Tác giả Nguyễn Hữu Châu tại Tượng đài Chiến thắng Juaction city |
Tại Đại hội của Hội Khoa học Lịch sử mới diễn ra ngày 30/11/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh: “Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phải có trách nhiệm làm cho các cơ quan quản lý và xã hội thấy được tầm quan trọng của môn lịch sử trong hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời có những đóng góp tích cực trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học môn lịch sử”.
“Cần triển khai tích cực những hoạt động để nâng cao hiểu biết và niềm yêu thích của nhân dân, nhất là những thế hệ trẻ đối với lịch sử dân tộc”.
Sau khi nhấn mạnh “phải giữ môn lịch sử trong trường phổ thông”, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kiến nghị: “Trong lúc chưa biên soạn sách giáo khoa mới, cần bổ sung nội dung về lịch sử xác định và đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Môn lịch sử, nhất là quốc sử, phải cùng vị thế với môn quốc ngữ - quốc văn và môn toán, phải là những môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc trong các trường trung học cơ sở và phổ thông”.
Còn nhớ, thời thực dân Pháp thống trị nước ta, tôi học chương trình Pháp, cho dù học lịch sử Pháp là môn bắt buộc, nếu môn toán, môn văn là 10 điểm thì môn lịch sử cũng phải 10 điểm. Và dĩ nhiên, không chỉ hiểu sử Tây mà cùng với việc thấm nhuần lịch sử dân tộc đối với những thế hệ học sinh ngay khi còn phải ngồi trong nhà trường của một đất nước phải chịu thân phận thuộc địa.
Thiết nghĩ, khi đất nước hoàn toàn độc lập, tự do như ngày nay thì môn lịch sử càng phải được coi trọng. Cần khẳng định môn lịch sử là môn độc lập và có điểm ngang nhau cới các môn khác, không thích hợp, không gắn môn lịch sử với môn công dân hay bất kỳ môn nào khác.
Sinh thời, Bác Hồ dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cũng từng phát biểu: “Khoa học không có Tổ quốc, nhưng mỗi người có một Tổ quốc để yêu, xây dựng và bảo vệ”. Vậy để yêu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất thiết phải hiểu lịch sử của Tổ quốc mình.
Thế hệ trẻ hiện nay cần hiểu về lịch sử của dân tộc mình để tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về thế hệ cha ông đã chiến thắng chủ nghĩa thực dân, đế quốc để thế hệ hôm nay có trách nhiệm kế tục xứng đáng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện cho kỳ được hoài bão “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nếu trước đây miền Nam là tiền tuyến lớn thì miền Bắc ruột thịt là hậu phương lớn, cùng nhau đoàn kết triệu người như một, đánh bại bất cứ kẻ thù nào muốn xâm chiếm nước ta. Nay chúng ta sống yên bình trên đất liền – hậu phương lớn, không bao giờ được quên chiến sĩ ta ở biển đảo – tiền tuyến lớn – ngày đêm chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.
Thế hệ trẻ hiện nay phải biết gắn kết với các thế hệ ông cha ta đã muôn đời đánh đuổi giặc ngoại xâm, phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc thì nhất định sẽ xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc XHCN.
Trải qua chiều dài lịch sử kháng chiến, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và tiếp tục sự nghiệp đổi mới, những người như chúng tôi là 10.000 cán bộ đoàn viên thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam thời chống Mỹ trong đó có 2.000 đồng đội đã hy sinh, có cơ hội thấm thía về niềm tự hào phát huy lịch sử vẻ vang của dân tộc mà còn phải nhớ ơn, trả ơn suốt đời những chiến sĩ, đồng bào đã đổ biết bao xương máu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước trong suốt gần 5.500 ngày từ năm 1960 ở căn cứ địa Bắc Tây Ninh, và từ sau 30/4/1975 đến nay đã 40 năm, chúng tôi vẫn liên tục tổ chức những cuộc hành trình “Nhớ ơn liệt sĩ, đáp nghĩa đồng bào, chăm lo đồng đội, tiếp lửa thanh niên” khắp cả nước dù ở tuổi 60,70, 80, góp phần làm vơi đi nỗi đau mất mát.
Khi tình hình biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa bị đe dọa, xâm lấn, chúng tôi nhanh chóng hành động tiếp lửa cho các chiến sĩ biển đảo và cử đại diện của mình vượt hàng ngàn cây số để thăm hỏi các chiến sĩ ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
10.000 thanh niên Đoàn thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam vừa được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân vào tháng 12/2015.
Thiết nghĩ, những việc làm có ý nghĩa nhân văn xuất phát từ đặc điểm riêng của mỗi người, mỗi hoàn cảnh không giống nhau nhưng có cùng một điểm chung là gắn liền với hành động có ích của con người.
Có thể nói, học sử và hiểu sử trở thành một trong những chất men xúc tác đẩy con người ta có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội vì tiền đồ của dân tộc.
Với người trẻ, việc học sử không phải để thi cử mà học sử để làm người có ích, để trang bị kiến thức, kỹ năng, thấm nhuần đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây” và kể cả nảy mầm tư tưởng cống hiến “không hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà ta phải làm gì cho Tổ quốc” vậy.
(tác giả nguyên là Bí thư Đoàn ủy cơ quan T.Ư/ Đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam)