Bi kịch của người mẹ hoang tưởng
Không tìm được tiếng nói chung với chồng, chị Miên (SN 1975, tổ 11 Phường Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội) mang cô con gái nhỏ tên H. về nhà mẹ đẻ sống trong căn nhà cấp 4 rộng chừng 20m2. Thời gian đầu, cuộc sống của hai mẹ con vô cùng hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười. Đi đâu người ta cũng thấy Miên và cô con gái nhỏ quấn quýt, gắn bó với nhau như hình với bóng. Thậm chí khi bé H. đi học, chị Miên cũng ở lại “học” cùng con luôn. Đến giờ ra chơi, bé H. lại vội vàng chạy tới chỗ mẹ, nô đùa…
Thế rồi, người ta thấy chị Miên không cho chồng tới thăm bé H.. Thậm chí người anh trai của chị cũng bị nghiêm cấm tới gần cháu gái. Thấy lạ, nhiều người thắc mắc thì nhận được câu trả lời: chồng và anh trai tôi là người xấu. Họ luôn tìm cách đầu độc bé H. bằng những viên ma túy hình trái tim, màu hồng. Và nhiều lần họ còn hãm hiếp bé H.. Lo lắng cho sự an nguy của con, Miên đã gửi hàng chục lá đơn tố cáo chồng và anh trai đầu độc, hãm hiếp bé H. tới các cơ quan chức năng.
Nhận được hồi âm từ các cơ quan thụ lý đơn thư rằng sự thật không có ai đầu độc, hãm hiếp bé H, chị Miên không mừng mà càng điên cuồng bảo vệ con hơn. Kịch điểm, người mẹ hoang tưởng xây “lô cốt” rộng chừng 1 mét vuông cao khoảng 2m cho bé H. ở. Mọi sinh hoạt như ăn, ngủ, học… của bé H. đều gói gọn trong “lô cốt” 24/24h. Chị Miên luôn tâm niệm việc làm của mình là đúng, có thế con gái mới được bảo vệ tuyệt đối khỏi điều xấu.
Khi bị mời đến phường làm việc, chị vẫn khăng khăng khẳng định với ông Nguyễn Viết Chức, Phó Trưởng công an quận, Phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra quận Long Biên: “Em là mẹ của con em. Con em bị đe dọa đến tính mạng hàng ngày, hàng giờ khi chồng và anh trai em luôn tìm cách hại bé, em phải có trách nhiệm bảo vệ con. Em thương con em, em bảo vệ nó như thế thì có gì sai chứ”.
Miên là một người mẹ yêu con, thương con thực sự. Điều này cũng được ông Chức nhận thấy trong cử chỉ, hành động cũng như lời nói của Miên đối với bé H. và ngược lại. Phải yêu thương, quấn quýt nhau lắm chị mới có hành động bảo vệ con không giống ai.
Hơn một tháng H phải sống trong “lô cốt” với việc ăn, ở, ngủ, vệ sinh tại chỗ nhưng không có một mùi hôi hám, bẩn thìu nào bốc lên. Chị Miên luôn chăm sóc bé H. tỷ mỉ, từng ly từng tí một. Cô bé được ăn uống đầy đủ, tắm giặt thường xuyên…
Cần có luật sức khỏe tâm thần
“Xã hội đừng lên án chị Miên hay bất kể người mẹ nào xây “lô cốt” nhốt con và cho đó là bạo hành con cái mà cần nhìn vào nguyên nhân sâu xa của sự việc. Có nhiều trường hợp, việc làm của người mẹ xuất phát từ tình yêu con, mong muốn được bảo vệ con trong mọi hoàn cảnh, yêu quá hoá hoang tưởng cùng với sức ép cuộc sống đôi khi người mẹ hành động mất lý trí, như hành động của một người mẹ “điên”. Đó là chia sẻ của bác sỹ Lý Trần Tình, giám đốc Viện tâm thần Hà Nội, nơi chị Miên đang phải điều trị bắt buộc.
Bác sỹ Tình cho biết thêm, “từ hôm nhập viện, chị Miên luôn trong trạng thái bị kích động, gào thét không ngừng. Dù điên loạn như vậy nhưng người mẹ ấy vẫn luôn gào thét, gọi tên con, muốn được gặp con.Thực chất đây là biểu hiện rất thương con, yêu con. Vì yêu mới hành động như vậy. Người mẹ này yêu cô con gái quá mức nên mới xây “lô cốt” để bảo vệ con và tìm mọi cách bao bọc đứa trẻ. Có điều nhận thức không đúng nên hành động cũng không đúng”.
Xã hội càng phát triển những áp lực từ công việc, cuộc sống gia đình theo đó mà tăng theo khiến nhiều người mắc bệnh tâm thần. Thế nhưng cho đến nay nước ta vẫn chưa có Luật sức khỏe tâm thần để bắt buộc người có vấn đề về sức khỏe tâm thần đi chữa trị…Hiện nay ở nước ta, người tâm thần chữa hay không chữa bệnh là quyền của người bệnh và gia đình họ vì vậy rất cần có luật sức khỏe tâm thần để bảo vệ chính bệnh nhân và chính mình.
Theo các chuyên gia, trong luật sức khoẻ tâm thần phải có được 2 điều cơ bản: Phải bảo vệ được chính người bệnh để giữ gìn nhân phẩm của người ta tránh tình trạng ra đường bị hắt hủi, khinh bỉ, trêu chọc… Họ có bệnh họ cần phải được chữa bệnh và bảo vệ tính mạng cho họ. Thứ 2 là bảo vệ được an ninh, trật tự xã hội vì là người không bình thường sẽ tác động lớn đến an ninh trật tự xã hội.
Trong khi xã hội ngày càng phức tạp, nhiều người dân chịu áp lực, bị căng thẳng thì các Trung tâm trợ giúp khủng hoảng ở Việt Nam hầu như chưa có, chưa được chính quyền quan tâm. Do đó, người dân không hề có kiến thức, kỹ năng để vượt qua nỗi đau, cú sốc và sự tuyệt vọng. Họ cũng chẳng biết cách can thiệp nếu như bạn bè hay người nhà có các dấu hiệu trầm cảm, đe dọa tính mạng. Đây là một khoảng trống về chính sách rất cần được quan tâm.
“Nhà nước phải có chiến lược phát triển lâu dài để chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân. Không chỉ lúc họ điên mới cần “quản lý” mà những người đau khổ cũng cần được trợ giúp. Có thế mới ngăn chặn được hậu quả đáng tiếc. Cũng không chỉ giúp đỡ tức thời, an ủi, sẻ chia là đủ mà cần có các giải pháp tổng thể. Từ việc chia sẻ, hóa giải bức bối đến giúp đỡ lâu dài, nâng cao đời sống kinh tế, tinh thần cho họ” - bà Vân Anh nhấn mạnh.
Phụ nữ không nên đặt cược toàn bộ giá trị cuộc đời mình vào một cá nhân hay một sự kiện gì. Để khi người đó đối xử với mình không tốt, sự việc xấu đi mình không bị tuyệt vọng, suy sụp đến mức thấy cuộc đời mình không còn giá trị. Chị em nên xác định, khi một cánh cửa cuộc đời này đóng lại thì sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra. Đồng thời, sống có trách nhiệm với bản thân mình và với sự sống mà mình đã sinh ra - những đứa con” - bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý Hà Nội chia sẻ./.