Nỗi khiếp sợ của làng ung thư
Trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2001, không khí làng Hố Gió (thuộc đội 2, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) bỗng xáo trộn vì liên tiếp xuất hiện nhiều người bị ung thư. Đa phần trong số đó là thanh niên ở độ tuổi từ 15 đến dưới 30.
Có gia đình trong hai năm mất liền hai cô con gái mới 17 - 18 tuổi. Lại có gia đình mấy đứa con đang khỏe mạnh, bỗng phát bệnh ho sù sụ, tưởng chỉ cảm cúm qua loa, ai ngờ đi khám thì đã bị ung thư giai đoạn cuối. Liên tiếp những người bệnh mới được phát hiện, cả làng rơi vào hoang mang, sợ hãi.
Không ai biết nguyên nhân, bởi xưa nay chưa có tình trạng này xảy ra bao giờ. Có người đồn đoán do người dân ở đây sống dưới rừng lim, nguồn nước bị nhiễm độc từ loại cây này. Có nguồn tin lại nói làng có tên Hố Gió như chính hiện tượng gió quẩn nên “khí độc” mới khiến nhiều người bị bệnh như vậy.
“Giai đoạn ấy, chẳng ai dám bén mảng tới ngôi làng này. Khổ thân nhất là đám thanh niên, chẳng ai dám yêu đương cưới hỏi gì nữa. Có gia đình trước đó đã làm lễ dạm hỏi đàng hoàng rồi, nhưng vì thấy điều bất thường này, cặp trai gái đã hủy hôn.
Khách nơi khác đến, mời nước người ta cũng không dám uống vì sợ bị lây bệnh ung thư. Sau đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, lấy mẫu nước xét nghiệm, đo lượng gió, nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân”, một người làng nhớ lại.
Gần 20 thanh niên trẻ khỏe "ra đi" trong sự đau khổ của gia đình họ hàng cũng như làng xóm. Hoang mang lên đến đỉnh điểm. Nhiều gia đình vì quá sợ hãi đã tính đến nước bỏ quê mà đi.
Cho đến một ngày giữa năm 2001, có cậu bé tên Hạnh bị ốm nặng. Cậu bé được gia đình đưa đi khắp các bệnh viện trên địa bàn tỉnh rồi nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội, mà vẫn không thể có kêt luận cậu mắc bệnh gì.
Với hy vọng “còn nước còn tát”, chữa bệnh bằng khoa học không kết quả, gia đình người bệnh đành trông vào tâm linh. “Thầy bói” phán rằng trong lúc đi chăn bò, Hạnh bị "mắc ma" ở một ngôi miếu cũ. Giờ muốn tránh được tai ương, gia đình cần lên rừng lim sau nhà, tìm lại nền miếu đó mà cầu khấn. Tin lời, người nhà tập trung đổ lên rừng lim tìm kiếm. Sau một ngày cật lực đào bới, họ kinh ngạc phát hiện gần đỉnh núi có một tảng đá vuông, chiều rộng bằng mặt bàn lớn, trên đó có một số dấu hiệu của nền miếu cũ.
Ngôi miếu cứu nhân độ thế?
Cả gia đình mừng rỡ vì đã tìm được vết tích ngôi miếu. Họ bèn làm lễ vái tạ “xin thần miếu tha tội”. “Khi đang thắp hương lễ vái, trời bỗng dưng nổi giông gió khiến ai nấy đều sợ hãi. Rồi không hiểu trùng hợp thế nào, chỉ 3 ngày sau, cậu bé bị bệnh bỗng khỏe lại bình thường, được xuất viện về đi học”, một người chứng kiến sự việc nhớ lại.
Một nhân chứng kể chuyện ngôi miếu gắn với nhiều sự kiện tình cờ trùng lặp ở làng |
Sau sự trùng lặp lạ kỳ đó, dân làng đã họp nhau lại, quyết định quyên góp để xây lại ngôi miếu. Người góp công, người góp của, chỉ trong thời gian ngắn, ngôi miếu nhỏ đã được xây xong.
Người làng quyết định đặt tên miếu là “Thạch tinh linh ứng”. Họ cũng chọn ngày rằm tháng giêng hàng năm là ngày giỗ “thần miếu”. Các cao niên trong làng còn viết sớ, lập ra ban quản lý để điều hành lễ giỗ ở đây.
Điều tình cờ trùng lặp là sau khi ngôi miếu được hoàn thành, từ đó tới nay không còn ai bị bệnh ung thư. “Sở dĩ chúng tôi đặt tên ngôi miếu như vậy bởi khi tìm thấy nền cũ, chỉ là phiến đá, chứ không biết “ngài” tên thật là gì. Đã cất công tìm nhiều tài liệu, sách vở cũng không thấy ghi gì về nền miếu cũ.
Tuy nhiên, từ ngày có ngôi miếu, dân làng không còn ai bị ung thư, trái lại, còn làm ăn ngày càng phát đạt. Hiệu nghiệm nhất là mỗi khi trâu bò, lợn gà sổng chuồng hay đi lạc, gia chủ chỉ cần lên thắp hương khấn vái, thông thường trâu bò, lợn gà tự trở về chuồng”, một cao niên cho biết.
Như để chứng thực lời nói đó, một người làng kể: “Mình thành tâm là được. Có hôm con trăn nhà tui nuôi sổng chuồng lên núi, gia đình tổ chức tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn vô vọng vì ai cũng nói trăn mà sổng lên núi thì không biết đâu mà tìm. Thế nhưng khi lên miếu thắp hương khấn vái, một lúc sau đã tìm được con trăn ở gần ngôi miếu".
Một cao niên trong làng nhận xét: "Vẫn biết những câu chuyện linh ứng về ngôi miếu chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng có một sự thực có thể cân đong đo đếm, đó là người làng đoàn kết, thân thiện hơn, trên bảo dưới nghe, gia đình thuận hòa. Bởi mọi người đều có chung niềm tin vào “thần miếu”, để dù đi xa hay về gần, không ai dám làm gì sai trái, từ đó cuộc sống bình an".