“Dựa trên đề xuất của UBND tỉnh Yên Bái và ý kiến đồng thuận của Bộ Xây Dựng, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường ngày 27/01/2014 Thủ Tướng Chính Phủ ban hành Quyết định số 203/QĐ-TT đồng ý bổ sung mỏ đá hoa trắng Nà Kèn tại xã Lâm Thượng và xã Khai Trung, huyện Lục yên, tỉnh Yên Bái vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020, mỏ đá trắng Nà Kèn có diện tích 137,66ha. Việc bổ sung mỏ đá hoa trắng Nà Kèn vào quy hoạch và bổ sung vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Việc quyết định này đã gây nên một sự bất bình lớn trong nhân dân xã Lâm Thượng nói chung và nhân dân thôn Nà Kèn nói riêng. Hiện nay bất cứ một xe ô tô nào đi vào khu vực thôn Nà Kèn đều bị bà con chặn lại, nếu là xe của đơn vị khai thác đá thì bà con yêu cầu quay đầu ngay để phản đối việc khai thác đá tại thôn Nà Kèn (chúng tôi biết việc làm đó là không đúng nhưng vì sự mưu sinh và sống còn chúng tôi đành phải làm vậy).
Núi đá Nà Kèn có từ lâu đời, là nơi mưu sinh của gần 300 hộ dân và gần nghìn nhân khẩu. Núi Nà Kèn có hang đá, thác nước đẹp rất thuận lợi cho du lịch sinh thái, hàng năm có rất nhiều khách du lịch đến đây tham quan, đem lại nguồn thu cho nhân dân, cho đất nước. Nguồn nước duy nhất cho nhân dân sinh sống, trồng trọt và chăn nuôi phục vụ đời sống con người cũng nhờ lấy từ núi Nà Kèn. Có thể nói núi Nà Kèn là nguồn sống duy nhất đem lại cuộc sống cho nhân dân nơi đây và nhân dân cũng dựa vào núi Nà Kèn để canh tác đảm bảo cuộc sống và còn là nơi đem lại môi trường, khí hậu trong lành cho cuộc sống bền vững của người dân xã Lâm Thượng.
Cuộc sống của nhân dân đang bình yên, bỗng dưng Công ty TNHH đá cẩm thạch RH Việt Nam vào xã Lâm Thượng khai thác. Công ty này đã từng khai thác tại thôn Già Khao – xã Yên Thắng – huyện Lục Yên. Hậu quả là họ chỉ biết khai thác, không quan tâm đến việc bảo vệ môi trường sinh thái cũng như ảnh hưởng, thiệt hại về khí hậu, môi trường, thiệt hại kinh tế, làm đất đá trôi xuống chân núi, lấp cả ruộng của nhân dân dưới chân núi mà không được quan tâm, xem xét bồi thường thiệt hại.
Hàng ngày bà con phải túc trực để ngăn các đoàn đến nghiên cứu, khai thác núi đá Nà Kèn. Bà con kiên quyết không để cơ quan, tổ chức nào vào khai thác núi đá này, cho dù đi đến đâu. Bản thân chúng tôi là những người đại diện cho các tổ chức, đoàn thể của thôn bản cũng phải trước hết phục vụ bà con, phải phản ảnh được tâm tư, nguyện vọng của bà con lên các cơ quan Đảng, Nhà Nước, Chính Phủ, các bộ ngành có liên quan để có biện pháp tháo gỡ cho cuộc sống của bà con miền núi khi có các dự án khai thác.
Bà con sinh sống từ nhiều đời ở đây, nhưng khi có đơn vị đến khai thác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn sống của bà con thì lại không được bất cứ một cơ quan, tổ chức nào thông báo cho bà con biết. Vậy các cơ quan đại diện cho dân, dân được biết, được bàn ở chỗ nào ? …..
Vì vậy, chúng tôi đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, Chính Phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường sớm quan tâm, về giải quyết những bức xúc của bà con bản Nà Kèn. Chúng tôi làm đơn này không phải là vượt cấp, mà thực tế chúng tôi đã làm đơn gửi tới xã, huyện, tỉnh. Nhưng tất cả những đơn đó đều rơi vào sự im lặng đáng sợ. Chúng tôi cho rằng đây là biểu hiện của lợi ích nhóm, đã không xem xét kỹ tới cuộc sống của nhân dân các dân tộc vùng cao, mà cho phép bán tài nguyên của đất nước một cách vô lý, không nói là trái phép và hoàn toàn không hợp lòng dân. Chúng tôi cũng sẽ đề nghị các báo, đài, các tổ chức xã hội cũng như các tổ chức dân sự sẽ vào cuộc để giúp chúng tôi bảo vệ công lý bảo vệ cuộc sống của người dân chúng tôi và của đất nước này.
Một lần nữa chúng tôi tha thiết đề nghị các cấp Đảng, chính quyền, đoàn thể nhìn lại hoàn cảnh của chúng tôi mà dừng những việc làm trái đạo lý, đạo đức và lẽ sống của chúng tôi – những con dân – có con đường sống và phục vụ Đảng, nhà nước nhiều hơn.”
Làng xã đang bình yên…
Xã Lâm Thượng còn tồn tại nhiều ngôi làng cổ: Thâm Pất, Thâm Quang, Thâm Lay, Bản Bình, Bản Chang, Nặm Chọ, Nà Kèn, Khau Muổi, Bản Lẹng, Bản Khéo, Bản Chỏi, Tông Cại, Tông Pắng, Nặm Chắn, Hin Lạn, Nà Kéo... mỗi một ngôi làng, ngôi bản gắn liền với nhiều câu chuyện huyền thoại, lâm ly, hấp dẫn.
Một góc núi bản Nà Kèn |
Thâm Quang một thời là nơi hội tụ lặn hụp của bầy hươu nai tắm mát trong những ngày hè oi bức. Thâm Lay là địa điểm hội đồng bọn lươn, chạch. Thâm Pất là xứ đầm lầy của vịt trời ngày xưa. Nà Kèn, ngôi làng ngay chân dốc lên xã Khai Trung, tạo hóa để lại một hang động, có mạch nước ngầm chảy róc rách quanh năm như tiếng kèn đồng ngày hội.
Con ngòi Đại Cại phát nguyên từ Bó My, xã Tân Phượng chảy qua giữa làng quanh năm rêu đá, là nguồn lợi lớn cho làng, nhất là mát về mùa hè ấm về mùa đông. Đình Lâm Thượng (Bản Chỏi) nổi tiếng linh thiêng, thờ vua Lê Thái Tổ (1428-1433). Từ thời Tự Đức qua Thành Thái đến Khải Định 3 lần được cấp săc phong. Đến nay duy nhất còn lưu giữ được bản Văn tế rất đầy đủ và súc tích.
Lâm Thượng là miền đất tiếp cận và giao thoa 2 nền văn minh Tày - Dao, đó là văn hóa ứng xử của tấm lòng hiếu khách và văn hóa ẩm thực, đặc biệt kỹ xảo chế bánh cốm, bánh thính, vịt canh chua... Nói đến con gái Bản Pình, Bản Chang (xã Lâm Thượng) ai cũng nể hình ảnh kiều diễm, làn da ngọc ngà với bộ trang phục màu lam chàm, lấp lánh ánh kim của bộ sà tích bằng bạc trên mình.
Là miền đất có thảm rừng gỗ quý: trai, lát chun, lát trắng, chò chỉ, chò nâu, dổi hương, dổi nghè, đinh hương...
Đường giao thông thuận lợi, hệ thống đường nhựa nhỏ, hẹp vừa 2 xe chạy chậm tránh nhau được rải từ thị trấn Yên Thế đến xã Lâm Thượng dài 15km đi qua xã Yên Thắng, Mai Sơn chỉ phù hợp cho các loại xe khách, xe du lịch đi thẳng đến 19 bản: Bản Lẹng, Bản Khéo, Bản Tông Cại, Bản Tông Pắng A, Bản Tông Pắng B, Bản Tông Pình, Bản Nặm Chắn, Bản Hin Lạn A, Bản Hin Lạn B, Bản Thâm Pất, Ban Chang, Bản Nà Pồng, Bản Nà Kèn, Bản Nà Bẻ, Bản Nặm Chọ, Bản Muổi, Bản Thâm Lay, Bản Nà Kéo.
Nơi đây cần lập quy hoạch cho du lịch sinh thái, tâm linh và bản làng cổ là kinh tế nhất vì thu được nhiều tiền từ du lịch, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc.
Bà Đỗ Thị Hồng phó tổng giám đốc đã đến khảo sát nhiều lần bà nói: mỏ đá này khi khai thác ra các sản phẩm đá Block, đá xẻ đã được mài đánh bóng, đá xẻ tấm lớn, đá xẻ tấm nhỏ được xuất khẩu tởi 60 quốc gia trên toàn thế giới.
Người dân đặt câu hỏi: hiện tại Công ty TNHH đá cẩm thạch RK Việt Nam đang khai thác tại mỏ thôn Già Khao – xã Yên Thắng – huyện Lục Yên là 5 triệu m3, đá bột từ 12 – 15 triệu m3, tỷ lệ thu hồi đạt từ 30% - 35% tuy nhiên Công ty chỉ thu hồi 3% - 5% (với kích thước khai thác khối đá từ 5 – 10m3) trong khi Công ty phải tận thu những phiến đá có kích thước 0,4m3 trở lên. Nếu tận thu sản xuất bột nghiền từ đá viên chắc chắn độ thu hồi 30% - 35% với sản phẩm là đá xẻ và đá bột.
Công ty TNHH đá cẩm thạch RK Việt Nam chỉ thu hồi được 3% - 5% vậy 65% - 95% phế phẩm, đất đá thải sẽ đổ đi đâu, môi trường không khí, đất, nước bị ô nhiễm hóa học, ô nhiễm vật lý kể cả“ô nhiễm” xã hội thì được xử lý như thế nào ?
Hệ lụy từ khai thác khoáng sản
Như vậy tổn thất tài nguyên ở mức rất cao do việc cấp phép để quy hoạch là tổn hại nghiêm trọng, tác động xấu đến mức nguy hiểm như ở Nà Kèn – xã Lâm Thượng, nhất là nếu có sự “bảo kê” để trình sai trong quy hoạch. Sự lãng phí tài nguyên trong khai thác cũng như sự yếu kém trong công tác quản lý, báo cáo chưa đúng sản lượng khai thác gây thất thoát nguồn thu ngân sách.
Mỏ đá Già Khao – xã Yên Thắng – huyện Lục Yên của Công ty TNHH đá cẩm thạch RK Việt Nam |
Sự thất thoát không dừng lại ở chủ trương mà hệ lụy nghiêm trọng sẽ khiến nhiều hộ gia đình điêu đứng, vì thiếu hoặc mất đất sản xuất, bãi thải sẽ không được xây dựng đúng quy hoạch (đúng thì tổn thất rất nhiều tiền nên doanh nghiệp không xây dựng hoặc lẩn tránh) gây bồi lấp dòng chảy, ruộng vườn thu hẹp diện tích đất canh tác, ô nhiễm không khí, nguồn nước ở 2 con suối và 1 nguồn nước chảy qua giữa thôn Nà Kèn, gây hỏng cầu cống, đường lên thôn bản, gây sụt lún phá vỡ cảnh quan thiên nhiên nghiêm trọng đến các vùng, rừng xung quanh khu vực khai thác.
Về an toàn lao động người dân phản ảnh vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 15h chiều ngày 27/8/2015 tại khai trường khai thác đá trắng của Công ty TNHH đá cẩm thạch RK Việt Nam trong đó có 1 người Ấn Độ và 2 công nhân Việt Nam một bị tử vong tại chỗ, một người bị gãy tay và một người khác bị thương nhẹ. Vậy nếu Công ty TNHH đá cẩm thạch RK Việt Nam đến đầu tư tại bản Nà Kèn – xã Lâm Thượng và xã Khai Trung thì tính mạng của người lao động chưa biết thế nào ?
Doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận họ phớt lờ mạng sống của người lao động, nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường…
Núi mất, ruộng đồng bị đổ thải thì người dân chỉ biết có trời xanh và gió lốc hay sao ?
Nguy cơ san bằng núi Nà Kèn là hiển nhiên do khai thác, đổ thải dồn 300 hộ dân và hơn 1000 nhân khẩu lại đi về với…đói nghèo !
Nguyện vọng của nhân dân bản Nà Kèn và xã Lâm Thượng cần được các cấp lắng nghe và xem xét.
Pháp Luật Việt Nam tiếp tục thông tin về vụ việc./.