Cụ ông Law (hiện đã 83 tuổi) cho biết, ông đã sống cảnh đơn chiếc trong một quãng thời gian dài. Nhưng khi tuổi già ập đến, ông bỗng cảm thấy vô cùng trống trải và luôn khao khát có một người nào đó để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.
Khi gặp được một phụ nữ trẻ từ Trung Quốc đại lục vào cuối năm 2009, ông Law nghĩ cuối cùng ông đã tìm được người phụ nữ của đời mình. Chỉ một thời gian ngắn sau lần đầu gặp gỡ, ông tổ chức hôn lễ với người tình trẻ vào đầu năm 2010. Một năm sau đó, vợ ông sinh cho ông một bé trai kháu khỉnh.
Niềm vui đến liên tục khiến ông Law tưởng rằng cuộc đời mình như vậy là đã mãn nguyện. Nào ngờ, sau khi vợ và con trai có được giấy phép cư trú tại Hồng Kông thì thế giới của ông Law cũng sụp đổ. Tháng 12/2013, ông Law đã buộc phải ký vào đơn ly hôn sau nhiều tháng bị người vợ trẻ ngược đãi.
“Ban đầu, vợ chồng họ thường xảy ra tranh cãi vì những vấn đề nhỏ nhặt trong cuộc sống. Về sau, cô vợ bắt đầu than phiền về cuộc sống khó khăn, thiếu thốn tiện nghi, rồi mắng nhiếc chồng về chuyện tiền bạc cũng như mối quan hệ giữa họ.
Cuối cùng, cô ta chửi bới người chồng già mỗi ngày. Cô ta cũng thường xuyên chế giễu chồng bất lực trước những người bạn của ông ấy và những người hàng xóm. Điều này khiến ông ấy trở nên bối rối và xấu hổ. Ông ấy dần trở nên sợ hãi khi phải ra ngoài, sợ hãi gặp hàng xóm và bạn bè” – ông Roy Lam Man-chiu, Trợ lý Giám đốc điều hành của tổ chức Chống ngược đãi người cao tuổi kể lại trường hợp của ông Law.
Vì ông đã cao tuổi nên việc nuôi dưỡng cậu con trai 3 tuổi được giao cho người vợ mới ngoài 30 tuổi. Không những thế, ông cũng bị đuổi khỏi căn nhà xã hội rộng 14m2 mà chính quyền cấp cho người già. Cơ quan quản lý nhà cửa của Hồng Kông cho biết, trong các vụ việc ly hôn thì cơ quan này thường cho phép người vợ hoặc chồng được quyền nuôi con giữ lại căn hộ.
Theo tổ chức phúc lợi Chống ngược đãi người cao tuổi, câu chuyện của ông Law hiện không còn quá lạ lẫm. Số liệu của Ủy ban Phúc lợi xã hội Hồng Kông cho thấy, số vụ ngược đãi người già tại thành phố này trong năm 2013 là 589 vụ việc, tăng 44% so với 408 vụ của năm 2012. Số vụ ngược đãi người già được báo cáo lên ủy ban trong các năm 2010 và 2011 lần lượt là 319 và 368 vụ việc. Trong đó, số vụ ngược đãi về mặt tâm lý như trường hợp của ông Law đã tăng gấp đôi, lên thành 73 vụ trong năm 2013 so với 36 vụ của năm 2012.
Còn theo thống kê của tổ chức Chống ngược đãi người cao tuổi, chỉ trong năm ngoái đã có 100 cụ ông tìm đến họ để tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị rơi vào cảnh vô gia cư sau những cuộc hôn nhân với những người phụ nữ trẻ tuổi đến từ đại lục.
Theo ông Law, lý do chính để những người phụ nữ trẻ tại Trung Quốc đại lục kết hôn với những người đàn ông có tuổi tại Hồng Kông là để được cấp phép cư trú tại thành phố này, đồng thời cũng là để chiếm căn hộ của họ.
Theo thống kê của ông Lam, trong các vụ việc tương tự mà cơ quan phúc lợi của ông từng giải quyết, hầu hết phụ nữ trong những cuộc hôn nhân như vậy đến từ hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc. Những người này đều mới ngoài 30 tuổi và chồng của họ đều là những người đã ngoài 60 tuổi, sống dựa vào nguồn phúc lợi xã hội và cư trú trong khu nhà ở xã hội.
Nhà lập pháp về lĩnh vực phúc lợi xã hội Peter Cheung Kwok-che cho hay, chính quyền thành phố chỉ có thể có các hành động giúp khắc phục hậu quả như hỗ trợ những người đàn ông bị lấy lại nhà sau khi ly hôn bằng cách trợ cấp cho họ khoản tiền khoảng 1.500 HKD (khoảng 194USD) để họ thuê nhà.
Do đó, theo ông Cheung, những người đàn ông cần phải biết tự bảo vệ mình. Những người đàn ông ngoài 60 tuổi cần phải suy nghĩ kỹ khi một người phụ nữ trẻ tuổi đến từ đại lục đồng ý kết hôn với họ, bởi việc này “quá tốt để có thể trở thành sự thực”.,.