Thực tiễn thực thi cho thấy, một số quy định trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa rõ và dường như có mâu thuẫn trong cách xử lý hành vi bạo lực gia đình. Đơn cử như, theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì tổ chức hòa giải ở cơ sở hoặc do cơ quan tổ chức không tiến hành hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong trường hợp “vụ việc thuộc tội phạm hình sự, trừ trường hợp người bị hại không yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật hình sự” và “vụ việc thuộc hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính” trừ hòa giải do gia đình, dòng họ tiến hành.
Song, cũng một điều khoản khác ngay trong chính Luật Phòng, chống bạo lực gia đình lại quy định “góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên có hành vi bạo lực gia đình đã được tổ hòa giải ở cơ sở hòa giải mà tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình”.
Đối chiếu quy định tại khoản 2 Điều 17 và khoản 1 Điều 42 thấy chưa có sự đồng nhất trong cách xử lý hành vi bạo lực gia đình trong bản thân Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Mặt khác, tuy luật không quy định rõ về điều kiện thực hiện chế tài xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình nhưng khoản 1 Điều 17 đang được các địa phương hiểu ngầm rằng các vụ việc trước khi xử phạt hành chính phải qua hòa giải ở cơ sở hoặc góp ý phê bình ở cộng đồng dân cư mà vẫn tái diễn thì mới xử phạt hành chính.
Nghiên cứu giải pháp chống bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay thực hiện năm 2013 cho thấy hòa giải là giải pháp đầu tiên được áp dụng mỗi khi xảy ra bạo lực gia đình và chỉ khi hòa giải không thành mới áp dụng biện pháp khác. “Khi phát hiện bạo lực gia đình, chúng tôi xem xét nếu gia đình tự dàn xếp được thì thôi, nếu không chúng tôi vận động người trong gia đình viết đơn để tiến hành hòa giải. Ở địa phương việc đưa ra xã giải quyết là nghiêm trọng lắm, không khéo còn làm đổ vỡ gia đình người ta. Vì vậy, trừ những vụ việc nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự, còn những vụ khác chúng tôi đều tiến hành hòa giải trước khi áp dụng biện pháp khác” – một lãnh đạo UBND xã cho biết.
Cũng liên quan đến quy trình xử lý hành vi bạo lực gia đình theo quy định của luật, việc hòa giải thực hiện khi có yêu cầu của nạn nhân hoặc thành viên gia đình hoặc tổ chức có liên quan. Do đó, khi xảy ra bạo lực gia đình nếu tổ hòa giải không nhận được yêu cầu cũng như có đơn thì vẫn chưa thực hiện hòa giải. Đây là một trong những bất cập của luật và nó mâu thuẫn với chính bản thân nó là tính kịp thời, chủ động trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.