Cuộc “đại chiến” của hai thông gia bắt đầu từ khi cô con gái của ông bà Dậu Qúy, cũng là con dâu của ông bà Chức Nháy (đều ở làng Thường Lệ, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc) là chị Bùi Thị Tâm (SN 1981) bị tai nạn giao thông. Mùng 6 tháng Giêng âm lịch năm 2007, chị Tâm mở hàng đầu năm sau kì nghỉ Tết. Trên đường đi chợ hoa Mê Linh về, chị Tâm bị xe ô tô va quệt ngã lăn ra đường bất tỉnh.
Người qua đường đưa chị đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. Theo địa chỉ ghi trên giấy tờ tùy thân, Bệnh viện Việt Đức gửi thông báo về UBND xã Đại Thịnh. Bố mẹ ruột chị Tâm có người thân làm cán bộ xã nên được thông báo về tai nạn này. Gia đình chị Tâm vội vàng đi thăm con mà quên mất việc phải thông báo cho gia đình nhà thông gia.
Con dâu bị tai nạn, thông gia bất hòa!
Chồng chị Tâm khi nghe vợ bị tai nạn liền cuống cuồng đi tìm. Nhưng hỏi thăm mãi cũng chẳng biết chị Tâm đang nằm ở bệnh viện nào, phải đến từng bệnh viện ở Hà Nội để lần tìm. Phải vài tiếng sau mới tìm ra chị Tâm đang nằm ở Bệnh viện Việt Đức. Sự việc đến tai bố mẹ chồng, ông bà rất tức giận vì nghĩ rằng mình bị gia đình thông gia cố tình coi thường.
Vụ tai nạn khiến chị Tâm bị gãy bảy xương sườn, xương vai và chấn thương vùng đầu. Từ lúc nhập viện cho đến hơn hai tháng sau, chị Tâm hôn mê, phải thở máy và ăn bằng ống xông. Nhập viện được hơn một tháng, hai bên gia đình thông gia lại nổ ra tranh cãi xoay quanh việc chuyển viện cho chị Tâm về bệnh viện tỉnh hay để chị tiếp tục điều trị ở bệnh viện trung ương.
Bố mẹ ruột chị Tâm bức xúc: “Tình trạng con tôi như thế, để nó về bệnh viện tỉnh thì nó chết mất à”. Bố mẹ chồng chị Tâm nói lại: “Đây là lời khuyên của bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức chứ không phải chúng tôi tự ý quyết định. Các bác sĩ đã khuyên gia đình nên đưa về bệnh viện tỉnh để điều trị vì tình trạng hiện tại của Tâm bệnh viện tỉnh điều trị được. Về bệnh viện tỉnh vừa đi lại dễ dàng, cũng vừa đỡ tốn kém”.
Bố mẹ ruột chị Tâm đã chuyển chị đến Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội khiến gia đình nhà chồng nổi cơn thịnh nộ. Vì theo quan điểm của họ: “Cái Tâm đã về làm dâu con nhà chúng tôi thì mọi việc phải do chúng tôi quyết định. Bên gia đình nhà thông gia muốn giữ con Tâm ở lại bệnh viện Hà Nội để điều trị thì phải nói với chúng tôi một lời. Đằng này thừa lúc gia đình chúng tôi không có ai ở đó, nhà thông gia đã bí mật đưa con Tâm đi bệnh viện khác. Đó khác nào “cướp” con giữa ban ngày chứ”…
Mất chồng con sau giấc ngủ dài
Lành vết thương, chị Tâm bị di chứng lúc nhớ, lúc quên, chân đi lại tập tễnh. Mười tám tháng sau khi tỉnh dậy, chị Tâm chợt nhớ ra mình có hai đứa con. Tức thì, chị khóc thút thít như đứa trẻ rồi đòi người chị gái phải dẫn đi gặp con. Lúc này gia đình nhà chồng đang có giỗ. Người chị gái dẫn chị Tâm bước vào, rồi không hiểu sao hai bên lời qua tiếng lại, chị Tâm bị nhà chồng đuổi ra khỏi cổng. Chồng chị Tâm đã đi xuất khẩu lao động từ khi chị mới ra viện.
lChị nhớ con đến mức phải ghép ảnh hai mẹ con để treo lên tường. |
Nhiều lần sau đó, chị Tâm đến trường tiểu học và mẫu giáo của con, nhờ bạn bè, cô giáo tạo điều kiện cho mình gặp con nhưng chẳng lần nào chị được ôm con vào lòng, vì cứ đến gần nó lại khóc thét, lại vùng ra và chạy đi. Thương con, yêu con, chị mang tiền, mang quà đến nhà chồng cho con, nhưng lần nào chị cũng phải mang quà về.
Đợt Rằm Trung thu năm ngoái, chị Tâm lại mua hai cái bánh nướng và bánh dẻo mang đến cho con. Thuyết phục mãi bà mẹ chồng mới đồng ý nhận, nhưng ngay chiều hôm sau đã lại thấy bà quay trở lại trả bánh không nhận. Chị Tâm đến trường thuyết phục cô giáo cho mượn tấm hình của hai đứa con, đến hiệu ảnh chụp hình mình rồi nhờ ghép lại thành hai tấm hình mẹ ôm con mang về treo lên nhà. Ngắm hình hai con mà chị khóc thút thít vì tủi thân.
Bố chồng chị Tâm chua chát cho hay: “Mới bước vào nhà, trước mặt đông người mà nó nói rằng tôi thất đức, bỏ nó ở bệnh viện không chăm. Nó ăn không nói có nên tôi đuổi đi. Tôi biết lỗi không phải là do vợ chồng nó, nhưng gia đình bên kia không coi nhà chúng tôi ra gì. Con Tâm đã hai lần kiện tôi ra Đảng về tội chia rẽ mẹ con nó. Một đời kiện thì chín đời thù, huống hồ đây lại là hai lần kiện”.
Bố mẹ ruột mở một hàng rau cho chị bán trước ngõ. Khỗ nỗi, ngõ ngay cạnh đường lớn, mỗi lần bố mẹ chồng đạp xe chở cháu đi học ngang qua, chị Tâm nhìn thấy lại thút thít chạy theo xin được gặp con. Nhưng chị càng đuổi, bố chồng càng cố đạp xe cho nhanh hơn.
Bi kịch của chị Tâm ở chỗ, ngày chị bị tai nạn, hai đứa con của chị còn quá nhỏ, chỉ mới lên ba, lên bốn. Sau bao nhiêu lâu hôn mê, bệnh tật, lúc chị nhớ ra muốn đến gần con thì chúng lại thấy sợ hãi và xa lánh. Đồ chị mua, chúng không bao giờ động đến. Bây giờ hai đứa, đứa lên chín, đứa lên năm, nhưng nhắc đến mẹ chúng chỉ im lặng rồi lảng tránh, thậm chí còn khóc thét lên.
Người mẹ ruột của chị Tâm lắc đầu cho hay: “Vì con Tâm nó bị tai nạn như thế nên không chăm sóc được cho hai đứa con đã đành. Đằng này, ngay cả ông bà thông gia bên ấy còn cấm cả các cháu không cho gặp mẹ. Đến trường gặp con, nhà bên ấy đe nẹt cô giáo. Đến nhà chồng gặp con thì ông bà ấy đuổi. Đón gặp trên đường thì ông bà ấy cố sống cố chết đạp xe nhanh hơn để con Tâm không đuổi được”.