Nếu như năm 2011 số nợ đọng BHTN là 172 tỷ đồng, thì đến năm 2012 số nợ đọng BHTN là 365,45 tỷ đồng và tính đến tháng 8/2013 con số này đã lên tới trên 600 tỷ đồng.
Để dẫn đến tình trạng này, Cục Việc làm cũng nhận thấy, ngoài yếu tố khách quan (tình hình sản xuất kinh doanh của các DN còn gặp nhiều khó khăn, một số địa phương gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách… ).
Còn một số nguyên nhân chủ quan như: ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động chưa cao, việc chuyển kinh phí từ ngân sách địa phương hỗ trợ đóng BHTN còn chậm và quy định về xử lý vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội nói chung và BHTN nói riêng còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Ông Trung nhấn mạnh, nhiều DN trốn đóng bảo hiểm cho NLĐ hoặc lách luật bằng cách ký hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc với người lao động dưới 12 tháng để không phải đóng BHTN cho NLĐ.
Ông Nguyễn Hùng Cường– Phó Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, mặc dù cơ quan BHXH cũng đã áp dụng nhiều biện pháp thu hồi nợ như: đối chiếu, thông báo kết quả thực hiện đóng BHTN hàng tháng, tính lãi phạt chậm đóng đối với các đơn vị sử dụng lao động tham gia, công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát huy hiệu quả hoạt động của tổ thu hồi nợ liên ngành…
Tuy nhiên, cơ chế thu hồi nợ này vẫn chưa đủ sức răn đe. Tình trạng chây ỳ, nợ đọng BHTN của nhiều DN vẫn tiếp diễn. Cùng đó là thực trạng nhiều DN đang trốn đóng BHTN cho NLĐ bằng cách đóng theo bảng lương chứ không đóng theo doanh thu.
Để khắc phục tình trạng trên, tại hội nghị nói trên, nhiều ý kiến cho rằng cần sửa Luật BHXH theo hướng tăng nặng các hình thức xử phạt đối với những đơn vị cố tình vi phạm Luật BHXH cũng như nâng mức phạt theo hướng tăng tỷ lệ phạt cao hơn và tính trên tổng số tiền nợ, đồng thời truy cứu trách nhiệm Hình sự đối với những chủ sử dụng lao động chiếm dụng Quỹ BHXH.
Đặc biệt, có ý kiến kiến nghị, cần đưa ra hành lang pháp luật coi hành vi trốn đóng bảo hiểm như trốn thuế, theo đó phối hợp với cơ quan thuế cương quyết không quyết toán thuế cho các DN trốn đóng.