Năm nào cũng... vội
Thời điểm này, học sinh khối 12 trên phạm vi cả nước đang kết thúc học kỳ I, và chạy nước rút cho kì thi THPT quốc gia. Các bộ môn chính như: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ được xem như là các môn bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 được các nhà trường “tăng tốc” vừa học vừa ôn cho học sinh khối 12. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có quy chế thi khiến nhiều trường khá lúng túng trong tổ chức ôn tập cho học sinh.
Lãnh đạo một số trường THPT ở Hà Nội chia sẻ, các kỳ thi tốt nghiệp THPT, kể cả kỳ thi THPT quốc gia (từ năm 2015) năm nào cũng thay đổi quy chế, ban hành chậm khiến các trường gặp nhiều khó khăn trong khâu tổ chức ôn tập, phân loại học sinh để bồi dưỡng.
TS. Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, với những môn thi chính thì trường đã có kế hoạch từ đầu năm cho học sinh ôn tập. Tuy nhiên, khó khăn là còn những môn tự chọn thì năm nào cũng công bố muộn và thầy trò đều khá cập rập. Việc cho phép đăng ký quá nhiều môn (với mục đích xét tuyển vào đại học) cũng buộc nhà trường phải căn cứ vào kết quả đăng ký để tổ chức các lớp ôn tập khác nhau.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Sơn La, tỉnh vẫn sẽ bám sát những nội dung định hướng đổi mới của Bộ GD-ĐT để đưa ra kế hoạch ôn tập. Bên cạnh đó, tổ chức lớp ôn tập phù hợp đối tượng, nguyện vọng và năng lực của học sinh (theo các khối thi ĐH, CĐ truyền thống và tổ hợp các môn thi theo đề án riêng của các trường ĐH, CĐ).
Điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, tất cả bất cập của năm 2015, năm nay Bộ đều có giải pháp để làm tốt hơn. Năm 2016, tất cả những bất cập của năm 2015 sẽ không lặp lại. Hiện Bộ đã đưa chi tiết dự thảo quy chế thi và tuyển sinh để tham khảo ý kiến của các trường và của toàn xã hội, trong dự thảo đó sẽ đề ra một số phương án. Sau đó xã hội, học sinh, phụ huynh cho ý kiến. Trên cơ sở đó, Bộ tổng hợp và ban hành quy chế chung.
Vì kỳ thi này liên quan đến rất nhiều thí sinh, rất nhiều gia đình nên cần tham khảo ý kiến của xã hội. Phương án nào được đồng thuận cao nhất thì chọn. Sau tết Nguyên đán học sinh đã đăng ký nộp hồ sơ. Như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nói là sẽ công bố trước tết Nguyên đán sẽ có phương án công bố cho thí sinh biết để sau Tết dự thi.
Nhiều địa phương đề xuất tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sớm hơn so với năm 2015, cụ thể là diễn ra trong ba ngày 13, 14, 15/6 (năm 2015 thi vào đầu tháng 7). Theo Bộ GD-ĐT, việc tổ chức thi sớm hơn (ngay sau khi kết thúc năm học) sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh, đồng thời thời gian nhập học, khai trường cũng sớm hơn, không ảnh hưởng đến chương trình học và thời điểm ra trường của sinh viên.
Vấn đề xét tuyển được bàn thảo nhiều nhất trước khi hoàn thiện quy chế của kỳ thi này. Bởi, việc cho phép thí sinh được rút ra, nộp vào hồ sơ là một giải pháp nhân văn, đảm bảo quyền lợi của thí sinh rất tốt. Khi biết mình trượt, thí sinh có thể tìm cơ hội ở trường khác thay vì phải chấp nhận trượt và mất thêm một năm nữa để ôn luyện, thi lại.
Nhưng với bất cập của việc xét tuyển như năm 2015 thì Bộ sẽ điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Theo đó, những điều chỉnh tập trung ở vấn đề kỹ thuật trong cách nhận hồ sơ xét tuyển, phương thức xét tuyển thế nào cho phù hợp để không gây lộn xộn, giúp cho thí sinh, xã hội yên tâm, không quá khó khăn trong nộp hồ sơ.
Theo quan điểm của Bộ, thực ra, năm 2015 việc cho phép thí sinh được rút ra, nộp vào hồ sơ là để đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Bộ đã tạo điều kiện cho thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng của mình nhưng có những bất cập nhất định nên sắp tới sẽ điều chỉnh cho hợp lý hơn để quyền lợi của thí sinh không bị hạn chế và không gây bức xúc.
Như vậy, cách tổ chức thi cơ bản như năm 2015. Bộ chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong cách nhận hồ sơ xét tuyển, phương thức xét tuyển thế nào cho phù hợp để không gây lộn xộn, xã hội yên tâm, thí sinh không quá khó khăn trong nộp hồ sơ. Điều này để các trường và thí sinh cùng thuận lợi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.
Thí sinh ở vùng giáp ranh được linh hoạt đăng ký cụm thi
Tại kỳ thi THPT quốc gia 2015, dư luận đánh giá công tác tổ chức thi tốt, chỉ điều chỉnh một chút ít để tốt hơn. Ví dụ sắp xếp thí sinh dự thi ở cụm thi quốc gia vùng giáp ranh thế nào để thuận tiện hơn, không phải đi quá xa. Có thể cụm thi quy định xa, cụm thi khác gần thì học sinh được mềm dẻo tùy chọn.
Tiếp thu ý kiến này, theo Bộ, kỳ thi sẽ vẫn có hai loại hình cụm thi là cụm liên tỉnh do các trường đại học chủ trì và cụm tại các địa phương do các sở giáo dục và đào tạo chủ trì. Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ chỉ điều chỉnh nhỏ về cụm thi, đó là cho phép thí sinh ở các vùng giáp ranh giữa các tỉnh được linh hoạt trong đăng ký cụm dự thi để thuận lợi hơn cho các em trong việc đi lại, không phải đi quá xa.