Vượt lên số phận
Đó là hoàn cảnh của em Trần Thị Quỳnh Ly, 18 tuổi, ở khu phố 5, thị trấn Gio Linh, (huyện Gio Linh, Quảng Trị). Khi biết mình hoàn toàn bị mù, em không tin nổi, cứ hỏi mẹ: “Sao con không ngủ nhưng mắt lại không nhìn thấy gì cả”, gia đình và mọi người chỉ biết ôm em và nói “sau này lớn lên con sẽ thấy được”. Ly tin vào lời bố mẹ để vui vẻ mà không biết rằng mình đã bị mù hoàn toàn do bệnh tật.
Thương con, anh Hải - bố của Quỳnh Ly đã đưa em đi khắp bệnh viện này đến bệnh viện khác để chữa trị nhưng mọi hy vọng đều không có. Bố Quỳnh Ly nghẹn ngào cho biết: “ Tôi chỉ biết nói dối khi con hỏi vì sao nó không nhìn thấy được, nhiều khi cứ nghĩ nói dối một đứa trẻ là không nên, nhưng tôi không muốn con mình biết nó là một đứa trẻ bị tật nguyền không bao giờ nhìn thấy được”. Ngày tháng trôi đi, điều ông Hải cùng gia đình nói dối em không phải vì mục đích nào khác mà chính vì muốn con mình biết nó vẫn có thể sống và sinh hoạt như một người bình thường khác.
Lên 6 tuổi, trong một lần chơi đùa với các bạn, Ly nghe bạn bè nói “bị mù, có thấy được đâu mà chơi”. Em bỗng lặng người và hỏi bạn bị mù là bị gì, bạn bè em trả lời là sẽ không bao giờ nhìn thấy được mọi thứ, cái gì cũng tối thui. Nghe xong, Ly bỏ vào ngồi trong xó nhà mà khóc.
Biết con mình đã hiểu hết mọi thứ, nó không còn trẻ dại như đứa 3 tuổi, mẹ của em, chị Lê Thị Tình đã nói rõ cho em biết em bị mù hoàn toàn và giải thích sự thật lời nói dối của gia đình. “Lúc này con bé gào lên và nói với tôi “con không bị khuyết tật, con muốn đi học với bạn bè, muốn biết chữ, muốn mọi người không xem con là người khiếm thị”, tôi lặng người trước sự mạnh mẽ của con và gia đình tôi đã tìm mọi cách để em được đi học”, chị Tình cho biết.
Học giỏi... để theo kịp người bình thường
Mới 6 tuổi nhưng Ly biết rằng nếu em không theo được lớp 1 em sẽ thua bạn bè cùng tuổi. Anh Hải đưa em vào Hội Người mù của tỉnh để được học chữ. Gia đình khó khăn, Ly phải một mình ở lại nội trú cùng bạn bè trong trường. Vì muốn theo kịp bạn bè, giờ học của Ly gấp đôi bạn bè cùng trường khuyết tật.
Sau 5 tháng em được chuyển lên học lớp 1 của lớp Tình thương, học hết cấp 1 Ly không muốn mình học cùng các bạn khuyết tật nữa, em thích được đến trường của những học sinh bình thường, để chứng tỏ khả năng của mình. Theo ước muốn của em, gia đình đã chạy khắp các trường cấp 2 trong toàn tỉnh để xin cho em vào học. Sau bao nhiêu trường từ chối, cuối cùng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huệ ở TP. Đông Hà đã nhận em vào học.
“Ban đầu mấy bạn không có ai thích chơi với em cả, nhiều bạn còn xa lánh bởi em bị khuyết tật, thế nhưng em vẫn vui vẻ và cố gắng học tốt”, Ly kể lại. Sau những cố gắng vượt ra khỏi số phận, kết quả học tập của Ly luôn đứng đầu lớp khiến bạn bè nể trọng và ngày càng yêu quý em.
Diệu Ly luôn chăm chỉ học bài |
Học hết cấp 2, em xin ba mẹ chuyển em về quê học cùng bạn bè. Ban đầu Trường Trung học phổ thông Gio Linh không nhận em vì trường chưa bao giờ nhận học sinh khiếm thị, hoàn toàn không nhìn thấy được, nếu em đến trường học cùng các bạn thì sẽ không theo kịp. Nhưng sau khi xem kết quả học tập của em ở cấp 2 trong trường bình thường, em đã được trường và thầy cô đón nhận một cách niềm nở. Sau 3 năm học, kết quả học tập của Ly luôn làm cô thầy và bạn bè ngạc nhiên, với 3 năm liền là học sinh giỏi, Ly tự tin mình sẽ không thua kém các bạn bình thường khác.
Không vui vì được đặc cách xét tuyển
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 diễn ra, Quỳnh Ly được xét tuyển nên không phải thi, với kết quả học tập của Ly chắc chắn em cũng được vào học một trường đại học danh tiếng. Là học sinh đặc biệt và được đặc cách xét tuyển như vậy nhưng Ly cảm thấy không bằng lòng. “Em không vui chút nào, em cũng muốn tham dự kỳ thi THPT quốc gia như các bạn, muốn được tận hưởng không khí của kỳ thi, chắc làm sỹ tử sẽ vui lắm”- Ly nói giọng buồn.
Mấy ngày gần đến kỳ thi, Ly luôn ngồi trước ti vi nghe thời sự để được tận hưởng không khí của các bạn lên thành phố dự thi. Ly xin bố đến ngày thi đầu tiên chở em lên thành phố, em muốn biết không khí ngoài trường thi THPT quốc gia như thế nào. Nghe con nói, dù công việc có nhiều thế nào anh Hải cũng gắng chở con lên. Làm sỹ tử đứng ngoài trường nhìn bạn bè mình vào tham dự kỳ thi đối với Ly như vậy cũng giải tỏa được khao khát đi thi đại học của em.
Vì khiếm thị nên từ nhỏ Ly thường nghe đài, nghe các cô phát thanh viên nói hàng ngày, em ước rằng sau nàymình cũng làm nghề đó. Khi vào học cấp 3 tuy không nhìn thấy được nhưng Ly cũng đăng ký tham dự đội phát thanh viên của trường. Em tự viết ra những mẩu chuyện để đọc cho các bạn nghe, giờ ra chơi nào khi nghe giọng em phát trên loa, mọi người đều lặng người nghe hết câu chuyện.
Đợt xét tuyển sắp tới em muốn vào học ở Khoa Báo chí - Truyền thông của Trường Đại học khoa học Huế. Em nói với giọng đầy tự tin: “Em sẽ không bao giờ cho phép mình là người khuyết tật, em muốn giống bạn bè cùng trang lứa”.