Có thể thấy, ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua, những tinh thần tiến bộ của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân đã được cụ thể hóa và khả thi ngay trong các đạo luật gốc, luật rường cột của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình
Tử hình là chế tài nghiêm khắc nhất trong hệ thống các chế tài hình sự được áp dụng từ xa xưa trong xã hội loài người và nó được tiếp tục duy trì cho đến ngày nay ở khá nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta, sự tồn tại của hình phạt tử hình gắn liền với lịch sử đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ đất nước từ thời phong kiến và xuất phát từ yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng – an ninh của đất nước qua các thời kỳ.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển văn minh nhân loại, xu hướng chung của thế giới hiện nay là thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn loại hình phạt này và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Bộ luật Hình sự (BLHS - sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh gồm: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252); Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); Tội chống mệnh lệnh (Điều 394); Tội đầu hàng địch (Điều 399).
Cùng với việc bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh trên, Điều 40 BLHS (sửa đổi) về không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đã quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, điểm c khoản 3 Điều 40 cũng quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì trong việc tham mưu giúp Chính phủ, Quốc hội xây dựng Dự thảo BLHS (sửa đổi), bộ luật được Quốc hội thông qua với nhiều sửa đổi, bổ sung rất quan trọng theo tinh thần cải cách tư pháp, nhằm góp phần bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trước hết là các quyền về dân sự, chính trị, đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật; đặc biệt là các quy định thể hiện tính nhân đạo cao như giảm hình phạt tù, giảm các tội phạm có hình phạt tử hình và giảm các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình; thay thế việc truy cứu trách nhiệm hình sự bằng việc áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục người dưới 18 tuổi; bổ sung các quy định nhằm giúp người bị kết án thuận lợi hơn trong việc tái hòa nhập với xã hội như quy định về xóa án tích, tha tù trước thời hạn có điều kiện, bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại (doanh nghiệp)...
Mặt khác, Bộ luật cũng đã có những quy định nhằm xử lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi phạm tội gây thiệt hại cho các đối tượng yếu thế, bảo vệ tốt hơn quyền bất khả xâm phạm về thân thể của người bị giam giữ như tội bức cung, tội dùng nhục hình...
Việc Quốc hội thông qua BLHS (sửa đổi) là một bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo sự phù hợp với giai đoạn phát triển mới của Việt Nam sau Hiến pháp năm 2013; phát huy hơn nữa vai trò là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
BLHS (sửa đổi) phải tới ngày 1/7/2016 mới có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, Điều 2 Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành BLHS (sửa đổi) quy định rõ: Kể từ ngày BLHS này được công bố, nước ta sẽ không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà BLHS này đã bỏ hình phạt tử hình, đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người được nêu tại điểm a khoản này nhưng chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án TANDTC chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân. Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS này thì không thi hành và Chánh án TANDTC chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Việc sửa đổi quy định của BLHS theo hướng giảm các tội danh có hình phạt tử hình thể hiện sự thay đổi trong chính sách hình sự của Nhà nước theo hướng nhân đạo hơn. Đây cũng được đánh giá là những quy định rất tiến bộ, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về giảm hình phạt tử hình nhằm bảo vệ quyền con người theo tinh thần Hiến pháp và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp.
Cho phép chuyển đổi giới tính: Một quyết định lịch sử
Ngày 24/11/2015 được những người đồng tính, người chuyển giới ở Việt Nam xem là một thời khắc quan trọng, có ý nghĩa “lịch sử” khi Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trong đó dành hẳn 1 điều (Điều 37) quy định về chuyển đổi giới tính. Nhiều người đồng giới đã xuống đường ăn mừng và bày tỏ sự cảm kích trước quyết định này của Quốc hội.
Trong điều kiện còn nhiều luồng quan điểm khác nhau và cũng chưa nhiều nước trong khu vực châu Á cho phép chuyển đổi giới tính thì việc Bộ luật Dân sự (sửa đổi) của Việt Nam cho phép công dân được chuyển đổi giới tính là một bước thay đổi quan trọng trong tư duy lập pháp; hướng đến việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền con người được quy định trong Hiến pháp năm 2013.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã cho biết ông ủng hộ việc chuyển đổi giới tính và cho rằng đó là một quy định hết sức tiến bộ. Người đứng đầu ngành Tư pháp cũng nhận định đó là bước tiến quan trọng, thể hiện một sự thay đổi trong tư duy lập pháp khi công nhận quyền của một nhóm người chiếm số lượng không lớn trong xã hội.
Không chỉ thể hiện tính nhân đạo, tiến bộ trong việc thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) còn đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự của Nhà nước ta. Trên cơ sở thể chế hoá các nghị quyết của Đảng, đặc biệt cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013, Bộ luật đã có nhiều đột phá trong tư duy pháp lý và tạo lập cơ chế điều chỉnh các quan hệ dân sự.
Với việc tiếp tục ghi nhận vị trí, vai trò là luật chung của cả hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ dân sự, góp phần tạo nền tảng pháp lý cho sự thống nhất, đồng bộ và ổn định trong hệ thống pháp luật dân sự của Nhà nước ta, Bộ luật có nhiều quy định mang tính nhân văn và khả thi về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, như địa vị pháp lý của chủ thể, quyền về nhân thân và tài sản, cơ chế pháp lý thực hiện, bảo vệ quyền dân sự, bảo đảm cho người yếu thế có địa vị pháp lý và quyền bình đẳng với chủ thể khác trong quan hệ dân sự…
Đồng thời, với nhiều quy định mang tính cải cách trong quy định về tài sản, giao dịch, đại diện, thời hiệu, quyền của chủ sở hữu tài sản và của người không phải là chủ sở hữu tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng, pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, Bộ luật đã khẳng định là luật của quan hệ thị trường, góp phần tích cực, quan trọng trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phục vụ hội nhập quốc tế.
Ghi nhận những đóng góp trong xây dựng, hoàn thiện 2 Bộ luật lớn
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, chiều tối 17/12, Bộ Tư pháp tổ chức buổi gặp mặt để ghi nhận những đóng góp tích cực của Ban soạn thảo, Tổ biên tập, các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Bộ luật Hình sự (BLHS) (sửa đổi) và Bộ luật Dân sự (BLDS) (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và chủ trì buổi gặp mặt. Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập.
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua BLDS (sửa đổi) và BLHS (sửa đổi). Đây là hai bộ luật mang tính “rường cột” nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng đối với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phục vụ hội nhập quốc tế, ổn định trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
BLDS số 91/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015 (gọi tắt là BLDS năm 2015) có 689 điều, được bố cục thành 6 phần, 27 chương với những nội dung mới. Trong đó đặc biệt, Buật Dân sự 2015 đã cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự. Trong đó đáng chú ý nhất là quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng.
BLHS số 100/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 27/11/2015 (gọi tắt là BLHS 2015) gồm 26 chương với 426 điều với những điểm mới cơ bản như: Bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm các tội trong lĩnh vực kinh tế, môi trường; Hoàn thiện chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi; Thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng các tội danh cụ thể trong lĩnh vực quản lý kinh tế; Nội luật hóa các quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đáng chú ý là BLHS 2015 bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội, đồng thời mở rộng đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 2 bộ luật đã được thông qua nhưng việc đưa luật đi vào cuộc sống là việc rất quan trọng. Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp khẩn trương trình Chính phủ kế hoạch triển khai 2 bộ luật cũng như thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan tuyên truyền, phổ biến rộng rãi 2 bộ luật; các bộ, ngành, TANDTC, VKSNDTC khẩn trương ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; các cơ quan thống tấn, báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền 2 bộ luật...
Hoàng Thư