Doanh nghiệp sai, người thất nghiệp chịu?
Đến các trung tâm đăng ký thất nghiệp trên địa bàn TP.HCM dễ bắt gặp các khuôn mặt âu lo đang chen lấn để có được một “suất” trợ cấp thất nghiệp. Thế nhưng, sau đó, hàng loạt người lao động buồn bã trở về vì không đáp ứng được quy định về “tháng liền kề”. Một nữ công nhân thốt lên: "Nếu cơ quan chức năng cứ… thẳng băng theo quy định này mà làm thì chẳng còn mấy người nhận được trợ cấp thất nghiệp".
Với tình trạng DN trốn đóng BHXH trầm trọng như hiện nay, hậu quả mà người lao động phải gánh là rất rõ. Ví như, Cty CP thương mại –dịch vụ Hàng hải Phú Mỹ (Q.7, TP.HCM) nợ BHXH từ tháng 3/2011.
Tháng 9/2012, BHXH quận 7 đã nộp đơn khởi kiện và Tòa tuyên buộc Cty phải nộp hơn 2,6 tỉ đồng nhưng Cty không đóng và kháng cáo để “câu giờ”.
Mới đây, Tòa đã xử phúc thẩm nhưng Cty tiếp tục chây ỳ thực hiện nghĩa vụ. Hay như Cty CP thương mại Tiến Hưng là DN chuyên sản xuất hạt nhựa, sản phẩm nhựa, cao su… (địa chỉ số 142A-17-18-19 Lũy Bán Bích, P. Phú Thạnh, Q. Tân Phú, TP.HCM) trốn đóng BHXH triền miên 4 năm trở lại đây.
Tháng 5/2010, BHXH Tân Phú đã khởi kiện DN này và Tòa đã tuyên buộc DN phải khắc phục truy đóng số tiền 998 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay Cty Tiến Hưng vẫn nợBHXH tới 3,9 tỉ đồng.
Đây chỉ là 2 trong số hàng ngàn DN trốn đóng BHXH trên địa bàn TP.HCM hiện nay.
Một lãnh đạo BHXH TP cho biết, hiện tổng số tiền các DN nợ BHXH là khoảng 1.900 tỉ đồng. Khi DN nợ BHXH đương nhiên sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người lao động. Đặc biệt là việc chốt sổ BHXH khiến họ rất thiệt thòi vì nguyên tắc chỉ có thể chốt đến thời điểm DN đã đóng mà thôi.
Như vậy người lao động sẽ không thể nào được chốt sổ đến “tháng liền kề” để đăng ký thất nghiệp được. Nhưng oái oăm là khi bị nợ lương, không đóng BHXH thì người lao động mới chán nản phải nghỉ việc và đăng ký thất nghiệp.
Ngoài ra, những trường hợp như chủ DN “bỏ trốn” thì cũng còn nói gì đến chuyện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Có DN khi chủ “bỏ trốn” còn nợ công nhân đến 4 tháng lương huống hồ là đóng BHTN.
Tất cả những câu chuyện về nợ, trốn đóng BHTN, “xù” BHTN đều bắt nguồn từ lỗi của các DN. Thế nhưng đến khi người lao động bị mất việc đi đăng ký thất nghiệp lại trực tiếp phải gánh chịu hậu quả là điều hết sức vô lý và chắc chỉ có ở quy định “tháng liền kề” trong Thông tư 04?.
Chưa đến mức “siết” người thất nghiệp
Các báo cáo về tình hình liên quan đến thất nghiệp đều cho thấy số lượng người tham gia và quỹ BHTN đều liên tục tăng. Trong khi số người được hưởng BHTN lại có xu hướng giảm.
Cụ thể, theo thống kê của Sở LĐTBXH TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm nay thành phố chỉ có 94.000 lao động đăng ký thất nghiệp tại các trung tâm (con số này giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2012), với số tiền chi trợ cấp thất nghiệp cho người lao động là 839 tỉ đồng.
Cùng với đó, theo số liệu thống kê của BHXH TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm, toàn thành phố có 239.909 lao động giảm, nghỉ việc do DN giải thể, tạm ngưng hoạt động…
Tuy nhiên, trong số này cũng chỉ có 37.030 lao động làm thủ tục và được hưởng trợ cấp thất nghiệp (tức chỉ chiếm khoảng 15% số lao động nghỉ việc). Theo luật gia Lê Trúc Phương (TP.HCM), số liệu của ngành BHXH là con số phản ánh thực tế nhất, vì người lao động phải có sổ BHXH mới có thể đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp được.
Như vậy, tỉ lệ này cũng phản ánh lượng người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp ở một địa bàn sôi động như TP.HCM là rất nhỏ so với số người đã đóng BHTN nghỉ việc, như thế quỹ BHTN sẽ ổn định hơn.
Trong khi đó, thống kê của chính Cục Việc làm – Bộ LĐTBXH cho thấy số nguời tham gia BNTN và quỹ đều tăng liên tục. Nếu năm 2009 chỉ có 5,9 triệu người tham gia BHTN, tổng số thu là 3,5 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2013 số người tham gia BHTN đã là 8,3 triệu người.
Tính đến hết tháng 6/2013 quỹ BHTN đã có kết dư hơn 26.000 tỉ đồng. Có thể nói, với tình hình đang rất “sáng” như vậy thì không có lý do gì lại phải “siết” quyền lợi chính đáng của NLĐ.
Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp:
Người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi thất nghiệp;
2. Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội;
3. Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
(Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội)