Hơn 71,5ha đất “vàng” giao thẳng cho tư nhân
Từ TP Biên Hòa xuôi theo quốc lộ 51, hơn 715.257m2 (71,5ha) đất thuộc xã Long Đức, huyện Long Thành ôm trọn “mũi tàu” đi vào trung tâm thị trấn Long Thành. Đây được coi là khu đất “vàng” và sẽ là điểm nhấn khi thị trấn này được chuyển đổi lên thị xã Long Thành trong thời gian tới.
Được biết, khu đất này là đất công, trước được giao cho Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai quản lý, khai thác. Theo Quyết định số 3955/QĐ-UBND ngày 15/12/2014, UBND tỉnh Đồng Nai giao cho UBND huyện Long Thành thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để đầu tư dự án Khu dân cư và Trung tâm thương mại.
Cũng theo quyết định này, sau khi thực hiện xong bồi thường giải phóng mặt bằng và được UBND huyện Long Thành xác nhận, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ lập thủ tục trình UBND tỉnh giao đất cho Công ty Cổ phần Lộc Thịnh triển khai dự án. Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Minh Phúc đã ký Quyết định số 3953/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ để thực hiện dự án với 50 hộ được duyệt, tổng giá trị hơn 49,6 tỷ đồng. Chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển kinh phí bồi thường, hỗ trợ và kinh phí tổ chức thực hiện cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành; chuyển kinh phí thẩm định cho Sở Tài nguyên và Môi trường.
Mặc dù hai quyết định trên UBND tỉnh Đồng Nai đều căn cứ Luật Đất đai 2013, nhưng thay vì thực hiện đấu giá thì UBND tỉnh Đồng Nai lại giao thẳng cho Công ty CP Lộc Thịnh.
Theo bản Thiết kế quy hoạch lên bản đồ địa chính khu đất tỉ lệ phê duyệt 1/2000 do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Đồng Nai lập ngày 9/5/2012, diện tích đất nêu trên được chia làm hai khu chạy dọc bên phải và bên trái quốc lộ 51. Cơ cấu tỷ lệ quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt tại Quyết định 670/QĐ-UBND tỉnh Đồng Nai ngày 9/3/2012 với mục đích sử dụng đất (loại đất) cấp khu ở là 561.576 m2 và cấp đô thị là 211.220m2. Có thể thấy, hầu hết diện tích đất này là đất ở và đô thị, chỉ có một phần là đất cây xanh, giao thông đô thị.
Bởi vậy, việc không tổ chức đấu giá mà giao thẳng khu đất trên khiến dư luận cho rằng đây là một dạng biến tướng từ đất công sang đất tư và ngân sách nhà nước sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Hàng trăm tỷ đồng rơi vào túi tư nhân?
Thực tế, đây không phải lần đầu tại Đồng Nai xảy ra tình trạng này bởi năm 2012 Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung liên quan đến dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Long Đức.
Cây cao su trên khu đất bị chặt để giải phóng mặt bằng.
|
Trong đó, với lý do việc trồng điều không hiệu quả tại Nông trường Tam Lợi nên năm 2004 UBND tỉnh Đồng Nai cho phép Cty Donafoods thành lập Cty CP (Donafoods đại diện phần vốn nhà nước giữ cổ phần cao nhất) để đầu tư xây dựng hạ tầng KCN có tên là Cty CP đầu tư Long Đức với số vốn ban đầu là 30 tỷ đồng, Donafoods chiếm 40% cổ phần và hai cổ đông cá nhân khác chia nhau giữ 60% cổ phần. Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai đã thu hồi 271ha đất thuộc Nông trường Tam Lợi để giao cho Cty CP đầu tư Long Đức thực hiện dự án.
Mặc dù đã thêm hai cổ đông ngoài vào tham gia thực hiện nhưng toàn bộ dự án KCN Long Đức chậm triển khai và gần như không thực hiện được gì. Mãi đến năm 2011, khi Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản chính thức mua lại 88% cổ phần từ các thành viên của Cty CP đầu tư Long Đức thì dự án mới được khởi động lại. Động thái này khiến dư luận lúc đó cho rằng việc cổ đông tư nhân tham gia Công ty CP đầu tư Long Đức là để chiếm giữ đất công, chờ thời cơ bán lại cổ phần để hưởng chênh lệch.
Ngày 29/6/2011, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho Cty Donafoods bán 28% cổ phần tại Cty CP đầu tư Long Đức và thu về cho Nhà nước 221,13 tỷ đồng, tương đương với 7.897.500 đồng/cổ phần. Với giá này, nếu áp cho 60% cổ phần của hai cá nhân góp vốn tại Cty CP đầu tư Long Đức thì hơn 473,85 tỷ đồng được thu về.
Trong khi đó, để đảm bảo đầu tư kết nối hạ tầng đồng bộ, đặc biệt hạ tầng giao thông, góp phần cải thiện môi trường đầu tư bằng các nguồn vốn khác nhau (chủ yếu là từ nguồn vốn ngân sách) UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo UBND huyện Long Thành xây dựng kế hoạch vốn đầu tư tuyến đường kết nối từ quốc lộ 51 vào KCN Long Đức với tổng vốn khoảng 73 tỷ đồng, bao gồm các nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ, ngân sách huyện Long Thành, nguồn tiền thu hồi bồi thường của KCN Long Đức và đóng góp của Cty CP đầu tư Long Đức 5 tỷ đồng.
Như vậy, trừ các khoản chi phí đã đầu tư, đóng góp vốn tại Cty CP đầu tư Long Đức thì các cổ đông này đã hưởng lợi hơn 400 tỷ đồng và đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước có thể đã thiệt hại con số tương đương (?).
Nguy cơ ngân sách nhà nước thiệt hại nặng hơn đang diễn ra ở dự án Khu dân cư và Trung tâm thương mại do Cty CP Lộc Thịnh làm chủ đầu tư tại khu vực “mũi tàu” thị trấn Long Thành. Theo quan sát của chúng tôi, thời điểm cuối tháng 11/2015 chủ đầu tư đang chặt cao su và giải phóng mặt bằng tại dự án.
Với các tài liệu có được thì toàn bộ diện tích đất thuộc dự án này đã được UBND tỉnh Đồng Nai giao thẳng cho Công ty CP Lộc Thịnh làm chủ đầu tư. Vấn đề đặt ra là đã thu về cho ngân sách nhà nước được bao nhiều từ việc giao đất này (?). Thực tế, theo tìm hiểu của chúng tôi ở thời điểm hiện tại với những điểm được coi là “đất vàng” gần khu vực “mũi tàu” tại thị trấn Long Thành được thị trường giao dịch tự do từ 10 đến 15 triệu đồng/m2.
Còn theo Quyết định số 75/2013/QĐ-UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quy định về giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2014 thì đối với loại đất ở đô thị đoạn từ ranh xã Long Đức đến ranh xã Lộc An giá được tính 2,4 triệu đồng/m2; đoạn từ cầu Quán Thủ đến mũi tàu giáp với xã Long An được tính với giá 4,9 triệu đồng/m2.
Như vậy, với 561.576 m2 đất thuộc dự án Khu dân cư và Trung tâm thương mại được giao cho Cty CP Lộc Thịnh chỉ cần nhân với giá 2,4 triệu đồng/m2 thì số tiền lên đến hơn 1.347,7 tỷ đồng; còn lấy diện tích đất trên nhân với giá đất 4,9 triệu đồng/m2 (thuộc diện đất khu vực mũi tàu) thì số tiền đã lên đến hơn 2.751 tỷ đồng.
Thế nhưng, giá trị của khu đất này sẽ được tăng lên rất nhiều nếu được đem đấu giá bởi theo thông tin tìm hiểu của chúng tôi, hiện thị trấn Long Thành đang có rất nhiều lợi thế để phát triển và đang có định hướng phát triển lên thị xã với hàng loạt dự án lớn được triển khai như Sân bay Quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua; hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp lớn bao bọc quanh thị trấn. Do vậy, việc đấu giá toàn bộ khu đất thuộc khu vực mũi tàu đi vào thị trấn Long Thành hứa hẹn đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Một vấn đề đặt ra là: Những năm gần đây, ngân sách nhà nước luôn bị thâm hụt nặng và ngay Đồng Nai đang phải huy động nhiều nguồn lực để nâng cấp đô thị, hạ tầng giao thông tại TP Biên Hòa và vùng lân cận, đặc biệt chưa biết tìm đâu ra để đủ ngân sách chống ngập tại TP Biên Hòa. Vậy những kiểu biến tướng đất công hoặc việc sẵn sàng “bỏ qua” việc đấu giá khu đất “vàng” tại đoạn mũi tàu đi vào thị trấn Long Thành đã gây thiệt hại nặng nề cho ngân sách nhà nước(?)./.