Ngân sách chỉ đáp ứng 60%
Theo Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020 được Thành ủy Hà Nội công bố sáng qua (12/5), tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2016-2020 là 72.092 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tư dự kiến là 59.420 tỷ đồng, nguồn vốn huy động ngoài NSNN (doanh nghiệp, nhân dân đóng góp và nguồn khác…) là 12.672 tỷ đồng.
Riêng chương trình xây dựng NTM theo báo cáo được Thành ủy Hà Nội phê duyệt đã “ngốn” tổng vốn nói trên khoảng gần một nửa, khoảng 31.680 tỷ đồng. Theo đó, nguồn vốn hỗ trợ từ NSNN chi cho Chương trình NTM sẽ chiếm 60% (19.008 tỷ đồng), nguồn vốn huy động ngoài NSNN dự kiến chiếm 40% (12.672 tỷ đồng). Dư nợ tín dụng đầu tư khu vực nông nghiệp, nông thôn được tính toán bình quân hàng năm dao động từ 75 ngàn đến 80 ngàn tỷ đồng.
Theo văn bản mới được công bố, Thành ủy Hà Nội yêu cầu thực hiện tốt phân cấp sử dụng và huy động nguồn thu đối với các cấp. Riêng phần ngân sách TP sẽ sử dụng từ nguồn theo phân cấp (tiền thuế, tiền sử dụng đất, tăng thu...) để hỗ trợ ngân sách huyện đầu tư xây dựng NTM ở các xã theo nguyên tắc: Tập trung hỗ trợ một phần vốn đầu tư hạ tầng thiết yếu, các chương trình, dự án phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, ưu tiên hỗ trợ các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, xã dân tộc miền núi.
“Sắp xếp đổi mới và năng lực quản lý, điều hành của các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án từ TP đến cơ sở. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhằm tháo gỡ khó khăn cho huyện, xã trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM. Tập trung vốn hoàn thành dứt điểm từng công trình, dự án, tránh đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản. Tăng cương công tác giám sát chất lượng các công trình xây dựng của các cơ quan quản lý và cộng đồng dân cư ở cơ sở”- báo cáo Thành ủy nêu.
Huy động nguồn lực từ dân
Theo Sở Tài chính Hà Nội, sau 5 năm (2010-2015), tổng nguồn vốn đã huy động cho Chương trình NTM là 34.465 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là 23.573 tỷ, vốn huy động ngoài ngân sách là 10.892 tỷ.
Theo cơ quan này, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách nhiều nơi đã tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động trực tiếp, hiến đất xây dựng công trình hạ tầng (như đường nông thôn, giao thông, thủy lợi nội đồng...), tài trợ công trình phúc lợi công cộng nhưng chưa hạch toán thu chi vào ngân sách xã nên chưa phản ánh đầy đủ, chính xác kết quả thực tế các xã đã huy động nguồn lực ngoài ngân sách.
Đến hết năm 2015, TP Hà Nội có 386 xã, trong đó có 201 xã (chiếm hơn 52% đạt chuẩn NTM, vượt 12% so với mục tiêu đề ra. 185 xã còn lại có 102 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 83 xã đạt từ 10-14 tiêu chí. Huyện Đan Phượng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM năm 2015. Đến nay, 3 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM.
Tuy nhiên, đánh giá cả giai đoạn vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng nguồn lực chúng ta đã đầu tư cho nông thôn rất là lớn. Thành phố đã ưu tiên nguồn lực để xã hội hóa đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu, phục vụ cho đời sống của người dân như hệ thống điện, đường, trường, trạm và đã tạo được diện mạo mới của nông thôn.
Theo người đứng đầu Thành ủy Hà Nội, giai đoạn vừa qua đã có 201 xã (trong 286 xã) đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã đã được đầu tư vào khoảng 79,6 tỷ đồng. Năm năm qua, khối lượng công việc xây dựng NTM mà Hà Nội đã làm phải nói là “khổng lồ” nên đã giảm gánh nặng cho giai đoạn này rất nhiều.
“Đặc biệt, việc huy động nguồn lực từ bên ngoài ngân sách của giai đoạn trước được hơn 10 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 21% tổng kinh phí đầu tư. Tỷ lệ này là rất đáng khích lệ, so với bình quân cả nước, tỷ lệ này là rất cao. Giai đoạn tới chúng ta nên đẩy cao hơn. Vì giai đoạn trước chúng ta huy động được 21%, giai đoạn này phải vận động mạnh hơn nữa. Huy động từ doanh nghiệp, từ người dân, từ hỗ trợ là những việc chúng ta cần lưu ý” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: “Từ những kết quả đã đạt được trong quá trình xây dựng NTM, tôi đề nghị Hà Nội tiếp tục hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt quan tâm chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp sinh thái với xây dựng cảnh quan phát triển các vùng, vành đai du lịch xanh. Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng, các tiêu chí NTM và thu nhập của nông dân ở các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM vừa qua”.