10 lượt đến trường với con mỗi ngày
7h sáng đẩy xe lăn đưa con đi học, 9h20 sáng đến trường lấy nước tiểu cho con, 10h30 mang cơm cho con ăn, 13h30 lại đến trường (mang bữa phụ cho con và lại giúp con lấy nước tiểu), 16h đón con về. 3 - 4 năm nay, lịch trình của chị Hoàng Thị Sinh (SN 1978, trú tại ngõ 325 Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cứ đều đặn như vậy, không chệch một phút. Ngày 4 lượt đi bộ và 6 lượt đạp xe, từ ngôi nhà cách đấy khoảng 2 cây số, người phụ nữ ấy chưa một lần để con phải nghỉ học và không ngày nào thiếu một chiếc quần dự phòng mang theo mỗi khi đến lớp vì lo con trai nhỡ... tè dầm.
Chị kể, cháu Phạm Sơn Tùng sinh ra khôi ngô, khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác. Đấy là niềm vui lớn của gia đình có người ông bị nhiễm chất độc màu da cam trong chiến trường Quảng Trị và người bố, bị ảnh hưởng da cam mà bị mù lòa từ thuở thanh niên và người chú ruột bị khiếm thị bẩm sinh. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Ngày thứ 7 sơ sinh, người ta phát hiện ra bé có một cái u nổi rất to ở lưng, các bác sĩ tiên đoán cháu bé bị thoát vị màng não tủy sống, phải mổ ngay vì nếu không mổ thì có thể ảnh hưởng đến não của bé. Gia đình chết lặng khi nghe tin dữ. Cả nhà đấu tranh tư tưởng mỗi ngày, nếu mổ thì có thể sau này bé sẽ phải đi xe lăn cả đời, nếu không mổ thì biết bé có thể sinh tồn được bao nhiêu ngày. Cuối cùng cả nhà quyết định mổ dù cháu bé chưa đầy 10 ngày tuổi.
Thế là không như nhiều đứa trẻ khác, Tùng chưa một lần vịn được vào tường để lần mò những bước đi đầu tiên. Chị Sinh kể, mỗi lần nhìn thấy con mà ứa nước mắt, trông nó khôi ngô thế mà... Nhưng rồi bản năng làm mẹ lớn hơn, chị chấp nhận làm đôi chân cho con, đưa con những ngày đầu tiên theo học mẫu giáo rồi vào trường tiểu học, rồi trung học cơ sở. Tưởng như vậy đã là khổ lắm rồi, với một đứa trẻ con trắng trẻo, đẹp trai như Phạm Sơn Tùng.
Nhưng đến khi Tùng học lớp 3, bé lại bị phát hiện mang căn bệnh viêm bàng quang. Tùng không thể tự đi tiểu được. Vào viện, các bác sĩ đưa Tùng lên bàn mổ lần thứ hai để nối cho bé một ống thông nước tiểu ra ngoài, qua bên hông. Hậu quả để lại là bé không thể tự tiểu được như bình thường, hoặc nếu có thể tự tiểu được thì không bao giờ hết, phần thừa còn lại sẽ trào ra ngoài như một đứa trẻ tè dầm.
Sức khỏe yếu, đôi chân không lành lặn cộng với việc không thể tự đi tiểu được của con khiến chị Sinh căng như dây đàn trong mỗi ngày con đi học. Chị bảo: “Phải căn thời gian chính xác đến từng phút nếu không muốn con bị ướt quần”.
Chị kể với niềm tự hào: “Tùng rất thích vẽ và vẽ đẹp lắm. Nhiều khi cũng biết nói với mẹ những câu tình cảm, hình như nó cũng biết thương mẹ đấy”. Chị cười, ánh mắt rạng ngời, những điều tưởng như hiển nhiên với mọi phụ nữ khác, thì với chị lại là cả một bầu trời hạnh phúc...
Tiền sử bệnh điên...
Chị Hoàng Thị Sinh vốn là một cô gái ngoan ngoãn, đảm đang, khỏe mạnh ở xã Phượng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Học giỏi nhưng Sinh phải nghỉ học từ năm học lớp 8 do bố mất, kinh tế gia đình khó khăn. Hàng ngày, thay vì đến trường hưởng tuổi thần tiên thơ mộng cùng chúng bạn thì Sinh lại phải miệt mài trồng rau, hái rau ra chợ bán rồi mò cua, bắt ốc mưu sinh; lớn chút nữa thì đi làm công nhân...
Năm 23 tuổi, đột nhiên Sinh có nhiều biểu hiện rối loạn tâm thần, nói nhiều, đi lang thang khắp nơi... Người nhà cho rằng đất cát của gia đình là vùng đất dữ vì bà nội của Sinh bị dở, rồi đến bố Sinh cũng phát điên năm 45 tuổi mà mất đi, giờ đến lượt Sinh cũng có những triệu chứng tương tự.
Sinh kể, ngày ấy, cứ 5h sáng là Sinh dậy, bắt đầu đi khắp làng trên xóm dưới, ở đâu có người thân, người quen là đến. Đôi chân ấy đi từ sáng đến trưa nhưng không bao giờ thấy mỏi, đôi tay vung vẩy, miệng thì luyên thuyên, gần như không bao giờ ngừng nói “như những người bị điên thật” vậy. Nhiều lần Sinh bị anh trai trói chặt vào cột nhà để cô không đi lang thang nữa nhưng với sức vóc mạnh khỏe, Sinh luôn tìm cách thoát ra được và... lại đi. Cứ liên tục như vậy trong khoảng vài tháng, gia đình “áp tải” Sinh đi khám bệnh, uống thuốc được vài tháng thì những triệu chứng tâm thần của cô dần mất đi. Và Sinh trở lại là cô gái làng ngoan ngoãn, khỏe mạnh, đảm đang ngày nào.
Những tưởng cuộc đời Sinh sẽ gắn với ruộng rau, con cáy như vậy mãi... thì năm 24 tuổi, một người em gái họ đánh tiếng mối mai cho Sinh lấy chồng Hà Nội. Mặc dù biết vị hôn phu tương lai là người khiếm thị nhưng Sinh vẫn đồng ý ngay. Đã hẹn ngày giờ để người mẹ chồng tương lai về xem mắt trước mà Sinh quên luôn, vẫn cày cấy, đồng áng, ruộng vườn. Chỉ đến khi anh trai ra gọi, Sinh mới chợt nhớ ra... Bà mẹ chồng tương lai nhìn thấy Sinh tuy nhễ nhại mồ hôi, quần áo lấm lem nhưng khỏe mạnh, xinh xắn cũng ưng ngay. Đám cưới được cử hành cấp tập.
Sinh kể, ngày đầu tiên gặp gỡ, anh Phạm Sơn Hà (người chồng hiện nay của Sinh và là người đồng sáng lập Trung tâm Tin học Tia Sáng, dành cho người mù) không nói một câu nào cả. Sinh nhìn anh, tràn ngập xúc cảm yêu thương, cảm giác hai người đến với nhau là do duyên số dù anh chưa hề tán tỉnh một câu. Bố mẹ chị cũng chỉ nhắc nhở cần cân nhắc kỹ càng nhưng chị nói với bố mẹ “Con đã quyết tâm rồi nên không do dự gì nữa”. Bảy ngày sau lần đầu tiên gặp nhau, một đám cưới linh đình được tổ chức. Một năm sau, Phạm Sơn Tùng chào đời.
Khi con trai được 15 tháng, trong khi con lên cơn sốt li bì thì chị cũng có dấu hiệu phát bệnh trở lại. Người nhà giấu chị đưa con đi bệnh viện vì sợ những triệu chứng lạ của chị ảnh hưởng đến đứa trẻ. Không tìm được con ở nhà, chị vội đi bộ lên Viện 108 tìm (cách nhà 4 cây số). Hỏi khắp bệnh viện không thấy con, chị lại một mình đi bộ xuống Bệnh viện Thanh Nhàn (khoảng 4 cây số nữa) để tìm tiếp. Khi con trai khỏi bệnh ra viện cũng là lúc người nhà đưa chị xuống Bệnh viện Tâm thần Thường Tín để chữa trị.
Chị kể lại: “Mình không quên một ngày nào trong cả một tháng nằm dưới Thường Tín. Đêm nào mình cũng lang thang trong bệnh viện, vào phòng nhòm bệnh nhân rồi đến phòng trực nhìn bác sĩ... Ở dưới ấy cả tháng, nhớ con cồn cào mà không ai đưa con xuống để mình được nhìn thấy gương mặt của nó, nhớ lắm”.
Kể đến đây, đột nhiên ánh mắt chị sáng lên, khoe rằng: “Mình mới cho con đi khám trên Hòa Bình, bà thầy lang sờ đôi bàn chân của Tùng rồi nói rằng có khả năng Tùng đi lại được”. Đấy là niềm hy vọng lớn mà ông trời mới ban cho chị, để chị lại tiếp tục cố gắng trong những ngày tháng sau này./.