Hội nghị toàn thể thường niên năm nay (lần thứ 73) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) diễn ra trong bối cảnh tình hình rất đặc biệt trên thế giới và rất khó khăn, phức tạp đối với tổ chức này. Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra bùng phát cách đây gần 5 tháng đã lây lan ra rộng khắp thế giới và hoành hành đến mức WHO lần đầu tiên trong lịch sử không thể tiến hành sự kiện lớn này theo cách trực tiếp phải chuyển sang hình thức trực tuyến.
Cũng vì dịch bệnh này mà WHO bị Mỹ và một số đồng minh phê phán gay gắt và công kích quyết liệt. Mỹ không chỉ đi đầu và đóng vai trò chính trong chiến dịch ấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump và cộng sự cáo buộc WHO thiên vị Trung Quốc, vì bảo vệ Trung Quốc nên thông tin không chuẩn xác và kịp thời cho thế giới về sự bùng phát của dịch bệnh khiến nhiều nơi ở thế giới bị động ứng phó và bị tổn hại nghiêm trọng.
Ông Trump còn đi xa đến mức coi WHO là “bù nhìn” và đã quyết định ngừng đóng góp tài chính cho ngân quỹ hoạt động thường xuyên và theo dự án của WHO. Vào dịp WHO tổ chức hội nghị toàn thể thành viên thường niên năm nay, ông Trump đưa ra hẳn một “tối hậu thư” đòi WHO cải tổ cơ bản trong thời gian 1 tháng thì Mỹ mới tính đến việc đóng góp lại phần nào cho ngân quỹ của WHO, bằng không có thể Mỹ sẽ rút ra khỏi tổ chức này.
Ông Trump vốn không có thiện cảm với các tổ chức và thể chế đa phương quốc tế, chủ trương tăng hành động đơn phương và giảm cam kết đa phương của nước Mỹ. Vì thế, thái độ của ông này bất lợi cho WHO không có gì đặc biệt và gây bất ngờ. Chỉ có điều nếu không có được thành công trong việc ứng phó dịch bệnh ở nước Mỹ thì hệ lụy sẽ là rõ rệt trong cuộc bầu cử Tổng thống ở nước Mỹ đối với ông Trump, ông Trump lúc này có lẽ cần một điều gì đó để qui trách nhiệm nếu như việc chống dịch tại Mỹ không hiệu quả, đối tượng không gì tốt hơn là WHO và Trung Quốc.
Sự kiện lớn năm nay này của WHO bị phủ bóng đen bởi mối bất hoà giữa Mỹ và Trung Quốc. Về phía Trung Quốc thì lại đấu Mỹ theo cách riêng ở diễn đàn đa phương này của WHO. Mỹ làm khó WHO thì Trung Quốc tạo thuận lợi cho WHO. Đích thân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cao WHO và tuyên bố chi 2 tỷ USD để WHO hỗ trợ các thành viên ứng phó dịch bệnh trong hội nghị trực tuyến. Trung Quốc cũng giúp giảm áp lực đối với WHO bằng cách đồng ý cho tiến hành điều tra quốc tế về dịch bệnh, nhưng đương nhiên có điều kiện nhất định.
Có thể thấy rất rõ là Mỹ chỉ coi trọng việc gây áp lực đối với WHO trong khi Trung Quốc tận dụng sự kiện lớn này để tăng cường vai trò và ảnh hưởng trong WHO cũng như trên thế giới. Ở đây cũng còn cần phải để ý đến một thực tế là bảo vệ và ủng hộ WHO giúp Trung Quốc tự phòng vệ tốt nhất trước mọi phê trách và công kích của Mỹ. Việc phía Mỹ lôi kéo cả Đài Loan vào cuộc công kích WHO cũng khiến Trung Quốc thêm khó xử.
Hiện đã có một số đồng minh của Mỹ trên thế giới thể hiện quan điểm ủng hộ cùng đòi hỏi tiến hành điều tra quốc tế ở Trung Quốc về dịch bệnh và trong việc hậu thuẫn Đài Loan tham gia trở lại WHO trên cương vị quan sát viên. Chuyện này “dây mơ rễ má” với chuyện kia nhưng đều tác động theo cùng hướng là làm cho mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên thêm tồi tệ và phức tạp, thêm căng thẳng và nhạy cảm.
Mọi biểu hiện đều cho thấy tình trạng này sẽ còn tiếp tục dai dẳng. Đương nhiên sẽ không có chuyện Mỹ cắt đứt quan hệ với Trung Quốc như ông Trump dọa gần đây vì cả hai đã quan trọng với lẫn nhau đến mức đều lệ thuộc vào chính mối quan hệ song phương này. Chừng nào dịch bệnh còn chưa được đẩy lùi ở Mỹ, Trung Quốc và trên thế giới và càng gần tới thời điểm có cuộc bầu cử tổng thống tới ở Mỹ, chừng đó cặp quan hệ song phương này còn chưa thể được cải thiện.