“Đi kiểu nào cũng nguy hiểm, đu ròng rọc cho nhanh”
Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ cho biết, hơn 100/540 hộ dân trong xã có khoảng 300ha đất nông nghiệp kia sông Krông Ana. Hầu hết diện tích này là do người dân xâm canh dọc bờ sông thuộc địa phận 3 xã lân cận là Cư Kty (huyện Krông Bông) và Ea Yieng, xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc). Trước kia người dân dùng cầu khỉ và thuyền bè để đi lại, vận chuyển hàng hóa qua sông, nhưng hầu như năm nào cũng phải làm lại cầu do bị mưa lũ cuốn trôi. Cách đây 10 năm một số thôn trong xã đã tự chế ra cách đu dây cáp qua sông thay thế các phương thức cũ.
Ông Lê Văn Bình, thôn phó thôn 6, xã Hòa Phong là người đầu tiên “sáng chế” và đưa ý tưởng đưa người qua sông bằng dây cáp treo. “Còn hơn đấu sức với dòng nước xiết để chèo thuyền qua sông”, ông nói. “Một lần xem vô tuyến, tôi thấy đồng bào vùng Tây Bắc dùng ròng rọc để chuyển ngô sắn thu hoạch từ trên núi xuống đất, nên nảy ra ý áp dụng để băng sông. Gom góp được hơn 2 triệu trong nhà, tôi đầu tư hết mua dụng cụ cáp treo.
Mới đầu chỉ sử dụng cáp treo để vận chuyển nông sản, phân bón qua, chứ người thì vẫn phải đi thuyền bè. Đến khi xảy ra nhiều pha lật thuyền vô cùng nguy hiểm, tôi mới thử nghiệm cho người dân đu cáp treo qua sông và tôi cũng chính là người làm mẫu đầu tiên. Ban đầu ai cũng sợ, nhưng về sau họ nghĩ đi kiểu nào cũng nguy hiểm, thôi thì chọn cách đu ròng rọc qua cho nhanh. Người nào sợ thì cứ nhắm mắt phi liều, thế là dần dần cũng thành quen”, vị trưởng thôn nhớ lại.
Sông Krông Ana chỗ hẹp nhất để bắc dây cáp là 50m, chỗ rộng nhất là 80m, còn độ cao của dây cáp và mặt nước hơn 10m. Việc đặt điểm cáp treo phải phụ thuộc vào vị trí cao thấp hai bên bờ sao cho thuận tiện. Thường đặt một bên cao, một bên thấp cho có độ dốc trượt sang bờ bên kia. Mới đây để phục vụ nhu cầu băng sông nhiều hơn, các thôn đã mắc thêm dây để mỗi điểm có hai dây cáp đặt song song, một dây đi, một dây về. Hiện thôn 6 có 8 điểm cáp treo. Ông Bình còn thiết kế ra cả những loại lồng sắt có ghế để trẻ nhỏ cũng qua được; mỗi lần có thể đi từ 2 đến 3 người, độ va đập khi tiếp đất giảm hơn.
Kể từ khi có cáp treo, thuyền bè dần “tuyệt chủng”. Từ thôn 6, các thôn khác đã học theo, như thôn 5 có đến 9 điểm cáp treo. Có điểm người dân đu bằng cách ngồi trong lồng sắt, cũng có điểm chỉ cần dùng đến một sợi dây cột vào người và gắn với ròng rọc. Tiền làm cáp treo từ 5-7 triệu đồng đều do người dân tự “góp của góp công” dựng và sử dụng chung. Tuy nhiên do mỗi nhà có mục đích sử dụng khác nhau nên riêng ròng rọc thì nhà nào có, nhà ấy tự bảo quản và thiết kế sao cho phù hợp.
Mỗi ngày ông Bình ít nhất phải có 2 lượt đi và về bằng cáp treo qua sông. Do tốc độ nhanh, chỉ trong vòng vài phút là sang đến bờ bên kia nên ma sát rất lớn; cũng bởi thế mà để tiếp đất an toàn thì khi chạy sắp đến bờ, người đu cần dùng tay lắc qua lắc lại để ròng rọc giảm tốc độ. Đồng thời mặt hướng về phía trước để tránh va đập, chấn thương.
“Nhà tôi có gần chục héc ta gồm lúa, ngô và điều bên kia sông. Những khi vào mùa thu hoạch cả 4 người trong nhà đều đu qua bên đó; có ngày đu đến 8 lần. Không phải ai cũng dám đi bằng ròng rọc qua sông đâu. Phải có sức khỏe, nhất là cánh tay chắc mới đu được. Tôi vẫn phải tập cho tay dẻo dai bằng cách ngày nào cũng đu qua, đu về thành thói quen. Nếu không đu là hôm sau sẽ cảm thấy sờ sợ ngay. Đu dây qua sông chẳng khác nào diễn xiếc, tôi đu quen mà nhiều lúc còn rùng mình”, ông Bình nói.
“Đi kiểu này chẳng biết chết lúc nào”
Kể về sự nguy hiểm của việc “bay” qua sông, chị Võ Thị Hoa (40 tuổi) tâm sự: “Những lần mải làm, trời tối muộn là tôi ngủ luôn tại rẫy đợi đến sáng hôm sau mới dám về. Biết là nguy hiểm nhưng vì miếng cơm manh áo nên phải làm thế thôi, chứ đi kiểu này chẳng biết chết lúc nào”.
Trụ dây bằng gỗ vừa mục theo thời gian, vừa lỏng lẻo sau mỗi cũ tiếp đất. |
Quan sát cho thấy các quãng sông đặt cáp treo đều rộng và nước chảy xiết kể cả là mùa khô. Trải qua mưa nắng nhiều năm, các thiết bị cáp treo tự chế này đã trở nên yếu vì han gỉ, ma sát bào mòn. Còn các trụ chốt đóng ở hai bên bờ cũng đã xuống cấp thiếu chắc chắn. Hầu hết người dân chỉ mải băng qua sông bằng ròng rọc mà ít để ý đến trụ chân cáp ở hai đầu sông. Nhưng thực tế thì sau những ngày mưa, không chỉ dây cáp bị gỉ mà đất ở hai chân trụ (làm bằng gỗ hoặc sắt) cũng lở ra, lượt người và lượng nông sản vận chuyển qua sông thì tăng lên.
Không chỉ có đàn ông mà còn cả phụ nữ, không chỉ là người lớn mà nhiều khi cả trẻ nhỏ. Chị Nguyễn Thị Mai (25 tuổi) cho biết, do hai vợ chồng chị ở riêng nên mỗi khi đi làm rẫy không có ai trông con hộ, đành cho con đu cáp treo theo cùng qua sông trong một cái lồng sắt đặc biệt.
Pháp luật Việt Nam đã làm một cuộc khảo sát nhỏ, thì có đến hơn 50 (nhất là phụ nữ và trẻ em) trả lời không biết bơi., nhưng vẫn “bay” qua sông mà không có lấy một thứ đồ bảo hộ. Đã rất nhiều người bị gãy chân, gãy tay, sứt đầu mẻ trán vì những cú tiếp đất rất mạnh. “Có lần tôi đu dây sang bên kia sông cắt cỏ, hì hục cả ngày được bao cỏ đầy, thế mà khi về thì “thành quả” rơi tòm xuống giữa lòng sông, may sao người vẫn sang được bờ”, chị Mai nhớ lại.
Khi chưa vào mùa vụ chỉ lác đác người qua sông, nhưng đến lúc thu hoạch thì số người, số lượt tăng lên rất lớn. Những tai nạn xảy ra khi đu dây là hết sức thường gặp: Dây cáp bị đứt, ròng rọc bị kẹt bi ngưng chạy làm người đu mắc kẹt, có khi ròng rọc long ốc khiến người đu rơi tòm xuống dưới nước…
Về độ nguy hiểm của đu dây qua sông, chính quyền địa phương đã có những khuyến cáo, thế nhưng địa phương cũng bất lực không giúp được gì. “Đã có nhiều trường hợp người dân đi ròng rọc rớt xuống sông, may được ứng cứu kịp thời nên không ai nguy hiểm đến tính mạng. Mong sao cấp trên quan tâm đầu tư kinh phí để người dân có một cây cầu kiên cố”, ông Nguyễn Minh Sơn phó chủ tịch xã Hòa Phong bày tỏ.
Cấp trên chưa đáp ứng thì dân “tự cứu mình”. Mới đây người dân thôn 5 đã tự góp tiền làm được cây cầu bằng sắt và ván. Nhưng vào mùa mưa, ai đi qua cây cầu tạm này đều thấy ghê người vì độ an toàn không cao, nước lũ có thể cuốn trôi bất cứ lúc nào, còn… tê hơn cả đu dây. Chính vì thế, niềm mong mỏi có một cây cầu để đi lại nối liền hai bên bờ sông càng trở nên bức thiết.
“Đang vào mùa mưa lũ nên nước chảy xiết hơn, người đu quen còn thấy hãi chóng cả mặt. Thực tế chẳng có người dân nào muốn đu dây qua sông đi làm cả. Ai cũng mong có một cây cầu thuận tiện đi lại để khỏi phải “đánh cược” mạng sống mỗi ngày”, ông Bình phản ánh.