Ngay cả những ngày hè vắng ngắt sinh viên, kí túc xá của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vẫn đầy ắp tiếng sáo trúc. Đó là tiếng sáo của chàng sinh viên khiếm thị Nguyễn Văn Linh (SN 1990, ngụ xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Dù chưa một lần nhìn thấy ánh sáng nhưng trong trái tim chàng trai khiếm thị ấy, tình yêu cuộc sống và khát vọng trở thành nghệ sĩ như ngọn lửa bùng lên chưa bao giờ tắt.
Bén duyên với sáo trúc
Linh sinh ra đã không biết đến ánh sáng. Nhưng khi Linh 1 tuổi, bố mẹ em mới phát hiện ra cái sự không bình thường đó, khi thấy mắt đứa con trai nhỏ cứ “dại” đi, luôn chỉ nhìn về một hướng, mặc kệ cho những người xung quanh trêu đùa. Khi đưa em đi khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán em bị thoái hóa sắc tố võng mạc, căn bệnh mà đến nay y học thế giới vẫn chưa tìm ra cách chữa.
Chưa từ bỏ, bố mẹ em bán từng lứa thóc non đưa con trai đi chữa bệnh. Nhưng “tiền mất mà tật vẫn mang”, đến khi Linh lên 5 tuổi, bố mẹ em đành chấp nhận sự thật đau lòng. Lúc bắt đầu nhận thức được cuộc sống, Linh cứ ngỡ ai cũng “tối thui” như mình, mọi thứ trước mắt đều là màu đen. Lớn lên, thấy chúng bạn í ới gọi nhau đến trường, em cũng bắt chước chạy theo, nhưng vừa bước chân đã ngã vì va chạm. Em nghĩ “cứ tối thui thế này thì làm sao thấy đường mà đi”. Mãi sau này, em mới được bố mẹ cho biết mình không giống các bạn ở đôi mắt.
Tuổi thơ của Linh là chuỗi ngày mặc cảm. Không được đến trường, thầy giáo của em chính là người anh trai hơn Linh một tuổi. “Thầy” không dạy em con chữ mà miêu tả cho em hình hài vạn vật để em tự hình dung.
Linh tâm sự: “Anh trai em có cách dạy hay lắm. Trời mưa, anh đưa em ra đứng giữa sân rồi bảo “mưa đấy!”. Trời nắng, anh nhằm đúng lúc chói chang nhất rồi cùng em đứng đó và bảo: “Ấy là nắng mùa hè”. Bằng cách đó, tuy em chẳng nhìn thấy gì nhưng lại cảm nhận được rất rõ mọi thứ”.
Cũng chính nhờ những buổi ra đồng chăn trâu cùng anh trai, Linh biết đến tiếng sáo. Linh miêu tả, quê em có những bãi cỏ mênh mông, chiều chiều trẻ con lũ lượt kéo ra đó thả diều, đá bóng. Vì không thể nhìn thấy nên em chỉ ngồi một chỗ lắng nghe tiếng sáo trúc rồi tưởng tượng ra cảnh bạn bè nô đùa trước hoàng hôn. Dần dần, Linh mê mẩn thứ âm thanh khi réo rắt, lúc lại trầm mặc ấy. Ngày nào không được nghe là Linh cảm thấy thiếu vắng. Ước mơ được thổi sáo cứ đong đầy.
Năm 2001, được tin Hội Người mù huyện Vĩnh Lộc mở lớp học chữ nổi cho người khiếm thị, gia đình em nhanh chóng đăng kí cho em đi học. Linh thông minh đến lạ. Chỉ sau một năm học văn hóa, từ một người không biết chữ, em đã nắm vững kiến thức của cả khối tiểu học. Năm 2002, em được “đặc cách” vào Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).
Khăn gói ra Thủ đô, điều thú vị nhất và cũng là bước ngoặt trong cuộc đời Linh chính là ngày em được cầm cây sáo trúc. “Khi đang học năm thứ 5 của Trường Nguyễn Đình Chiểu, trường em được đón một dàn nhạc dân tộc về biểu diễn. Bản hòa tấu vừa cất lên em đã nhận ra ngay tiếng sáo trúc, trong veo, réo rắt. Từ ngày đó, sau những giờ học văn hóa, em và các bạn lại được các thầy dạy nhạc. Và tất nhiên, loại nhạc cụ em chọn chính là cây sáo trúc” - Linh hào hứng kể.
Theo các thầy cô, Linh là người có khả năng thổi sáo thiên bẩm. Nếu như các bạn phải mất hàng tuần mới khiến cho tiếng sáo cất vang thì với em, ngay từ ngày đầu tiên đã học được cách nhấn nhá môi, bấm lỗ sáo… Linh thổi sáo theo bản năng, từ những gì em cảm nhận được trong lần đầu tiên nghe bản mẫu rồi tùy vào tâm trạng mà em thổi nó theo cách nào. Cây sáo trúc trở thành người bạn tri kỉ của chàng trai. Tiếng sáo nói thay nỗi lòng. Lúc buồn, lúc vui em đều tìm đến cây sáo. Linh tâm sự: “Mỗi khi thổi sáo vào buổi chiều tối, tâm hồn em thấy bình yên đến lạ. Em lại hình dung ra cảnh những đứa trẻ thả diều, nô đùa trên bãi cỏ trống mênh mông trước nhà”.
Biết được tài năng của Linh, nhà trường đã cử em đi lưu diễn ở nhiều nơi. Năm 2008 em được sang Pháp, Nhật biểu diễn; năm 2009 biểu diễn thổi sáo tại Festival làng nghề Huế; năm 2011, Linh đoạt Huy chương Vàng toàn quốc Hội thi Liên hoan tiếng hát từ trái tim do Trung ương Hội Người mù Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Yêu tiếng sáo quê hương, tốt nghiệp THPT, Linh quyết tâm thi vào Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau nhiều tháng dồn hết tâm sức luyện thi, Linh đã đỗ và quyết định chọn khoa Nhạc cụ truyền thống, chuyên ngành Sáo trúc.
Nhọc nhằn theo đuổi ước mơ
Yêu và đam mê tiếng sáo là vậy, nhưng để theo đuổi được nó, chàng trai khiếm thị đã phải gồng mình lên đấu tranh với sự nghiệt ngã của số phận. Năm 2012, khi đang say mê tìm hiểu sáo trúc ở những cung bậc mới, thể loại mới, Linh phát hiện mình bị mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối. Kể từ ngày đó, hành trình theo đuổi đam mê thổi sáo của Linh song hành với những chuỗi ngày chạy thận đầy đau đớn.
Một tuần Linh phải vào viện chạy thận ba lần, mỗi lần bốn tiếng. Em phải chịu biết bao đau đớn của những lần rút máu ra rồi lại bơm máu vào. Cánh tay em nổi đầy những cục thịt lồi lõm vì chạy thận.
Bố em cũng phải rời quê ra Hà Nội làm xe ôm để tiện đưa con đi chữa bệnh. Nhà trường tạo điều kiện, cho hai bố con em ở chung một phòng kí túc xá để đỡ đần nhau. Bất chấp nắng mưa, cứ đến ngày là hai bố con lại khăn gói đi chạy thận. Một tuần ba lần, tiếng sáo theo Linh đến trường rồi cùng em vào viện. Cây sáo gắn liền với em chẳng lúc nào rời. Từ bác sĩ đến các bệnh nhân xung quanh đều cảm phục nghị lực phi thường của chàng trai bất hạnh, mê tiếng sáo.
Vừa phải cố gắng luyện tập lại vừa phải chiến đấu với bệnh tật khiến cơ thể em có những lúc “bạc nhược” đi. Bố Linh tâm sự: “Sau mỗi lần chạy thận, cơ thể thường rất mệt mỏi. Có những khi vừa từ viện về đến nhà nó lại cầm cây sáo luyện tập luôn. Nghe tiếng sáo run run, tôi biết nó đang rất mệt, nhưng lại không dám cản vì sợ con buồn. Nhìn thấy nó vừa bỏ cây sáo khỏi môi đã ngồi thở dốc, tôi không cầm lòng được”.
Đã có lần, bố mẹ Linh muốn em nghỉ học để tập trung chữa bệnh, vì sợ em không thể đảm đương được cả việc học lẫn việc chạy thận. Nhưng em nhất quyết xin bố mẹ cho mình được theo đuổi tiếng sáo. Em bảo, tiếng sáo đã vực em dậy khỏi sự mặc cảm của số phận, giờ bảo em bỏ nó thì làm sao em sống được. Thấy con quyết tâm, bố mẹ em đành vui vẻ chiều lòng.
Theo học tại Học viện Âm nhạc, Linh không còn thổi sáo theo bản năng nữa mà phải có kĩ thuật. Người bình thường học sáo đã khó, với người khiếm thị như em còn khó gấp bội phần. Đầu tiên, Linh phải viết lại nhạc phổ bằng chữ nổi, sau đó sờ tay lên chữ học thuộc rồi mới ghép sáo. Bí quyết học sáo của Linh là lắng nghe thật nhiều. Trời cướp đi của em ánh sáng nhưng lại bù cho em đôi tai tinh nhạy, Linh nghe và cảm nhận được rất nhanh rồi lại tự sáng tạo ra cách thổi của riêng mình.
Hiện tại, Linh đang là sinh viên năm cuối của hệ Trung cấp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau đó, em sẽ học thêm hệ 4 năm đại học. Quãng đường học tập và rèn luyện còn rất dài và gian nan, nhưng chàng trai khiếm thị ấy luôn tự tin mình sẽ trở thành một nghệ sĩ sáo trúc tài năng. Với nghị lực phi thường và niềm đam mê, Linh tin rằng tiếng sáo sẽ thành “ánh sáng” cùng em đi suốt cuộc đời này.