Tại Chương trình “Phân bón giả - Tác hại thật” vừa được tổ chức tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), các đại biểu đều thống nhất quan điểm: toàn xã hội phải chung tay tuyên chiến với phân bón giả, phân kém chất lượng.
Mỗi năm thiệt hại 2 tỷ USD
TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới cho biết, thị trường phân bón tại Việt Nam đang tồn tại khoảng 7.000 các chủng loại phân bón, bao gồm: Phân hóa học; phân hữu cơ; phân vi lượng; phân bón dưới rễ; phân bón lá….
Những năm gần đây, Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có những đợt kiểm tra chất lượng phân bón đang sản xuất và lưu hành trên thị trường đã phát hiện có đến gần 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì. Mặt khác, công tác quản lý và thanh kiểm tra còn vô cùng bất cập và còn hàm chứa rất nhiều tiêu cực trong đó.
TS Nghĩa lo lắng: “Đây chính là một tồn tại vô cùng lớn trong thị trường phân bón ở Việt Nam. Với số lượng các chủng loại phân bón như vậy thì thật khó cho công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh và hướng dẫn sử dụng cho người nông dân.
Chính vì những tồn tại trên nên thị trường phân bón Việt Nam luôn tồn tại và “phát triển” những loại phân bón giả; phân bón nhái và giả mạo nhãn hiệu và thương hiệu của những loại phân khác. Phổ biến là những loại phân kém chất lượng tới mức chỉ còn 10-30% hàm lượng theo đăng ký và công bố”.
Chỉ tính riêng thiệt hại trực tiếp do phân bón giả và phân bón kém chất lượng gây ra thì mỗi năm Việt Nam sẽ mất đi 2 tỷ USD. Ngoài ra, để làm phân giả và phân kém chất chất lượng thì phải có những hóa chất, nguyên liệu không phải là chất dinh dưỡng cho cây, do vậy sẽ đưa vào đất những chất độc hại làm thoái hóa đất, làm ảnh hưởng tới chất lượng nông sản và kéo theo mất an toàn về vệ sinh thực phẩm, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng, hủy hoại môi trường sống. Nếu là nông sản xuất khẩu sẽ ảnh hưởng tới uy tín của nông sản Việt Nam.
Ông Trịnh Văn Chương – Phó Giám đốc Cty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam bộ cho rằng, phân bón là loại vật tư đầu vào hết sức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, cung cấp phần lớn chất dinh dưỡng cho cây trồng. Tuy nhiên, hiện nay thị trường đang diễn biến hết sức phức tạp, phân bón giả, kém chất lượng hoành hành, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả, năng suất, chất lượng sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất kinh doanh, việc nghiên cứu, đầu tư các máy móc, công nghệ hiện đại của các DN chân chính.
Theo ông Đỗ Thanh Lam – Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, bên cạnh DN làm ăn chân chính vẫn còn không ít DN bất chấp các thủ đoạn, bất chấp đạo đức sản xuất phân bón kém chất lượng, mặc dù các cơ quan quyết liệt ra quân triệt phá nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, số lượng phân bón thu giữ hàng năm trên 1.000 tấn.
Nông dân bức xúc phát biểu tại Hội thảo Phân bón giả - Tác hại thật |
Không để kẻ gian làm giàu trên đầu người dân
Ông Hồ Văn Thái – Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho hay, chương trình “Phân bón giả - Tác hại thật” đến nay đã đi được nửa chặng đường, đã thu được nhiều kết quả khả quan. Mục tiêu của Ban Chỉ đạo là không cho phép các tổ chức, các cá nhân làm giàu bất chính trên mồ hôi nước mắt của người nông dân.
Ông Thái mong muốn, cần tập trung tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, cho cơ sở sản xuất uy tín để người tiêu dùng biết đến các đơn vị này như một địa chỉ vàng nhằm tôn vinh họ. Các cơ quan chức năng cần kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh mọi hành vi làm hàng giả, buôn lậu; đồng thời kịp thời phê phán những hành vi nhũng nhiễu, tiếp tay cho nạn hàng gian, hàng giả. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm với bà con, hiệu quả mùa màng của người nông dân; giúp bà con nông dân về thông tin, tuyên truyền kiến thức đến bà con.
Theo ông Thái, bà con muốn xem phân bón thật hãy vào trang web của Bộ Công Thương để xem DN nào được cấp phép được và xem so sách công bố các chỉ số trên bao bì có phù hợp với quy định các cơ quan chức năng hay không.
Ông Trịnh Văn Chương – Phó Giám đốc Cty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam bộ đề nghị, để phòng chống, ngăn chặn phân bón giả cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, của các DN chân chính, của các đại lý phân bón và của chính bà con nông dân. Ông Chương khuyên bà con không nên mua những phân bón giá rẻ, có dấu hiệu làm giả. Đồng thời cần giữ hóa đơn chứng từ, mẫu mã bao bì làm cơ sở cung cấp cho các cơ quan chức năng để bảo vệ bà con khi cần thiết.
Cũng đề cập những kinh nghiệm phòng tránh mua phải phân bón giả, TS .Nguyễn Đăng Nghĩa, nói: “Bà con không mua các loại phân bón của những người bán dạo hoặc đến tận vườn; nên lựa chọn những loại phân của các DN đã có uy tín trên thị trường; lựa chọn đại lý có uy tín ở địa phương và chỉ mua những loại phân mình đã biết, không nghe theo lời chỉ dẫn của đại lý với những loại phân mình chưa hề biết.
Hoặc bà con có thể thử bằng cách thức thủ công như sau: Cho phân vào cốc thủy tinh rồi khuấy đều, nếu phân tan hết hoặc chưa tan nhưng khi bóp nhẹ thì tan vụn ra là đạt yêu cầu, còn nếu bóp mà dẻo quẹo thì phân giả do trộn đất sét. Bón thử phân trên cây rau ăn lá thì chỉ sau từ 3-5 ngày nếu phân chất lượng tốt thì cây rau xanh và tươi mướt, còn phân giả và phân kém chất lượng thì không thấy thay đổi, thậm chí lá vàng, thối rễ.
Theo ông Đỗ Thanh Lam, Nhà nước cần đưa ra các chế tài đủ mạnh để điều chỉnh, xử lý để đầy lùi nạn phân bón giả; tăng cường tuyên truyền, làm thế nào các tổ chức kinh doanh không sản xuất phân bón giả; tuyên truyền đến người tiêu dùng đến các cơ sở, các sản phẩm không đạt chất lượng. Sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng, tố giác tội phạm không để cho các đối tượng có đất sống.