12 dự án “đội vốn”
Danh sách các dự án được điểm danh gồm: Hồ chứa nước Nặm Cắt (tỉnh Bắc Kạn); Dự án tiêu úng Đông Sơn (tỉnh Thanh Hóa); Dự án Nâng cấp mở rộng cống Nam Đàn; Hồ Bản Mồng (tỉnh Nghệ An); Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi (tỉnh Hà Tĩnh); Hồ Ia Mơr (tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai); Hồ Krông Pách Thượng (tỉnh Đắk Lắk); Hồ Mỹ Lâm (tỉnh Phú Yên); Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (tỉnh Ninh Thuận); Hệ thống thủy lợi Tà Pao (tỉnh Bình Thuận); Kênh Mương Khai (tỉnh Đồng Tháp), Hồ Krông Búk Hạ (tỉnh Đắk Lắk).
Theo Cục Quản lý Xây dựng công trình (QLXDCT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các dự án vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) bị vượt tổng mức đầu tư, trong bối cảnh nguồn vốn lại rất hạn hẹp nên sẽ khó hoàn thiện đồng bộ dự án theo quyết định đã duyệt ban đầu.
Được biết, năm 2015 Bộ NN&PTNT được Chính phủ giao 9.838,2 tỷ đồng, bao gồm 3.075 tỷ đồng vốn trong nước, 1.120 tỷ đồng vốn ngoài nước, 5.643,2 tỷ đồng vốn TPCP. Tổng số dự án đầu tư trong kế hoạch năm 2015 là 191 dự án, trong đó 29 dự án nhóm A, 105 dự án nhóm B và 57 dự án nhóm C.
Đáng chú ý, tính đến hết tháng 11/2015, 41 dự án vốn TPCP, Bộ NN&PTNT giải ngân được 3.752 tỷ đồng, đạt 66,5% so với kế hoạch vốn. Theo Cục QLXDCT , do công tác lập, thẩm định dự án đầu tư, các dự án đều phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần trong quá trình thực hiện hoặc do nguồn vốn khó khăn không đáp ứng kịp thời dẫn đến đầu tư kéo dài hoặc phải điều chỉnh theo quy hoạch, chậm phát huy hiệu quả đầu tư.
Được biết, số vốn TPCP chưa giải ngân hết sẽ được tiếp tục giải ngân sang năm 2016.
Phát hiện giả mạo hồ sơ trong đấu thầu
Theo Cục QLXDCT, trong năm 2015, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt và điều chỉnh 124 kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án, tiểu dự án theo Luật Đấu thầu và Nghị định 63 của Chính phủ đảm bảo đúng quy định (trong đó có 28 dự án TPCP, 31 tiểu dự án ODA, 65 dự án ngân sách trong nước).
Thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác đấu thầu năm 2015, có 10/15 dự án đã được kiểm tra toàn diện về công tác đấu thầu. Trong đó, Cục QLXDCT đã kiểm tra 4/4 dự án, Tổng cục Thủy sản kiểm tra 6/11 dự án thủy sản. Kết quả cho thấy, ở một số dự án vẫn còn hạn chế, tồn tại, nhất là đối với các dự án ODA.
Nhiều sai sót được chỉ ra như: việc xây dựng kế hoạch đấu thầu, lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu chưa đảm bảo yêu cầu; năng lực của chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn ở một số địa phương tham gia dự án còn hạn chế; một số chủ dự án, chủ đầu tư thực hiện Luật Đấu thầu, qui định của nhà tài trợ chưa nghiêm, chưa lựa chọn được nhà thầu có đủ kinh nghiệm, năng lực thực sự để thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ; công tác báo cáo, xử lý của chủ đầu tư đối với các nhà thầu vi phạm trong đấu thầu, trong quản lý thi công còn thiếu kiên quyết.
Đặc biệt, Cục QLXDCT cho hay, vẫn còn hiện tượng nhà thầu lợi dụng kiến nghị trong đấu thầu để cản trở quá trình đấu thầu, khai khống, giả mạo tài liệu trong hồ sơ dự thầu. Có 2 nhà thầu giả mạo hồ sơ, Bộ đã thông báo rộng rãi và cấm đấu thầu trong 1 năm.
Thậm chí, một số chủ đầu tư phát hiện nhà thầu có hành vi vi phạm về đấu thầu nhưng chưa kịp thời báo cáo Bộ và đề xuất biện pháp xử lý. Tại một số dự án vốn TPCP, thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu tại nhiều gói thầu kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Tuy nhiên, trong năm 2015, việc thẩm định, thẩm tra, phê duyệt dự án đầu tư và hồ sơ dự án kỹ càng cũng đã giúp tiết kiệm khá nhiều cho ngân sách.
Theo đó, các dự án do Cục QLXDCT theo dõi giảm tới 10,31% so với giá trị chủ đầu tư trình (322 tỷ đồng, thẩm định giảm 33,2 tỷ đồng), 9 dự án của Tổng cục Thủy sản giảm 8,816 tỷ đồng so với chủ đầu tư trình.