có thể lên đến con số hàng ngàn. Những doanh nghiệp này, tiền công NLĐ còn bùng, nói gì đến chuyện đóng BHXH, BHYT, BHTN. Thực trạng này cũng dẫn đến hệ quả là NLĐ không thể nào được đóng BHTN đến “tháng liền kề” được…
Theo Luật sư Trần Mạnh Thắng - Đoàn Luật sư TP.HCM, quy định “tháng liền kề” tại Thông tư 04/2013/TT-BLĐTBXH là hết sức “tàn nhẫn”. Bởi, nó khiến cho NLĐ rơi vào cảnh cùng cực khi bị nợ lương, mất việc lại không nhận được trợ cấp thất nghiệp kịp thời.
Chẳng những thế, theo ông Thắng, quy định này còn trái pháp luật, chiểu theo Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Bởi lẽ, Điều 81 Luật BHXH và Nghị định 127/2008 của Chính phủ, là những văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, đều chỉ yêu cầu NLĐ đáp ứng đủ thời gian đóng BHTN là đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp mà không cần thêm bất kỳ một điều kiện nào, kiểu như “liền kề”, “liền trước”… gì cả.
Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp:
Người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi thất nghiệp;
2. Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội;
3. Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội