Xây trường để nuôi bò, chứa thóc
Hai điểm trường tiểu học và mầm non được xây dựng giữa trung tâm khu tái định cư trên khu đất bằng phẳng, cao ráo, nằm ngay cạnh đường rải nhựa phẳng lỳ. Do một thời gian dài không sử dụng nên cây dại len vào đến hành lang.
Các hạng mục như cửa, hệ thống điện, nền, tường hầu hết còn nguyên vẹn, chỉ đôi ba chỗ bị bong tróc sơn và cửa kính bị vỡ. Một số gia đình ở khu tái định cư thấy trường bỏ hoang đã mượn phòng để làm kho chứa lúa.
Ông Phan Anh (70 tuổi, người dân sống tại khu tái định cư ) bức xúc cho biết: “Hai điểm trường này mở ra lâu rồi mà không được đưa vào dạy cho con em, để vậy hơn 5 năm nay rồi, con cháu chúng tôi hàng ngày phải đi tận 3km để đi học, trong khi đó trường lại cạnh bên nhà…”.
Tại hai điểm trường, các phòng học được đầu tư cơ sở hạ tầng tốt, có khu vệ sinh và hệ thống nhà nghỉ cũng như hệ thống điện và quạt trần đầy đủ. Tuy nhiên, sau 5 năm không đưa vào sử dụng, một số cửa bị vỡ kính, một số thiết bị điện bị đánh cắp, cây dại mọc um tùm.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện tại Trường Tiểu học số 1 Triệu Thượng và Trường Mầm non Triệu Thượng là hai đơn vị được giao quản lý các công trình trên, cách khu tái định cư khoảng 3km.
Trao đổi về vấn đề này, thầy Võ Nguyên Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học cho biết: “Trường xây trên khu đất đẹp, cơ sở thiết bị tốt nhưng không có tường rào, cổng, bàn ghế và thiếu học sinh nên không thể đưa vào sử dụng được, tiếc quá, 5 năm ni vẫn vậy…”.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư tốt nhưng không sử dụng suốt 5 năm nay |
Tại khu tái định cư Tây Triệu Phong, dù hệ thống đường, điện, nước cơ bản đã hoàn thành nhưng ngay ở vị trí “mặt tiền”, nhiều ngôi nhà trống huơ trống hoác. Trong số 260 hộ di dân lên ở thì phân nửa không sống ổn định tại khu tái định cư. Nguyên nhân chủ yếu là do ở đây không có đất sản xuất, người dân phải trở về quê cũ để làm ăn.
“Tại khu tái định này, số cháu tiểu học và mầm non chiếm nhiều lắm, hàng năm chúng tôi trao quà phải lên đến 220 suất, các hộ dân sống ở đây chủ yếu làm thợ hồ và công nhân xưởng cưa, cuộc sống vẫn còn vất vả nên đưa con về quê cho học hết, tui cũng như các hộ khác đều mong muốn trường đây mở cho con học, nhưng thấy xây xong rồi đóng cửa mãi đến giờ...”, ông Phan Trọng, Tổ trưởng Tổ tự quản khu tái định cư cho biết thêm.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Vọng, Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng cho biết: “Dự án trường học trên nằm trong chương trình Dự án khu di dân tránh lũ tái định cư Tây Triệu Phong dành cho bà con ở vùng lũ của 3 xã Triệu Ái, Triệu Giang và Triệu Thượng.
Công trình bàn giao đã được 5 năm nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng do thiếu các công trình phụ trợ như tường rào, cổng ngõ, cơ sở vật chất bên trong trường học...”.
“Lúc trước dân ít nên không có đủ học sinh học, hiện khu tái định cư có gần 300 hộ dân, hàng ngày các bậc phụ huynh phải đưa con em về các điểm trường chính của xã xa hàng cây số, trong khi công trình mới bị bỏ hoang là một điều đáng trăn trở.
Nhưng trước mắt, chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án giải quyết vì liên quan đến nguồn vốn đầu tư, chính quyền xã cũng không đủ nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng. Về phía xã đang cố gắng để mở lại trường cho con em đến trường được gần hơn, vấn đề này cũng mong cơ quan cấp trên triển khai để trường được mở cửa”, ông Vọng cho biết thêm.
Hiện 2 điểm trường tại khu di dân tái định cư Tây Triệu Phong vẫn đóng cửa im ỉm, người thụ hưởng và chính quyền địa phương chỉ biết ngắm nhìn, tiếc nuối khi hàng ngày vẫn tiếp tục chứng kiến tiền của Nhà nước đầu tư, trôi dần theo thời gian.
Thiết nghĩ, trong khi tại tỉnh Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa học sinh vẫn còn phải học trong những trường học tạm bợ và tất cả đều ước mơ có một ngôi trường khang trang để học thì có những ngôi trường đầu tư hàng tỉ đồng xây xong lại bỏ hoang, gây lãng phí tiền của Nhà nước.
Cần phải có sự rà soát và tính toán kỹ lưỡng trước khi thực hiện dự án để tránh tình trạng “nơi cần thì không có, nơi có lại bỏ hoang”.