Ảnh minh họa |
Theo lời “mách” của một người đã từng mua “trứng” thành công, tôi vào các công cụ tìm kiếm cũng như một số diễn đàn kín thì được biết, hoạt động này đang diễn ra tràn lan trên mạng trong nhiều tháng nay.
Những topic rao bán trứng xuất hiện dày đặc, và người bán trứng cũng tìm ra muôn vàn lý do để bán trứng như “vợ chồng đang gặp khó khăn”, “đang cần tiền mua…” hay “làm từ thiện giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn”… Trong khi đó, với những topic trên, rất nhiều người có nhu cầu mua cũng ào ạt nhảy vào hỏi chuyện và đều chung một hoàn cảnh là hiếm muộn.
Hỏi chuyện người bạn đã từng mua “trứng” thì được biết, bây giờ tìm mua trứng thì dễ, lên mạng là có. Tuy nhiên, để mua được trứng khỏe, có thể thụ tinh tốt thì khá phức tạp, vì còn phải phụ thuộc vào tiền sử bệnh tật của người bán trứng. Mà những vấn đề ấy, muốn chắc chắn thì phải điều tra thật kỹ.
Lần theo một số điện thoại đăng bán trứng tên là Duyên trên một diễn đàn, phải mất nhiều thời gian, nhiều lần hẹn chúng tôi mới gặp được nhau. Khi gặp, Duyên bảo phải hẹn nhiều lần là vì Duyên sợ gặp phải “cò”. Lúc đó “giá” trứng sẽ bị giảm đi đáng kể, lại còn mất nhiều thời gian giao dịch.
Sau một hồi nói chuyện, đến khi đặt vấn đề về giá cả, Duyên “thét” 40 triệu đồng. Hỏi vì sao Duyên ra giá cao như vậy, trong khi nhiều người mua chỉ với 20 triệu đồng thì Duyên cười: “Đắt nhưng xắt ra miếng chị ạ”. Rồi giải thích cho cái “xắt ra miếng”.
Duyên khoe về tấm bằng đại học của một trường khá danh tiếng ở Hà Nội, tất nhiên là không quên quảng cáo về chiều cao khá ấn tượng cùng tính tình được mọi người đánh giá là “ngoan hiền”.
Nói đến việc làm thủ tục thế nào để giao dịch được “êm đẹp”, Duyên vạch ra cách thức rất chuyên nghiệp của một người đã tiến hành việc này nhiều lần. Sau khi giao dịch được với nhau, người bán và người mua sẽ phải tìm đến “cò” hoặc một số bác sĩ quen biết. Ở đây họ sẽ tiến hành các thủ tục của việc “xin - cho”, “hiến tặng” để lách luật. Mọi thủ tục đều phải hết sức bí mật và luôn được hợp thức hóa bằng các giấy tờ cam kết đúng quy định. Do đó, rất khó phát hiện để xử lý.
Tiếp tục lần theo các số điện thoại trên mạng mới biết hầu hết những người bán trứng đều khá thành thạo phương thức “lách luật”. Tuy nhiên, lý do bán trứng thì mỗi người một kiểu, nhưng nhiều nhất là lý do hoàn cảnh khó khăn.
“Lần đầu tiên em bán trứng cho người chị họ hiếm muộn. Sau đó, thấy “nghề” này dễ làm, lại có tiền nên vợ chồng em có làm thêm một số lần nữa. 20 triệu cho một lần bán trứng bằng vợ chồng em làm trong mấy tháng. Em chỉ bán nốt lần này là đủ vốn làm ăn, sau đó sẽ thôi hẳn” – một cô gái bán trứng tên Phượng tâm sự.
Dễ dẫn đến hôn nhân cận huyết!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù ở các bệnh viện đều có Ngân hàng “trứng” của người hiến tặng nhưng trứng chỉ giữ được nhiều nhất là 24h nên nguồn trứng hết sức hiếm. Hơn nữa, theo đúng yêu cầu, người cho trứng phải trong độ tuổi từ 18 đến 35, đã có gia đình và ít nhất một con khỏe mạnh, con nhỏ nhất lớn hơn 12 tuổi và chưa từng cho trứng, không mắc các bệnh lý nội khoa, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh lý di truyền. Xét nghiệm HbsAg, HIV, BW âm tính, xét nghiệm nội tiết đánh giá chức năng buồng trứng bình thường… Chính vì những thủ tục phức tạp này nên tỉ lệ người hiến trứng thực sự rất ít.
Bác sĩ Hoàng Giang (Bệnh viện Nam học & Hiếm muộn Hà Nội) cho biết: “Do tỷ lệ người vô sinh khá cao (chiếm 36%) trong khi không có “nguồn” hiến tặng trứng nên nghề “buôn” trứng vẫn có đất để tồn tại. Khi dắt người bán trứng đến bệnh viện khám thì họ đều nói là dạng hiến tặng, có viết giấy cam kết”.
Cũng theo Bác sỹ Hoàng Giang, nhiều người bán trứng có phần dễ dãi là vì suy nghĩ mỗi tháng trứng rụng không dùng, không bán thì cũng lãng phí. Tuy nhiên, cứ mỗi lần hiến trứng, người phụ nữ ấy lại phải chịu những mũi tiêm có chứa nội tiết tố để kích thích sự rụng trứng. Nếu “kích” quá nhiều, buồng trứng của họ sẽ có nguy cơ phình to ra rồi dễ dẫn đến vô sinh.
Chưa kể những quả trứng được rao bán nếu sau này người bán trứng và mua trứng không biết nhau thì không loại trừ khả năng xảy ra hôn nhân cận huyết. Chỉ 20 – 30 năm nữa, sau khi những đứa trẻ sinh ra từ các quả trứng ấy lớn lên, ai sẽ đảm bảo chúng không kết hôn với người anh em cũng được sinh ra cùng “nguồn”?
Trên khía cạnh pháp lý, Luật sư Lê Cao, Công ty Luật sư Hợp danh FDVN phân tích: Điều 11 của Luật Hiến, lấy ghép mô và tạng quy định rõ, cấm mua bán mô, tinh trùng, trứng, bộ phận cơ thể người. Cấm quảng cáo, môi giới việc cho nhận, hiến bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Luật thừa nhận việc hiến tặng, xin cho và bên nhận sẽ thanh toán mọi chi phí chứ tuyệt đối không được mua bán. Hai bên cho, nhận này cũng phải có hồ sơ xin cho và xin nhận hợp pháp.
Cũng theo Điều 10, Điều 11 của Nghị định 96/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, hành vi bán trứng cũng chỉ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Nếu tính theo mức giá “khủng” mà người bán và “cò” nhận được thì mức phạt này chưa đủ sức răn đe.