Sinh ra đã bị trời phạt
Đó là chị Nguyễn Thị Thu (SN 1983, xóm Bảo Biên, Bảo Linh, Định Hóa, Thái Nguyên). Chị có dáng người ngả nghiêng, siêu vẹo. Gương mặt chị xộc xệch, méo mó do sự tê liệt của các dây thần kinh ngoại biên trên mặt tạo thành. Nhìn chị, ai cũng ái ngại. Cái khổ đau dường như hiện lên khuôn mặt cả khi chị cười.
Chị bảo: “Nói còn khó khăn, nói gì đến việc cười. Bởi ngày bé, khi bị “trời phạt”, miệng tôi bị đông cứng lại, trong một thời gian dài tôi không thể cử động nổi. Ngay việc ăn uống, tôi cũng không thể ăn nổi vì không há miệng được. Từ đó, tôi đã mất đi nụ cười hồn nhiên”. Bệnh tật không cho chị nụ cười tròn chĩnh còn những đau nối tiếp không khiến chị không nở nổi nụ cười.
Nhìn căn nhà rách nát gia đình chị đang ở, tôi không khỏi giật mình. Căn nhà không có gì ngoài chiếc giường tre ọp ẹp, cũ kỹ với bộ bàn ghế mục nát của người anh chồng để lại khi chuyển vào Nam sinh sống.
Giọt nước nơi khoé mắt chực rơi. Gương mặt méo mó của chị co lại, giãn ra theo từng lời kể. Cuộc đời khổ đau bắt đầu trong một ngày mưa, se lạnh khi Thu khoảng 6 tuổi. Hôm ấy, thấy chị ăn cơm, uống nước đều rơi vãi khắp mặt mũi, quần áo, mẹ chị liền đút cho chị ăn. Thế nhưng chị không thể há nổi miệng như thường ngày.
Tưởng con cố tình, mẹ Thu đánh cô không tiếc tay. Vài ngày sau, khi phát hiện cô ngủ mà mắt không nhắm, cha mẹ cô giật mình sợ hãi. Họ không thể hiểu nổi vì sao con mình tự nhiên có những hiện tượng lạ trên, cho rằng cô là điềm xui xẻo, là “quỷ dữ” đội lốt người nên mới bị “trời phạt” trong cái thân xác xấu xí, quái dị ấy. Từ đó tình yêu thương dành cho cô vơi dần.
Những ngày tháng hạnh phúc được thay thế bằng những trận cãi vã nảy lửa giữa cha và mẹ. Họ đổ lỗi cho nhau, coi nhau là điềm xui xẻo, cần phải xa lánh. Để rồi cha bỏ mẹ đi lấy vợ mới. Hai mẹ con Thu mang nhau về sống với bà ngoại.
“Gần một năm sống với mẹ, bà ngoại và chú dượng, tôi chỉ biết thui thủi một mình như “con hủi”. Một hôm, mẹ và dượng cho tôi đi chùa Hương chơi, tôi thích lắm. Sau hai ngày đi chơi ở đấy, đến ngày thứ ba, mẹ bảo tôi ở nhà trọ một mình. Ba ngày sau mẹ và dượng sẽ quay lại đón. Tôi cứ thế đợi thôi. Thế nhưng ba rồi năm ngày sau, mẹ và dượng tôi cũng chẳng quay lại.
Nhìn đứa trẻ xấu xí, quái dị, ông chủ trọ bảo: “Có lẽ, mẹ và dượng của con sẽ không quay lại đón con đâu. Họ bỏ rơi con rồi. Tạm thời cháu cứ ăn, ở với gia đình nhà ta, đợi vợ chồng người ăn mày kia về, con hãy theo họ. Ta không thể nuôi cháu được, mà cháu bây giờ ra ngoài đường, chắc chỉ có nước chết. Thôi hãy theo họ, có thế cháu mới có cơ may sống sót”, chị Thu tâm sự.
Khổ đau nối tiếp khổ đau...
Khi nhìn thấy vợ chồng người ăn mày, Thu vô cùng sợ hãi. Thế nhưng họ đã trấn an cô bằng sự động viên “nhận cô là con gái”, sẽ nuôi cô. Thu theo họ. Chùa Hương hết hội, vợ chồng người ăn xin đưa cô đi khắp nơi để xin ăn. Mỗi ngày, họ đưa Thu một chiếc bị rách nát với lời nhắc: “Không xin được đầy bị, mày chết với chúng tao”.
Mang chiếc bị trên vai, Thu đến từng nhà một để xin từng nắm gạo, nắm thóc hay ít ngô… “Những hôm xin được ít, họ cho tôi nhịn đói cả ngày. Những hôm không xin được, họ đánh tôi thừa sống, thiếu chết”, Thu tâm sự. Hoá ra, vợ chồng người ăn mày là những kẻ “tán tận lương tâm”, là kẻ gian. Bởi ngoài việc đi xin, mỗi khi thấy nhà nào có người già, trẻ nhỏ ở nhà, họ bắt Thu phải lấy trộm đồ quý giá trong nhà.
Thu không làm, họ đánh cô bầm dập cả người. Có những trận đòn, cô bé Thu bị sốt li bì, nằm liệt một chỗ với bát cháo loãng hoặc cái bụng không. Họ mặc cô sống chết.
|
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu thứ 2 từ trái qua phải. |
Khi 9 tuổi, cô biết mình phải trốn đi. Bởi nếu cứ ở với họ, sớm muộn gì cô cũng chết vì đòn roi. Một ngày mưa gió bão bùng, Thu cố lết mình “chạy” thật nhanh để thoát khỏi vợ chồng “từ thần”. Một mình lang thang xin ăn, Thu luôn phải ngó trước, ngó sau vì sợ “đụng” vợ chồng người ăn mày.
Nhớ lại những tháng ngày lang thang một mình xin ăn, Thu kể: “Chỗ ngủ của tôi là những mái hiên rộng, những túp lều trống ngoài đồng hay những cái lán che của quán chợ. Mùa đông, để chống trọi lại cái lạnh “cắt da, cắt thịt”, tôi nhặt nhạnh những bao tải rách rưới, cũ nát quấn quang người kèm rơm rạ cho ấm. Khi nào đi ngủ thì chui vào bao tải ngủ. Có lúc may mắn được mọi người cho quần áo ấm”.
Vậy những hôm không xin được gì, bị bệnh tật, Thu làm thế nào? Chị mỉm cười: “Những hôm không xin được gì, tôi chỉ biết ôm cái bụng trống không đi ngủ thôi. Nhiều hôm, trên đường đi phải ăn chuối xanh, ăn quả sung hay những quả gì ăn được để khỏi lả đi vì đói. Đói vẫn không sợ bằng những hôm ốm đau. Tôi nhớ có lần dành dụm nắm cơm đến nỗi cơm bị thiu, bỏ đi thì tiếc khi bụng đang đói, cố gắng ăn. Ăn xong được một lúc, bị "Tào Tháo đuổi".
Mấy ngày liền nằm bẹp một chỗ không thuốc thang gì hết. Có lúc nghĩ mình sắp chết đến nơi rồi, vì chân tay không cử động nổi, người đau đớn, ê ẩm, không nhấc nổi mình… Hay những hôm mắt bị sưng húp lên, không nhìn thấy gì… Nhưng có lẽ, cuộc đời không cho mình chết, bắt mình phải sống để chịu khổ đau”.
Chút hy vọng mong manh
Sau trận ốm ấy, Thu may mắn được người mẹ nuôi Nguyễn Minh Vân (Niệm Nghĩa, Lê Chân, Hải Phòng) nhận, Thu sẽ có cuộc đời tươi sáng hơn. Nhưng không. Nhà mẹ nuôi quá nghèo, họ phải gửi cô vào trường khuyết tật ở Hải Phòng, thi thoảng mới được đón về thăm nhà một lần, Thu lại phải tự bươn trải với cuộc sống một mình bằng cách học nghề, học chữ trong trường và học cách tự chăm sóc mình. Sau đó, Thu được một người Nhật Bản tốt bụng cho đi học nghề ở Hà Nội.
Năm 2010, Thu được bạn bè giới thiệu làm quen với anh Dương Đình Nhất. Thu luôn khát khao có được mái ấm gia đình thực sự của riêng mình, thế nên dù Nhất là người khuyết tật, nhà thuộc diện hộ nghèo, cô vẫn đồng ý. Thu tin mình sẽ được hạnh phúc bởi đau khổ, bất hạnh mấy cô cũng trải qua rồi. Thế nhưng người tính không bằng trời tính. Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi đứa con chào đời.
Hiện tại dù chăm chỉ làm việc, thế nhưng thu nhập của cả hai vợ chồng cũng chỉ được 10 – 20 nghìn đồng/ngày. Anh chị làm nghề vót nan thuê. Cộng cả tiền trợ cấp hàng tháng của hai vợ chồng, anh chị mới được gần 1 triệu đồng/tháng. Có thể nói cuộc sống gia đình vô cùng mong manh.
Chán nản với cuộc sống bế tắc trước mắt, người chồng chị hết lòng thương yêu sinh tật. Túng quẫn, người chống ấy tìm đến rượu để giảy khuây. Mỗi khi say rượu, chồng chị lại “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với mẹ con chị, khiến chị vô cùng đau khổ. Mỗi lần tỉnh rượu, chồng chị chỉ biết ôm vợ con khóc rồi xin lỗi rối rít.
“Chồng tôi là một người tốt, biết thương vợ, thương con. Anh ấy luôn tự trách bản thân khi không lo được cho vợ con cuộc sống đủ ăn, đủ mặc nên mới tìm đến rượu để giải sầu…”. Hướng ánh mắt về phía cánh đồng lúa đang thì con gái trước mặt, chị bảo: “Không biết đến khi nào, chữ khổ mới rời xa tôi”. Hiện tại, gia đình Thu thuộc diện hộ nghèo trong xã, phải sống bằng trợ cấp cho người khuyết tật.