Hầu hết các mẫu phân bón sai phạm, kém chất lượng không thuộc các doanh nghiệp lớn mà đa phần là thuộc các doanh nghiệp vừa và nhỏ với hình thức vi phạm tinh vi và thị trường mà các công ty nhắm đến là khu vực nông thôn, thuộc vùng sâu, vùng xa.
Theo Phó Cục trưởng Cục QLTT Đỗ Thanh Lam, phân bón là mặt hàng quan trọng của người nông dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất phân bón, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chân chính vẫn còn một số doanh nghiệp gian lận chạy theo lợi nhuận. Năm 2015 cả nước phát hiện và xử lý trên 3.000 vụ, trong đó có hơn 1.000 tấn phân bón được phát hiện kém chất lượng.
Hầu hết các mẫu phân bón sai phạm, kém chất lượng không thuộc các doanh nghiệp lớn mà đa phần là thuộc các doanh nghiệp vừa và nhỏ với hình thức vi phạm tinh vi và thị trường mà các công ty nhắm đến là khu vực nông thôn, thuộc vùng sâu, vùng xa.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo 389 Cần Thơ cho biết, nhu cầu sử dụng phân bón của ngành nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, đây là thị trường “màu mỡ” của các đối tượng kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, vì vậy tình hình rất phức tạp.
Mặc dù thời gian qua lực lượng QLTT Cần Thơ đã xử lý quyết liệt rất nhiều vụ việc vi phạm nhưng vẫn chưa xử lý triệt để được nạn phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường. Hơn nữa, “tình trạng phân bón giả, kém chất lượng hiện nay hoạt động liên tỉnh, rất khó khăn trong công tác quản lý” - ông Nam nói.
Còn theo ông Lê Trung Giang (Chi cục QLTT TP Cần Thơ), hiện nay tình trạng vi phạm phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn tồn tại và ngày càng diễn biến khá phức tạp, chưa được đẩy lùi triệt để. Những vi phạm, gian lận thương mại, nhái các sản phẩm phân bón có thương hiệu lớn trong nước thường xuất hiện ở các khu vực vùng sâu, vùng xa với nhiều hành vi tinh vi như: thường ký hợp đồng gia công hay mở cơ sở nhỏ lẻ sản xuất phân bón giả, kém chất lượng tuồn bán ra thị trường gây ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của nông dân.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng QLTT Cần Thơ đã tiến hành kiểm tra phát hiện 9 vụ vi phạm trên địa bàn, trong đó có 1 vụ vi phạm bán hàng hóa xâm phạm quyền, 8 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bách - Phó Chi cục trưởng Chi Cục QLTT TP HCM cho biết, chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2016, lực lượng tiến hành kiểm tra 23 vụ, có 18 vụ vi phạm, trong đó đa phần là giả mạo hàng hóa, giả mạo về nhãn hiệu, không có giấy kinh doanh, không công bố hộp vi, sai nhãn hiệu hàng hóa, nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc…
Ông Đoàn Văn Nhuận - Tổng Giám đốc Cty Phân bón, hóa chất và dầu khí - cho biết, mỗi năm Cty sản xuất 12 triệu tấn phân bón, chất lượng cao, được người dân tín dụng. Tuy nhiên, thời gian gần đây phân bón giả trên thị trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tính của các công ty sản xuất phân bón làm ăn chân chính cũng như chất lượng sản xuất của bà con nông dân.
“Với phương châm “trách nhiệm - chia sẻ”, coi trọng ý thức trách nhiệm cộng đồng, chúng tôi mong các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đẩy lùi triệt để tình trạng vi phạm pháp luật trong sản xuất và kinh doanh phân bón giúp doanh nghiệp yên tâm kinh doanh sản xuất” - ông Nhuận kiến nghị.
Bên cạnh đó, người nông dân nên lựa chọn sản phẩm, thương hiệu có uy tín, đảm bảo chất lượng để sử dụng, đặc biệt khi mua phân bón cần lưu ý các các ký hiệu trên thương hiệu, các thông tin trên bao bì sản phẩm để đảm bảo cho quá trình sản xuất…
Bên cạnh việc chia sẻ nhiều kinh nghiệm phòng chống các vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón, nhiều đại biểu kiến nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan cần có biện pháp tích cực hơn nữa trong việc quản lí hóa chất, phối hợp chặt với nhau để có biện pháp, chế tài răn đe, đủ mạnh để xử lý triệt để nạn phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường. Các ban ngành cũng cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác sản xuất kinh doanh phân bón, khi phát hiện cần có biện pháp xử phạt nặng hành vi vi phạm.