Học trực tuyến vì dịch bệnh: Lo lắng trước kỳ thi

Thí sinh trong kỳ thi lớp 10 năm 2021.
Thí sinh trong kỳ thi lớp 10 năm 2021.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm học 2021-2022 của TP Hà Nội diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Học sinh nói chung và học sinh lớp 9 nói riêng đã phải điều chỉnh cách học và cách ôn thi để đảm bảo kết quả tốt nhất cho kì thi vào lớp 10 - kỳ thi “nghẹt thở” với không ít thí sinh, phụ huynh…

Học sinh “ngợp” trước lượng kiến thức khổng lồ

Hơn một nửa chặng đường của học kỳ I năm học 2021-2022 đã trôi qua và kỳ thi vào lớp 10 cũng đang đến gần với học sinh lớp 9. Thời gian này được coi là thời điểm “vàng” để học sinh ôn luyện và chuẩn bị kỹ càng cho kỳ thi vào lớp 10.

Tuy nhiên, khác với mọi năm, năm nay do dịch bệnh kéo dài, thời gian chủ yếu học trực tuyến nên càng thêm áp lực với thầy trò và phụ huynh. Vừa qua, với hơn 93.000 thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập năm 2021 thì chỉ có khoảng 62% được tuyển vào các trường công lập. Số còn lại sẽ phải đăng ký vào các trường tư, các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường, kỳ thi vào lớp 10 càng trở nên áp lực đối với học sinh cuối cấp. Thấu hiểu nỗi lo này của học sinh và phụ huynh, cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên Trường THCS Song ngữ - Quốc tế Wellspring (chủ nhiệm lớp 9) cho rằng, trong giai đoạn này, học sinh lớp 9 phải đối mặt với ba áp lực chính: kiến thức, dịch bệnh và kỳ thi chuyển cấp.

Theo cô Trang, chương trình lớp 9 nặng và khó hơn nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, học online gần như là giải pháp duy nhất. Với lớp học sĩ số đông, khi dạy học trực tuyến, giáo viên thường gặp khó khăn khi quản lý lớp, còn học sinh dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, mất tập trung, thiếu động lực học tập, từ đó dẫn đến thiếu hụt kiến thức, kỹ năng. Bên cạnh đó, kỳ thi chuyển cấp vào lớp 10 thường có tỷ lệ chọi cao khiến phụ huynh có xu hướng đăng ký nhiều nguyện vọng cùng lúc cho con, trong khi học sinh hoang mang không biết chọn trường nào…

Đồng quan điểm, thầy Hồng Trí Quang cho biết, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, học sinh phải thi 4 môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Do đó, nếu không biết cách phân bổ thời gian giữa các môn học, không đặt mục tiêu phù hợp, học sinh rất dễ bị ngợp trước khối lượng kiến thức khổng lồ. Một số học sinh không chú trọng các môn học từ những năm trước thì quá trình ôn luyện sẽ vất vả hơn. Do đó, học sinh cần duy trì sự tập trung trong các tiết học online, đặc biệt là khi thầy cô giảng kiến thức mới. Các em cũng nên tích cực tương tác với thầy cô và bạn bè, mạnh dạn hỏi lại những gì còn chưa hiểu…

Với môn Toán, thầy Hồng Trí Quang nhận định: “Mặc dù về hình thức thi thay đổi nhưng kiến thức thi vẫn trọng tâm và bám sát cấu trúc đề thi nhiều năm trước. Như vậy, học sinh vẫn nên bám sát vào cấu trúc đề thi các năm gần đây, lấy các dạng bài đó làm trọng tâm ôn tập. Tuy nhiên, đề thi luôn có xu hướng đổi mới, vì vậy ngoài những phần kiến thức trọng tâm này các em cần lưu ý sang năm có gì thay đổi về hình thức thi, về xu hướng đổi mới không”.

Cùng quan điểm về việc cần căn cứ vào cấu trúc đề thi các năm trước, cô Nguyễn Thị Mai Hương cũng khuyên học sinh nên tập trung vào ôn theo dạng đề thi những năm gần đây để ôn tập môn Tiếng Anh hiệu quả. Học sinh nên tập trung ôn theo dạng bài Tiếng Anh quen thuộc trong cấu trúc những năm gần đây và có thể học hỏi kinh nghiệm ở đề thi vào lớp 10 vừa qua về việc tập trung mở rộng vốn từ, ôn tập các chủ đề ngữ pháp trong chương trình trung học cơ sở, nhất là lớp 9.

Môn Văn, đề thi dễ “trúng tủ”

Với môn Ngữ văn, cấu trúc đề thi giống mọi năm, điểm khác biệt chỉ là số câu được rút gọn. Yêu cầu đề cũng nhẹ nhàng hơn, không mang tính đánh đố, đảm bảo kiến thức cơ bản nhưng vẫn có sự phân loại cao ở phần nghị luận xã hội. Điểm thay đổi lớn nhất trong năm nay không chỉ ở thời gian làm bài 90 phút mà cả biểu điểm đoạn Văn tăng lên.

Chia sẻ về kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng: “Với cấu trúc đề thi được ổn định qua nhiều năm của Hà Nội, các bạn ở lứa sau đã có những hình dung rất rõ về tổng thể đề. Các em nên tập trung ôn tập kĩ kiến thức về văn bản (chủ yếu kiến thức tác phẩm ở lớp 9) và rèn kĩ năng đọc hiểu. Cần đảm bảo luyện viết chắc, triển khai luận điểm rõ ràng, phân tích dẫn chứng đầy đủ trong đoạn văn nghị luận xã hội. Đồng thời khi viết đoạn văn nghị luận về thơ cần thể hiện rõ năng lực cảm thụ, phân tích các biện pháp nghệ thuật để từ đó khái quát giá trị nội dung. Với thời gian làm bài có thể bị giới hạn, các em cần tập trung vào vấn đề và học cách phân bố thời gian làm bài hợp lý, tránh viết thừa, dài dòng.

Theo TS Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội), cấu trúc đề thi lớp 10 môn Ngữ văn lặp trong chục năm qua, tạo tâm lý “học tủ” cho học sinh. Không khó để nhận ra sự lặp lại trong nội bộ cấu trúc hai phần của đề thi - hơn chục năm qua, cả hai phần đều có cùng một kiểu dạng với sự kết hợp giữa câu hỏi đọc hiểu và yêu cầu viết đoạn văn. Hai phần trong cấu trúc đề, dù hướng tới nghị luận xã hội hay nghị luận văn học, chủ yếu sử dụng ngữ liệu phần đọc hiểu là một trích đoạn văn học trong sách Ngữ văn lớp 9.

Thực tế, với môn Văn, không ít phụ huynh và học sinh thường học tới vài ca với thầy cô khác nhau trong tuần, càng gây thêm áp lực không cần thiết, khi học sinh không có đủ thời gian để tự ôn luyện. Trong khi đó, với tính chất môn Văn chấm điểm theo từng ý nhỏ, học sinh chỉ cần học thuộc, đủ ý là “ăn điểm”.

Đọc thêm

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.