Căn bệnh hiếm
Năm 1970, Hawking và một đồng nghiệp tên Roger Penrose đã đưa ra khái niệm mới để miêu tả Lý thuyết vụ nổ lớn (Big Bang) cũng như lý giải về cách thức hình thành vũ trụ. Đây chính là bước khởi đầu để Hawking và các đồng nghiệp trong vài năm sau đó đã tìm cách kết hợp 2 nhánh chính của vật lý học hiện đại là Thuyết tương đối tổng quát và Thuyết lượng tử vào nền vũ trụ học.
Trong thời gian sau đó, ông có thêm nhiều thành công lớn trong sự nghiệp. Ông là Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm lý thuyết vũ trụ thuộc Đại học Cambridge, là thành viên danh dự của Hội khoa học hoàng gia Anh, được trao Huân chương tự do của Tổng thống - giải thưởng dân sự cao quý nhất của Mỹ. Năm 2002, Hawking được xếp ở vị trí thứ 25 trong 100 người Anh vĩ đại nhất do BBC bầu chọn. Cuốn Lược sử thời gian của ông cũng đã xuất hiện trong danh sách sách bán chạy nhất trong thời gian kỷ lục là 237 tuần.
Tỉ lệ thuận với những thành công của Hawking trong suốt quãng thời gian này là ảnh hưởng của chứng xơ cứng động mạch bên trong - được viết tắt là ALS hay còn được gọi là bệnh Lou Gehrig. Đây là một bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển, ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh ở não và tủy sống. Căn bệnh này tấn công các nơ-ron điều khiển hoạt động của cơ bắp, khiến não bộ dần mất khả năng điều khiển các cơ trong cơ thể. Khi các cơ ngừng nhận lệnh chỉ huy từ não bộ, chúng sẽ dần teo và co lại. Hiệp hội những người bị bệnh ALS cho biết, chỉ một nửa số người bị bệnh sống thêm được khoảng 3 năm và chỉ 10% có thể sống quá 10 năm.
Ảnh cưới của Stephen Hawking. |
Trường hợp hy hữu
Thống kê thì vậy nhưng Hawking là trường hợp hy hữu. Ông đã sống được đến thêm hơn 50 năm. Hawking bắt đầu nhận thấy những bất thường của cơ thể khi ông mới vào đại học Oxford, khi thi thoảng bị ngã lúc đang đi hoặc bị mất tiếng. Dù Hawking không nói với ai nhưng cha ông vẫn phát hiện những triệu chứng lạ của con trai và khuyên ông đi khám.
Trong vòng 2 tuần, Hawking đã được các bác sĩ làm hàng loạt những xét nghiệm. “Họ lấy mẫu cơ từ cánh tay, chích điện vào người và tiêm chất lỏng vào cột sống của tôi để quan sát sự di chuyển của chất đó bằng tia X”, Hawking kể lại. Sau cùng, các bác sĩ kết luận Hawking đang ở giai đoạn đầu của bệnh ALS. Họ cũng nói rằng ông chỉ có thể sống thêm nhiều nhất là 2 năm rưỡi nữa. Đó là năm 1953, khi Hawking 21 tuổi và đang theo học năm nhất ở trường Đại học Cambridge.
Thông tin trên đã khiến cả Hawking và gia đình ông suy sụp. Nhưng, theo lời Hawking, một số sự việc đã khiến ông không hoàn toàn sụp đổ. Đầu tiên, khi ở trong bệnh viện, ông được xếp ở cùng phòng với một cậu bé bị bệnh ung thư máu. Hawking nhận thấy rằng bệnh tật của mình chẳng là gì so với những điều tồi tệ mà đứa trẻ phải chịu đựng. Ít lâu sau đó, khi đã được cho xuất viện, Hawking mơ thấy mình bị hành quyết. Giấc mơ khiến ông nhận thấy mình vẫn còn nhiều việc phải làm trong cuộc đời.
Hawking về sau thậm chí nói rằng chính bệnh tật đã giúp ông có được những thành công của ngày hôm nay. “Trước khi các bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh, tôi rất chán đời, thấy cuộc đời chẳng có gì đáng để làm. Tuy nhiên, biến cố đã khiến tôi nhận ra rằng tôi thậm chí có thể còn không sống được đến lúc lấy được bằng thạc sĩ”, ông nói. Kể từ sau đó, ông bắt đầu dồn tâm sức vào công việc và nghiên cứu.
Theo thời gian, tình hình sức khỏe của Hawking ngày càng xấu đi. Năm 1969, ông bắt đầu phải ngồi xe lăn. Đến giữa những năm 1970, ông vẫn có thể tự ăn và ra được khỏi giường nhưng hầu như tất cả các công việc cá nhân đều phải có người trợ giúp. Bên cạnh đó, ông phải rất chật vật mới có thể diễn giải suy nghĩ với những người thân thuộc nhất.
Năm 1985, Hawking bị viêm phổi. Sức khỏe ông khi đó tệ đến mức các bác sĩ đã khuyên vợ ông là bà Jane ký giấy chấm dứt cuộc sống của chồng nhưng bà từ chối. May mắn là sau khi được phẫu thuật mở khí quản, Hawking đã sống sót. Nhưng, đổi lại, ông mất hoàn toàn khả năng nói và cần đến sự chăm sóc 24/24 của các y tá chuyên nghiệp.
Trong lúc bệnh tật có nguy cơ cản trở khả năng làm việc của Hawking thì một lập trình viên phần mềm ở California đã phát triển một chương trình nói có thể điều khiển bằng đầu hoặc các cử động ở mắt. Thông qua chương trình này và các trợ lý mà Stephen Hawking vẫn có thể tiếp tục việc nghiên cứu và cho ra đời hàng loạt những tác phẩm nổi tiếng.
Năm 2002, một nhà thần kinh học cho biết ông chưa từng chứng kiến trường hợp mắc bệnh ALS nào sống được thêm lâu như Hawking. “Việc bệnh ổn định như vậy cực kỳ hiếm”, nhà thần kinh học cho hay. Khi được đề nghị đưa ra lời khuyên với những người bị bệnh tương tự, Hawking chỉ nói đơn giản: “Hãy tập trung vào những thứ mà bệnh tật không cản trở bạn và đừng tiếc nuối những khả năng đã bị bệnh tật cướp đi. Đừng để bản thân lâm vào tình trạng khuyết tật tinh thần”.
Cảnh báo đáng sợ
Stephen Hawking thường gây tiếng vang lớn với những suy đoán đi trước thời đại của mình. Chính vì vậy nên những cảnh báo của ông rất được chú ý, trong đó có cảnh báo được ông đưa ra tại một hội nghị ở Lisbon (Bồ Đào Nha) năm 2017. Tại đó, nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng cho rằng vì trí tuệ nhân tạo có thể đem lại lợi ích lớn trong công cuộc giảm nghèo, bệnh tật và phục hồi môi trường nên cũng không thể đoán được chúng ta sẽ có gì khi tích cực phát triển trí tuệ nhân tạo.
“Trí tuệ nhân tạo có thể là phát minh tồi tệ nhất trong lịch sử nền văn minh của chúng ta. Bởi, trí tuệ nhân tạo có thể sẽ phát sinh ý chí chủ quan của nó - một ý chí xung đột với ý muốn của con người và vì thế có thể hủy hoại con người. Chúng cũng có thể đưa đến những mối nguy hiểm nếu được sử dụng làm công cụ để một số người áp bức nhiều người. Nói tóm lại, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo có thể là điều tốt nhất hoặc cũng có thể là điều tồi tệ nhất với con người”, ông nói.
Trong bối cảnh như vậy, Hawking cảnh báo các kiến trúc sư và những nhà phát triển công nghệ cần tập trung tối đa hóa những lợi ích mà trí tuệ nhân tạo có thể mang đến thay vì chỉ chú tâm nâng cao các khả năng của loại trí tuệ này. “Chúng ta cần phải có cách thức quản lý hiệu quả mọi khía cạnh liên quan đến sự phát triển của trí tuệ nhân tạo”, ông nói thêm.
Hawking thậm chí lo sợ trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế con người hoàn toàn. “Nếu người ta có thể tạo ra được virus máy tính thì cũng có người có thể chế ra được một sản phẩm trí tuệ nhân tạo có thể tự cải thiện và nhân bản. Đây sẽ là một dạng sự sống vượt trội so với con người”, Hawking nhận xét. Do đó, ông cũng khuyến nghị phát triển một chương trình không gian mới nhằm mục đích cuối cùng là đưa con người lên sống ở những hành tinh thích hợp với sự sống của con người.
Trước đó, hồi tháng 10/2016, Giáo sư Hawking cũng đã cảnh báo rằng trí tuệ nhân tạo có thể phát triển ý chí của riêng nó và xung đột với ý muốn của con người. “Tôi tin rằng giữa bộ não sinh học của con người và trí tuệ của máy tính không có sự khác biệt quá lớn”, ông cho hay.