Trời đã trưa, chị Cao Thị Hậu (SN 1971, trú tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) mệt mỏi đạp xe từ ngoài đồng về. Đàn con ở trong nhà ngó ra, nhìn thấy mẹ chúng ú ớ vài câu rồi lại quay mặt vào nhà. Chị cởi áo lao động, đón vội đứa con trai út cho bú vài miếng sữa. Con bú no rồi, chị đứng dậy tất bật nấu cơm, quét nhà, giặt giũ quần áo. Người ta nói, người mẹ đi làm dù vất vả thế nào nhưng về nhà chỉ cần nghe tiếng con cười là mọi mệt mỏi đều tan biến. Còn chị Hậu, người ta thấy chị khe khẽ lau nước mắt khi ngồi vo gạo ở bể nước.
Sợ bị ế, lấy chồng mù, câm, điếc
Gần 12 giờ trưa con gái đầu của chị mới đi học về. Bấy giờ, mâm cơm mới được dọn ra. Thực đơn vẫn như mọi ngày: Một nồi cơm, một cái mâm với sáu cái bát con và một lọ bột canh. Cơm nóng trộn bột canh chắc là ngon lắm. Vì đàn con của chị, đứa nào cũng sì sụp đưa bát lên miệng và những miếng ngon lành. “Hôm nay mẹ nấu mấy bát gạo đấy ạ? Ba bát mà sao con ăn vẫn thấy đói nhỉ. Chắc tại hôm nay cơm ngon”, đứa con gái nịnh mẹ.
Chị Hậu lấy chồng khi gần 30 tuổi. Thời ấy ở quê, cô gái nào bị ế là người ta chê cười, chỉ trỏ. Chị Hậu cũng sợ ế nên qua mai mối, chị chấp nhận lấy anh Dương Văn Thiều (SN 1965) là một người bị câm, điếc ở tỉnh bên làm chồng. Ngoài anh Thiều, bố mẹ chồng chị còn đẻ thêm sáu người con nữa.
Trong số bảy người con này, chỉ có ba người là may mắn phát triển bình thường, còn lại đều mang những khiếm khuyết bất hạnh như mù, câm, điếc. Bố mẹ chồng chị cũng bị mù và điếc. Khổ nỗi nhà đông con, lại tật nguyền hết cả, nghề nghiệp không có gì ngoài làm ruộng nên gia cảnh mỗi lúc một nghèo hơn. Cái chữ cũng chẳng được học tường tận từ đầu đến cuối.
“Mình may mắn là một người bình thường, chỉ cần cố gắng làm ăn thì mình và chồng cùng các con chắc cũng không đến nỗi phải chết đói. Cứ khéo ăn, khéo làm rồi thể nào cũng có của ăn của để”, chị Hậu tự động viên mình ngày chị đi lấy chồng.
Cách đây đúng 14 năm, chị Hậu đẻ đứa con đầu tiên. May mắn sao, đứa bé không bị di truyền mù, câm, điếc như ông bà nội và cha của nó. Lời tự động viên ngày mới đi lấy chồng của chị Hậu có lẽ đã trở thành hiện thực nếu như chị biết dừng lại ở hạnh phúc này.
Vợ làm ruộng, chồng đi gánh gạch, nuôi một đứa con lành lặn, nếu chịu khó và chi tiêu tiết kiệm thì giờ chị Hậu cũng đã có của ăn của để rồi. Nhưng ham muốn có một mụn con trai đã tước đi cuộc sống yên bình của chị. Sau đứa con đầu, chị còn tiếp tục sinh thêm ba đứa nữa thì có tới hai đứa giống ông, cha nó đều bị câm, điếc bẩm sinh.
Những đứa trẻ chỉ biết độc món cơm rắc bột canh
Nhà nghèo, đông con, nghề nghiệp không có nên chẳng mấy khi vợ chồng, con cái chị Hậu được ăn cơm với thịt. Những đứa con của chị vì thế chẳng biết bản thân thích ăn món gì, cũng chẳng biết mẹ mình biết nấu món gì ngon vì từ khi sinh ra đến giờ, chúng chỉ được ăn một món duy nhất là cơm trộn bột canh, cơm tưới mắm, hoặc thi thoảng “sang” hơn nữa là có bát rau muống luộc. Đứa con trai út duy nhất đã đến tuổi ăn bột cũng chỉ có bột gạo quấy với tí muối chứ chẳng có rau xay nhuyễn hay thịt bằm, hải sản, sữa nội, sữa ngoại…
Cuộc sống hiện đại ngày nay, khi người dân đã chuyển khẩu hiệu sống từ “ăn chắc, mặc bền” sang “ăn ngon, mặc đẹp” thì gia đình chị Hậu vẫn còn đang đeo đuổi giấc mơ “ăn no, mặc ấm”. Giấc mơ ấy nay ngày một xa vời khi người chồng đã tật nguyền lại bị chấn thương sọ não vì tai nạn nên giờ không thể đi làm kiếm tiền. Ba lần phẫu thuật là ba lần những tài sản, vật dụng đáng giá trong nhà “đội nón” ra đi.
Để cứu chồng, chị Hậu phải bán hết số thóc là nguồn lương thực duy nhất nuôi sống cả gia đình. Có con bê làm vốn, chị cũng phải cắn răng để người ta đến dắt đi. Trong nhà, ngoài sân mọi thứ đều sạch sành sanh. “Có lẽ mình phải cho đứa con đầu nghỉ học đi làm kiếm tiền thôi. Đành chịu cảnh mù chữ như hai đứa em tật nguyền của nó vậy”, chị tính.
Trước hoàn cảnh của chị, chính quyền địa phương và bà con thôn xóm đã nhiều lần đến nhà thăm hỏi động viên. Hiện tại, chồng chị và người con gái thứ hai bị tật nguyền vẫn đang được nhận hỗ trợ tật nguyền với mức hơn ba trăm ngàn đồng/ tháng. Đứa con gái lớn đi học cũng đã được nhà trường giảm một nửa học phí, nhưng khó khăn không vì thế mà giảm.
Những đứa con của chị Hậu vẫn phải ăn một món duy nhất là cơm trộn bột canh hoặc cơm tưới mắm. Cùng với bi kịch của gia đình chị Hậu, gia đình những người anh chị em chồng bị tật nguyền cũng gần như rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hết đời ông bà, đời bố mẹ, đến lượt những đứa cháu cũng bị mù, câm hoặc điếc bẩm sinh. Tính đến nay, con số ấy trong đại gia đình nhà chồng chị Hậu cũng phải lên tới mười mấy người.