Bà Nguyễn Thị Mai - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 6 thuộc cụm dân cư Tư Đình, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội, có gần 20 năm làm công tác phụ nữ. Nhận thức vai trò quan trọng của gia đình trong sự phát triển xã hội, bà Mai luôn quan tâm tới công tác hòa giải gia đình. Không kể sớm khuya, mưa nắng, hễ gia đình nào xảy ra mâu thuẫn lớn, cần sự trợ giúp là bà đều có mặt...
Có lần bà Mai hòa giải mâu thuẫn cho vợ chồng chị Nguyễn Thị D, tổ dân phố số 6. 10h đêm có người báo tin chồng chị D. uống rượu say, không làm chủ được hành vi, trói con gái ngoài sân, không cho ai vào giải cứu trong khi chị D. đang vắng nhà.
Qua tìm hiểu, bà biết 2 vợ chồng chị D mâu thuẫn vì nguyên nhân sâu sa là khó khăn về kinh tế. Chồng chị D không có việc làm, ở nhà nhàn rỗi sinh ra cờ bạc rượu chè, hay gây gổ với vợ. Mẹ chồng chị D lại luôn bênh vực con trai khiến quan hệ mẹ chồng, nàng dâu trở nên căng thẳng. Chị D bỏ về nhà ngoại mong chồng hồi tâm, nhưng chồng chị lại dùng cách bạo hành con để gây sức ép bắt vợ về. Bà Mai đã thuyết phục người bố để mình cởi trói cho cháu bé và đưa cháu về nhà mình tạm lánh.
Sau đó, bà Mai phân tích cho chồng và mẹ chồng chị D. hiểu về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, khuyên chồng chị tu tỉnh làm ăn và giúp bà mẹ chồng hóa giải mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu. Bà còn giới thiệu cho anh một số công việc thích hợp, động viên anh đi làm. Nhờ vậy, gia đình chị D đã yên ấm trở lại.
Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Mai là câu chuyện của rất nhiều cán bộ Hội Phụ nữ trên chặng đường làm công tác Hội nói chung và phòng chống bạo lực gia đình nói riêng. Có thể khẳng định, trong công cuộc chặn tay kẻ vũ phu không thể thiếu vai trò của những người cán bộ Hội “đi từng ngõ, đến từng nhà, gặp từng người”.
Trung tuần tháng 4 vừa qua, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình đến 2020. Trong đó nhấn mạnh tới năng lực của cán bộ và phát huy tốt chức năng đại diện của Hội trong bảo vệ phụ nữ bị bạo lực.
Cụ thể như tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, cán bộ Hội các cấp, thành viên các mô hình tại cộng đồng; đồng thời xây dựng và nâng cao năng lực mạng lưới cán bộ Hội, cộng tác viên tại cộng đồng nhằm cung cấp thông tin, tư vấn và hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực; cũng như nâng cao các kỹ năng làm việc với nạn nhân bị bạo lực...
Chia sẻ kinh nghiệm phòng chống bạo lực gia đình, nhiều cán bộ Hội nhấn mạnh tới khái niệm “vòng tròn bạo lực”. Trong cuộc sống, khi bạo lực gia đình diễn ra, những nạn nhân bị bạo lực, đặc biệt là phụ nữ thường có xu hướng im lặng, chịu đựng vì người gây ra bạo lực chẳng phải ai xa lạ mà chính là người thân trong gia đình của mình.
Chính sự mềm lòng, nhân nhượng, tha thứ ấy đã dẫn đến hiện tượng “vòng tròn bạo lực” “bủa vây” họ và gia đình họ, làm cho cấp độ bạo lực càng ngày càng lên cao. “Cái tát đầu tiên với nhát dao cuối cùng rất gần nhau” – đó là điều mà mỗi cán bộ Hội Phụ nữ đều ghi nhớ và truyền tải tới các hội viên của mình để phòng chống bạo lực gia đình.