Trình độ: Đang còn nhiều khoảng cách
Một trong những hạn chế, bất cập hiện nay, theo TANDTC là sự chênh lệch về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ giữa Thẩm phán và Hội thẩm ngày càng rõ rệt. Trong lúc pháp luật đòi hỏi Thẩm phán phải có tiêu chuẩn cao về chuyên môn, nghiệp vụ; trình độ hiểu biết pháp luật của Nhân dân đã được nâng cao hơn so với trước đây thì tiêu chuẩn của Hội thẩm hầu như không có gì thay đổi qua nhiều năm.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt các nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán và nguyên tắc xét xử tập thể, quyết định theo đa số thì ngày càng đòi hỏi ở Hội thẩm nhiều hơn về kiến thức chuyên môn.
Trong khi đó, các quy định về tiêu chuẩn của Hội thẩm còn rất chung chung và khác xa so với những tiêu chuẩn đặt ra đối với Thẩm phán, đó là “có kiến thức pháp lý” và “phải được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ”.
Thực tế hiện nay, trình độ chuyên môn của đội ngũ Hội thẩm nhân dân không đồng đều và chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ.
Theo thống kê, đến nay tổng số Hội thẩm nhân dân TAND địa phương (nhiệm kỳ 2011-2016) đã bầu được 15.630 người. Trong đó, Hội thẩm nhân dân có trình độ cử nhân Luật chỉ chiếm 18,5% và có đến gần 29% có trình độ dưới đại học. Hội thẩm quân nhân Toà án Quân sự (nhiệm kỳ 2009-2014) cũng chỉ có 17% có trình độ cử nhân Luật.
Trên thực tế, chính vì trình độ của Hội thẩm nhiều nơi chưa đạt “chuẩn” dẫn đến tình trạng chỉ “ngồi cho đủ mâm”. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết các vụ án khi mà việc tham gia xem xét, đánh giá các chứng cứ của Hội thẩm ở mức độ hạn chế.
Chỉ được hành nghề đến 70 tuổi
Vì những bất cập này, theo TANDTC, Hội thẩm cần bảo đảm các tiêu chuẩn về chính trị, chuyên môn và các tiêu chuẩn khác. Riêng tiêu chuẩn chính trị cần giữ như quy định hiện hành. Đối với các tiêu chuẩn còn lại, TANDTC cho rằng cần quy định theo hướng Hội thẩm phải có kiến thức pháp lý ở mức trung cấp (đối với Tòa án cấp khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa…); phải có trình độ cử nhân Luật (đối với các Tòa án cấp khu vực thuộc đồng bằng và các Tòa án cấp tỉnh).
Ngoài ra, Hội thẩm cần được tập huấn về những vấn đề pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động xét xử (pháp luật Hình sự, Dân sự, Hành chính, pháp luật về Tố tụng...).
Như vậy, tiêu chuẩn pháp lý của Hội thẩm trong điều kiện của Việt Nam hiện nay không thể quy định quá thấp như trước đây nhưng cũng không nên quy định quá cao để tránh tình trạng “chuyên môn hóa” hay “Thẩm phán hóa” Hội thẩm, làm cho hoạt động xét xử mất dần đi tính chất xã hội rộng rãi của mình.
Về các tiêu chuẩn khác của Hội thẩm, cũng theo TANDTC, cần nhấn mạnh hơn về tiêu chuẩn đạo đức, lối sống, tính quần chúng, gần dân, có ảnh hưởng tốt về mặt đạo đức, tư cách trong cộng đồng dân cư; không vi phạm pháp luật, sống gương mẫu, không tham nhũng.
Đặc biệt, Dự thảo Luật Sửa đổi Luật Tổ chức TAND đã quy định rõ độ tuổi làm Hội thẩm (từ 23 đến 70 tuổi); đồng thời cần quy định những tiêu chuẩn về ngoại hình của Hội thẩm như không có dị tật, dị hình...
Hội thẩm cũng là một chức danh Tư pháp?
Theo quy định của Hiến pháp, việc xét xử của TAND có Hội thẩm tham gia; Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số. Khác với bồi thẩm đoàn ở một số quốc gia trên thế giới, khi xét xử Hội thẩm vừa tham gia xem xét, đánh giá các chứng cứ, vừa cùng với Thẩm phán nghị án để đưa ra phán quyết của Tòa án đối với từng vụ án cụ thể.
Như vậy, Hội thẩm là người tham gia xét xử, thực hiện quyền Tư pháp – Nhiệm vụ mà Hiến pháp quy định do TAND thực hiện; bởi vậy, phải xác định Hội thẩm là một chức danh Tư pháp trong TAND.
Như vậy, Hội thẩm là người tham gia xét xử, thực hiện quyền Tư pháp – Nhiệm vụ mà Hiến pháp quy định do TAND thực hiện; bởi vậy, phải xác định Hội thẩm là một chức danh Tư pháp trong TAND.
(Nguồn: TANDTC)