Giếng mọc từ thân cây
Chiếc giếng cổ kì lạ nằm ở xóm 14 (xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), từ xa xưa đã được người dân quen gọi là giếng Thùng, sâu khoảng 4m trong đó có 3m nước, nằm ở gần cánh đồng giữa làng. Theo lời các cụ cao niên, khi tổ tiên đến lập làng đã thấy có giếng, họ phỏng đoán nó xuất hiện vào khoảng thế kỉ 16 - 17.
Ông Nguyễn Văn Tân (SN 1951, ngụ xóm 14) sống gần giếng cho biết: từ nhỏ ông đã nghe các cụ trong làng kể chiếc giếng này không phải do con người đào mà do thiên nhiên tạo thành.
Ngày xưa, vùng này cây cối rậm rạp, chưa có người sinh sống nên rất hoang vu. Đặc biệt có rất nhiều cây cổ thụ, trong đó có một cây rất to đã bị rỗng ruột, trong thân cây hình thành một vũng nước sâu tạo thành chiếc giếng tự nhiên. Khi dân cư đến sinh sống thấy nước trong thân cây vừa trong vừa mát đã đến múc nước về sinh hoạt, dần dần cải tạo thành chiếc giếng làng là giếng Thùng bây giờ.
Điều đặc biệt, trước khi được cải tạo như hiện nay, trải qua mấy trăm năm nhưng giếng vẫn được thân cây bao bọc. Từ trên nhìn xuống thành giếng phía trong vẫn thấy rõ vỏ cây cổ thụ. Không ai biết đó là cây gì, chỉ biết cây rất lớn, có đường kính khoảng gần 2m.
Vỏ cây rất tươi, màu đỏ và dày khoảng 5cm. Một đặc điểm khác biệt giữa giếng Thùng với tất cả các giếng khác là miệng giếng không tròn, hơi bị méo theo hình dáng của thân cây bao bọc.
Người dân địa phương còn lưu truyền câu chuyện liên quan đến sự ra đời của giếng. Theo đó, vào một đêm trăng sáng cách đây đã rất lâu, một ông người làng có việc đi ngang qua giếng bỗng thấy nhiều tiên nữ xung quanh. Ông này tưởng mình hoa mắt nên nhẹ nhàng tiến lại gần, nấp sau rặng cây quan sát.
Quả đúng có 7 nàng tiên hình dung thoát tục như mây khói đang đứng múa hát, một lúc bỗng nhiên đều biến mất. Người dân từ đó cho rằng đây nhất định là giếng của tiên nên từ đời này qua đời khác đều dặn dò con cháu sau này tuyệt đối không được lấp giếng Thùng.
Dân nghèo góp tiền giữ giếng
Vào những năm 1970, mỗi hộ dân đều đào riêng cho gia đình mình một giếng riêng nên giếng Thùng không còn ai ra lấy nước về dùng nữa, xung quanh cây cối mọc rậm rạp che hết cả thành giếng. Nhưng trong làng bắt đầu xuất hiện những sự lạ, một số người gặp chuyện không may, khi tìm hiểu nguyên nhân đều ngẫm thấy ít nhiều có làm điều ảnh hưởng đến giếng cổ.
Ông Tân sống gần giếng cho biết thêm, nước giếng này rất trong và mát, ngày xưa người dân thường lấy về làm tương và nấu rượu đều rất ngon. Không một cái giếng nào trong làng lấy nước làm tương ngon bằng giếng Thùng. Tuy nhiên, người làm tương và nấu rượu ít đi, dần dần chiếc giếng bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng.
Vào năm 2009, nhân dân xóm 14 kêu gọi cùng nhau góp tiền bạc tu sửa giếng làng. Cây cối xung quanh giếng được phát quang, thành giếng cũng được xây gạch để quang đãng, sạch sẽ hơn.
Giếng Thùng vừa tu bổ xong thì trời hạn nặng. Tất cả các giếng khác trong làng và các vùng lân cận đều bị khô cạn, các ao hồ sông suối cũng trơ đáy. Chỉ riêng giếng Thùng vẫn ăm ắp nước mát ngọt, bà con khắp nơi kéo đến lấy nước về sinh hoạt.
Lúc cao điểm, mọi người còn phải xếp hàng theo thứ tự tránh tình trạng chen chúc xô đẩy, có ngày người xếp hàng lấy nước dài cả trăm mét. Kỳ lạ là chiếc giếng chưa bao giờ cạn, dân làng nhờ thế mới vượt qua được thời kì hạn hán.
Người dân còn phát hiện mực nước trong những chiếc giếng bình thường bao giờ cũng ngang với mực nước các ao hồ xung quanh. Riêng nước trong giếng Thùng lại cao hơn mực nước trung bình tới hơn 1m, mặt nước chỉ cách miệng giếng khoảng 1m, chỉ cần cầm một chiếc gầu cúi xuống là có thể múc được. Một số người cho rằng mạch của giếng bắt nguồn cách khoảng 15km mới có sự khác biệt như vậy.
Ông Trần Văn Luận, Trưởng xóm 14, cho biết: “Giếng Thùng là nơi ghi rất nhiều kỉ niệm với người dân chúng tôi, gắn bó với cuộc sống nơi đây từ ngày mới bắt đầu khai hoang lập làng. Do đó khi nhân dân có nguyện vọng tôn tạo lại, chính quyền hết sức ủng hộ. Còn về việc người dân cho rằng đây là giếng tiên hay nhiều người mạo phạm giếng đều gặp chuyên xui xẻo, đó chỉ là những lời đồn đoán của nhân dân hay sự trùng hợp ngẫu nhiên”.