Dù nửa đầu năm 2017 được nhận định là khoảng thời gian hết sức ổn định nhìn từ các cân đối lớn về kinh tế vĩ mô như tín dụng, tỷ giá, xuất khẩu, thu hút FDI, đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN)… nhưng hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) lại khá trầm lắng so với mọi năm.
Dẫu vậy, khác với những lo lắng về việc thị trường này có thể rơi vào trạng thái “ngủ đông”, hàng loạt hàng lang pháp lý mới đang được kỳ vọng sẽ sớm “kích nổ” hoạt động M&A trở lại.
Các luật mang tư duy đột phá cổ vũ M&A
Hành lang pháp lý thuận lợi với nhiều luật vừa mới ban hành hoặc đang xây dựng được các cơ quan quản lý nhà nước tin tưởng sẽ đóng vai trò quan trọng cổ vũ cho guồng quay mới của nền kinh tế nói chung và thị trường M&A nói riêng tại Việt Nam.
Trong đó, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (SMEs) đã thay đổi cơ bản về cách thức tư duy của chính sách, từ chỗ dùng ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho DN thì nay, cơ chế mới đã mở ra hành lang pháp lý khuyến khích các tổ chức trung gian cùng Chính phủ cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho SMEs. Sự lớn mạnh của SMEs chính là lực lượng bổ sung nguồn hàng cho thị trường M&A.
Còn dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, với quy hoạch cho 3 điểm đến gồm Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang), được kỳ vọng sẽ tạo ra những khu vực kinh tế có tính cạnh tranh lớn, tính tự do đầu tư cao.
Không ngẫu nhiên mà người làm chính sách lại dành hẳn một luật mới nhằm thực hiện cơ chế quản lý Nhà nước riêng cho các điểm đến tiềm năng này. Bởi lẽ nền kinh tế Việt Nam đang cần những động lực mới sau giai đoạn phát triển dựa vào quá nhiều tiềm năng tĩnh như lao động giá rẻ, tài nguyên, vị trí địa lý... Thực tế cho thấy, những thế mạnh này đã phát triển tới hạn; những chính sách từng tạo ra cú hích đột phá cho Việt Nam những năm vừa qua cũng đã bắt đầu bão hòa, không còn nhiều dư địa phát triển. Vì vậy đã đến lúc Việt Nam phải có sân chơi mới, đủ hấp dẫn và cạnh tranh, tạo động lực phát triển nhanh hơn.
Đó cũng chính là cơ hội tạo nên “chỗ trũng” thu hút dòng vốn M&A chảy vào.
Với Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tin rằng đây là “phát đại bác cuối cùng vào nền kinh tế hành chính - bao cấp, thay đổi cách thức tư duy về quy hoạch”.
Những thông điệp ấy đang nhận được đánh giá tích cực từ cộng đồng quốc tế. Vì vây, khi nói về môi trường pháp lý cho thị trường M&A của Việt Nam, ông Seck Yee Chung - luật sư hãng luật Baker & McKenzie - cho rằng “Việt Nam đang cố gắng để có môi trường pháp lý không gây ra những bất ngờ, tức nhà đầu tư có thể tiên liệu được các lộ trình cải tổ hoặc thực thi chính sách”.
Thúc đẩy cổ phần hóa - quyết tâm đã được tuyên bố
Trong khi nhiều luật và dự luật mới đóng vai trò như hành lang pháp lý để các hoạt động kinh tế trở nên sôi động hơn thì cổ phần hóa DN nhà nước cũng được cho là động lực quan trọng không kém lôi kéo sự quan tâm của giới đầu tư.
Trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa qua, khi gặp gỡ cộng đồng DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam đang thúc đẩy các hoạt động M&A gắn với cổ phần hóa DN nhà nước trong nhiều lĩnh vực như vận tải, hạ tầng, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng … Đây là cơ hội lớn để các nhà đầu tư quốc tế trở thành đối tác chiến lược của các DN tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.
Có thể nhận thấy quyết tâm ấy đã được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách cụ thể. Trong đó có Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về các tiêu chí để phân loại DN nhà nước, DN có vốn nhà nước, và danh mục các DN nhà nước thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 707/QĐ-TTg mới phê duyệt tháng 5 vừa qua về “Cơ cấu lại DN nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 – 2020”.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) còn cho hay lộ trình về cổ phần hóa các DN nhà nước từ nay đến năm 2020 được chi tiết hóa đến từng năm, với danh sách các DN đi cùng đều được công khai.
Một thông tin đáng chú ý khác là chủ trương “mở cửa cho các công ty tư vấn nước ngoài tham gia xác định giá trị DN tại Việt Nam”. Những giải pháp kỹ thuật để các đợt thoái vốn nhà nước đạt hiệu quả hơn cũng sẽ được tính đến, ví dụ như phương pháp dựng sổ, hay tinh giản các thủ tục tài chính cho nhà đầu tư đặt mua cổ phần.
Nghị quyết xử lý nợ xấu tác động gián tiếp lên M&A
Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu (hiệu lực từ 15/8/2017) đang trở thành kỳ vọng mới cho các tổ chức tín dụng.
Theo ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, điểm được cho là “linh hồn” của Nghị quyết 42 chính là xử lý tài sản bảo đảm giữa người bảo đảm và người nhận bảo đảm, tức giải quyết nút thắt hiện nay về quyền của chủ nợ trước tài sản nhận thế chấp.
Đối tượng mua bán nợ xấu cũng được mở rộng hơn hiện nay rất nhiều. Theo đó, tất cả các cá nhân, pháp nhân bất kể có chức năng mua bán nợ xấu hay không, nếu quan tâm đều có thể thể tham gia mua nợ xấu. Ngân hàng cũng có thể tự quyết mua bán nợ xấu theo giá thị trường.
Khi xử lý tốt nợ xấu thì chính các ngân hàng cũng sẽ nhận được sự “nhòm ngó” của dòng tiền M&A hơn, quá trình tái cơ cấu cũng sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn. Tác động gián tiếp của Nghị quyết 42 lên hoạt động M&A cũng nhận được sự đồng tình từ ông Rick Mayo Smith, Chủ tịch Ruby Asset International và ông Lê Viết Anh Phong, Phó Tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn tài chính (Hãng kiểm toán Deloitte Việt Nam), rằng “quá trình xử lý nợ xấu có thể thực hiện nhanh hơn” và “dự báo ngoài ngành sản xuất, hàng tiêu dùng thì tài chính cũng là ngành sẽ xuất hiện nhiều hoạt động M&A”.
Như vậy, đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư trên thị trường M&A ít ra là trong 5 năm tới (kể từ 15/8/2017) - khoảng thời gian mà Nghị quyết 42 có hiệu lực.