Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (QH) đã dành trọn ngày qua để thảo luận về dự thảo Luật PCTN sửa đổi.
Đáng tiếc, nhiều đại biểu QH dành hết thời gian được phép phát biểu chỉ nói về nguyên lý, vốn đầy rẫy trên sách, báo, giáo trình. Đáng tiếc hơn, vấn đề cử tri quan tâm, nhiều kiến nghị giống như “bắn chỉ thiên” lên trời. Đại loại như “Tham nhũng là một khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”, “thiếu tương ứng giữa trách nhiệm và quyền hạn”... Nói mãi rồi, thưa các đại biểu.
Không như các vụ án bình thường, các vụ án tham nhũng từ khi khởi tố đến lúc đưa ra xét xử thời gian thường rất lâu. Khó phát hiện và quá trình mở tố tụng xử lý tham nhũng cũng gian nan. Vì sao? Ai cũng biết tội phạm tham nhũng là chủ thể đặc biệt, có trình độ chuyên môn cao, họ thường có quan hệ rộng và nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra của các cơ quan chức năng. Họ luôn biết cách cất giấu tài sản hợp lý, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ ngay từ khi thực hiện hành vi tham nhũng.
“Tại sao chúng ta không yêu cầu thêm điều kiện bắt buộc những cán bộ, công chức ở vị trí lãnh đạo, thuộc diện liên quan đến quy định của luật phải kê khai và công khai thuế thu nhập cá nhân?”, có đại biểu QH đến hôm nay còn phát biểu như vậy. Xin thưa đại biểu, quy định về kê khai tài sản đã thực hiện từ lâu, chính xác là cách đây 20 năm từ khi có Pháp lệnh PCTN ngày 26/02/1998. Từ khi Pháp lệnh được nâng lên thành luật năm 2005 và đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, sơ hở vẫn là sơ hở. Làm ra luật, sửa đổi luật đã khó nhưng cán bộ tham nhũng luôn quá “cao thủ”.
Có thể nói, chúng ta đã quá ảo tưởng về “học tập” và kêu gọi “tự giác”. Phải nói, rất nhiều cán bộ thiếu phẩm chất quan trọng nhất đấy là trung thực. Khi đã không trung thực thì không thiếu gì cách để “qua mặt” tổ chức.
Câu chuyện cán bộ tỉnh nọ giải thích tài sản biệt phủ do chạy xe ôm, buôn chổi đót, thậm chí có cả một vị tướng nói biệt phủ của ông ta là được thừa kế của bố mẹ... trở thành những câu chuyện “giỡn” luật pháp và “rất hài”.
Không kiểm soát được thu nhập của cán bộ đang là “khâu yếu” nhất trong công tác PCTN và bảo vệ cán bộ. Chờ vào sự tự giác, trung thực, tất nhiên ai cũng hiểu là vô phương.
Vậy chúng ta phải làm sao đây? Hãy để nhân dân, báo chí được tham gia giám sát cán bộ, nhất là cán bộ quyền lực hỗ trợ tích cực cho cơ quan chức năng trong công tác PCTN. Bác Hồ lúc sinh thời đã nói: Nhân dân có hàng chục triệu đôi mắt, đôi tai. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít... Thiết nghĩ Luật PCTN sửa đổi nên có một chương về giám sát của nhân dân.