Xây dựng chế định Luật sư công phù hợp với nhu cầu của Nhà nước và xã hội
- Thưa Luật sư Nguyễn Hưng Quang, hiện nay nhiều ý kiến cho rằng nên hình thành đội ngũ luật sư công cũng như tạo hành lang pháp lý cho đội ngũ này hoạt động hiệu quả. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này? Việt Nam có cần thiết phải có thiết chế luật sư công không?
Chúng ta đều biết rằng khái niệm “luật sư công” ở trên thế giới không đơn thuần chỉ đề cập đến đội ngũ luật sư làm cho khu vực công hay nói cách khác là đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đảm nhiệm chức năng luật sư. Nhiều nước trên thế giới duy trì đội ngũ luật sư công để đảm nhiệm những công việc cụ thể, phù hợp với tính chuyên nghiệp của luật sư.
Như: Hoạt động trợ giúp pháp lý cho nhóm dễ bị tổn thương trong các vụ án hình sự và các vụ án dân sự; Tư vấn và đại diện cho Chính phủ trong những vấn đề liên quan mà luật sư có năng lực, chuyên môn, như đại diện cho Chính phủ trong các vụ kiện hành chính hoặc vụ tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài; Tham gia đấu tranh bảo vệ công lý cho cộng đồng, như hỗ trợ người dân trong các vụ kiện liên quan đến môi trường, an toàn xã hội hoặc phân biệt đối xử; Tham gia soạn thảo chính sách và quy định pháp luật; Tham gia vào hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật; Tham gia các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
Như vậy, nếu hình thành đội ngũ luật sư công, Luật Luật sư (sửa đổi) cần phải tính đến phạm vi hoạt động của đội ngũ này và tính đến sự giao thoa để không bị chồng chéo giữa quy định về luật sư công trong Luật Luật sư với các quy định pháp luật khác, như Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, các luật về tố tụng và các quy định pháp luật khác.
Ngoài ra, việc hình thành đội ngũ luật sư công cũng cần phải làm rõ về vấn đề: nhóm luật sư này hoàn toàn làm việc trong khu vực nhà nước (là công chức, viên chức), hay nhóm luật sư này làm việc cho khu vực công khi nào khu vực công có nhu cầu sử dụng thông qua cơ chế hợp đồng dịch vụ. Cơ quan, tổ chức ở khu vực công là khách hàng của luật sư.
Thực tế, đội ngũ luật sư Việt Nam đang cung cấp những công việc tương tự như luật sư công ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, họ không được coi là luật sư công. Mức thù lao mà họ được hưởng là rất thấp, trừ những vụ việc đại diện cho Chính phủ trong các vụ kiện đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều công chức, viên chức tham gia các hoạt động của luật sư công như luật sư nhưng lại không được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ luật sư, không được bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, không được bảo vệ tính độc lập của hoạt động luật sư. Cơ quan Nhà nước chính là khách hàng của các luật sư nhưng lại không được hưởng các dịch vụ có tính chuyên nghiệp, có tính độc lập và được bảo hiểm rủi ro từ trách nhiệm nghề nghiệp.
Luật sư Nguyễn Hưng Quang phát biểu tại Hội thảo khoa học "Thực trạng pháp luật, thực tiễn áp dụng hiện nay về giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài, hoà giải trực tuyến" do Bộ Tư pháp tổ chức. Ảnh: N.D |
Tôi cho rằng nếu Luật Luật sư (sửa đổi) quyết định xây dựng chế định luật sư công thì đây là một công việc cần phải tính toán để xây dựng chế định này phù hợp với nhu cầu của Nhà nước và xã hội đối với đội ngũ luật sư công.
Như tôi đã phân tích, nếu Nhà nước có nhu cầu về dịch vụ có tính chuyên nghiệp, có tính độc lập và có trách nhiệm thì Nhà nước cần hình thành thiết chế luật sư công để xây dựng đội ngũ luật sư công chuyên nghiệp. Quy định thiết chế luật sư công tại Luật Luật sư (sửa đổi) có thể sẽ giúp cho việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, trách nhiệm, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và công tác quản lý đội ngũ này.
Hiện nay, các hoạt động có tính chất như luật sư công đang nằm rải rác tại nhiều quy định pháp luật, như hoạt động trợ giúp viên pháp lý tại Luật Trợ giúp pháp lý, hoạt động giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg và Quyết định số 1364/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác pháp chế tại các cơ quan Nhà nước theo Nghị định về công tác pháp chế…
Với sự phát triển của hệ thống luật pháp và nhận thức của xã hội như hiện nay, một thiết chế luật sư công thống nhất cần được xây dựng. Thiết chế luật sư công không chỉ nhằm để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ luật sư công chuyên nghiệp mà còn tác động lan toả tới sự phát triển của đội ngũ luật sư nói chung.
Luật sư công cần tham gia nhiều ngành, nhiều lĩnh vực
- Theo Luật sư, vai trò của thiết chế luật sư công trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay là gì? Và để đội ngũ luật sư công hoạt động hiệu quả, theo ông, cần xây dựng cơ chế, chính sách gì?
Vai trò của luật sư công ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập nên tiếp cận theo hướng rộng, đa lĩnh vực và nhiều hình thức cung cấp dịch vụ như ở các quốc gia khác.
Thứ nhất, luật sư công cần tham gia nhiều ngành, nhiều lĩnh vực để nhằm bảo đảm sự phát triển đồng đều của đội ngũ luật sư. Cách tiếp cận này cũng sẽ tạo điều kiện để các cơ quan ở khu vực công chủ động xây dựng đội ngũ luật sư công đáp ứng yêu cầu của mình, đặc biệt một số lĩnh vực chưa có các cơ chế chính thức và cụ thể để đội ngũ luật sư chuyên nghiệp có thể tham gia, như xây dựng chính sách, pháp luật.
Thứ hai, luật sư công cần được tiếp cận theo hướng mở rộng nhiều hình thức cung cấp dịch vụ. Các cán bộ pháp chế hiện nay chính là luật sư nội bộ hoạt động trong các bộ, ngành nhưng lại chưa có các quy định pháp lý rõ ràng để thúc đẩy vai trò của họ. Ngoài ra, cơ quan, tổ chức ở khu vực công có thể duy trì các hợp đồng có tính chất thường xuyên hoặc các hợp đồng vụ việc đối với những luật sư ở khu vực tư có chuyên môn, năng lực đặc thù để cung cấp dịch vụ cho mình, đặc biệt là những vụ việc có yếu tố nước ngoài.
Để đội ngũ luật sư công hoạt động hiệu quả, cần phải xây dựng cơ chế, chính sách với những nội dung cụ thể.
Trong đó, cần tạo điều kiện để các tổ chức ở khu vực công có thể tuyển dụng, ký kết hợp đồng với những luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có kinh nghiệm, năng lực tốt để phục vụ cho những mục tiêu cụ thể, bao gồm việc tuyển dụng, ký kết hợp đồng với luật sư có tính thường xuyên, lâu dài, ký kết hợp đồng với luật sư để thực hiện, giải quyết một số công việc cụ thể, đặc biệt là các vụ việc có yếu tố nước ngoài.
Luật sư Nguyễn Hưng Quang. Ảnh: NVCC |
Xác định vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp và ngạch công chức đối với luật sư công làm việc thường xuyên trong cơ quan, tổ chức ở khu vực công, trách nhiệm và quyền hạn đặc thù giữa người đảm nhiệm công việc luật sư công.
Cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn tuyển dụng, yêu cầu về đào tạo ban đầu và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thường xuyên đối với luật sư công như áp dụng đối với các luật sư độc lập hiện nay. Duy trì các chương trình, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia pháp lý tư vấn cho Chính phủ, các bộ ngành và địa phương khi tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Thù lao cho các luật sư cần được đổi mới, bao gồm chính sách về thù lao luật sư tại các vụ án hình sự chỉ định, thù lao cho luật sư, cộng tác viên, tư vấn viên tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý và luật sư tham gia các vụ án bảo vệ lợi ích của Nhà nước trong các vụ kiện đầu tư quốc tế.
Bảo đảm các chính sách, cơ chế áp dụng cho luật sư công và luật sư tư (luật sự độc lập) được công bằng, bình đẳng để thúc đẩy sự phát triển của luật sư công bằng cơ chế cạnh tranh. Để tính công bằng giữa luật sư công và luật sư độc lập cần được bảo đảm thì cần nghiên cứu sửa đổi Luật Luật sư và các luật về tố tụng, trợ giúp pháp lý…
- Xin ông cho biết làm thế nào để xây dựng đội ngũ luật sư công đáp ứng được những yêu cầu/tiêu chuẩn của quốc tế trong bối cảnh hiện nay?
Có thể nói không có một tiêu chuẩn quốc tế nào cụ thể đối với đội ngũ luật sư công, Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) của Liên Hợp Quốc, Văn kiện quốc tế về Các Nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư… cũng đã đặt ra một số tiêu chí đối với nghề luật sư nói chung.
Riêng yêu cầu đối với các luật sư đại diện cho Chính phủ tham gia tranh chấp quốc tế là khá cao và đặc thù, như hiểu biết về các điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư, thương mại, kỹ năng tham gia các vụ việc trọng tài quốc tế, hiểu biết văn hoá, nguyên tắc pháp luật, tập quán của nhiều quốc gia, khu vực…
Để xây dựng được đội ngũ luật sư công đáp ứng các yêu cầu này thì cần có nhiều biện pháp, như: củng cố đội ngũ cán bộpháp chế/luật sư nội bộ làm việc trong các cơ quan Nhà nước chuyên trách phòng ngừa, chuẩn bị và tham gia vụ kiện tranh chấp đầu tư với sự hợp tác với luật sư độc lập trong nước và quốc tế; tạo điều kiện để luật sư Việt Nam có thể tham gia đại diện cho Chính phủ trong các vụ kiện quốc tế, tham dự các phiên họp, hội thảo, khóa học chuyên sâu về pháp luật quốc tế, pháp luật đầu tư quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ở nước ngoài và khoá học đào tạo luật sư chính quy ở nước ngoài; cử cán bộ làm công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế thực tập tại các công ty luật trong nước và nước ngoài, các tổ chức quốc tế về pháp luật quốc tế, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và tạo điều kiện để các chuyên gia quốc tế giảng dạy về pháp luật nước ngoài, tranh chấp đầu tư quốc tế tại các cơ sở đào tạo luật và nghề luật tại Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!