Là dâu trưởng của dòng họ Đ ở Thanh Liêm – Hà Nam, chị K phải gánh trên vai một trách nhiệm vô cùng nặng nề, đó là, phải lo toan toàn bộ những công việc chung của dòng họ. Ví như làm giỗ Tổ, xây mồ xây mả, hay nhang khói tổ tiên, cúng bái những ngày lễ, ngày tết…
Những công việc đó, mới nghe thì nghĩ đơn giản, 1 năm cũng chỉ 1 lần giỗ Tổ, 1, 2 lần cả họ ngồi lại với nhau. Tuy nhiên, hơn 10 năm làm dâu, chị phát sợ với những lần tổ chức họp họ như thế.
Chị K bảo, họp họ bây giờ, chẳng giống ngày xa xưa. Ai cũng bận rộn nên chỉ những dịp giỗ Tổ, tất niên, hoặc những dịp phát sinh như xây, sửa mộ Tổ, cả họ mới ngồi lại với nhau lâu lâu. Do đó, chẳng có lần nào họp mà cả họ không ăn uống linh đình.
“Mình là dâu trưởng, họ thì to, năm nào cũng phải lo cỗ bàn đến mấy chục mâm đã mệt bở hơi tai, đến khi họp lại cả đống chuyện xảy ra” – chị K nói.
Theo chị K kể, họp họ lần nào, những thành viên trong họ của gia đình chồng chị cũng xảy ra xô xát. Hoặc không xô xát thì cũng cạnh khóe, chửi bới nhau đủ chuyện.
“Trong họ, nhiều ông có tính ghen ghét đố kỵ, thấy người khác hơn mình thì không ưng. Lại có ông, cậy thế họ hàng để xin xỏ, nhờ vả những người giàu nhưng họ không giúp, thế là chờ đến dịp họp họ, mượn chén rượu để cạnh khóe, đá đểu nhau.
Người bị cạnh khóe, vì đã có chén rượu trong người, lại trước mặt anh em họ hàng nên phần lớn đều không giữ được bình tĩnh. Thế là cãi nhau, đánh nhau” – chị K nói.
Vẫn theo lời chị K: “Vụ việc đỉnh điểm nhất là cuối năm ngoái, cũng dịp họp họ, có 2 ông cụ thuộc bậc cao niên, lúc đó đều ngoài 80 tuổi. Lúc họp, cứ nghĩ 2 cụ là bậc cao niên nên trưởng họ cố tình xếp 2 cụ ngồi chung 1 mâm. Tuy nhiên, vì đã có mâu thuẫn ngầm với nhau từ trước, nên lúc ngồi ăn, cả 2 cụ đều ra sức công kích, cạnh khóe trả đũa lẫn nhau.
Cạnh khóe một hồi, không biết ông kia nói câu gì khiến cụ này bực bội đến không thể kiềm chế, thế là, cụ cầm chén rượu ném thẳng vào mặt cụ kia. Chẳng may, cái chén rơi trúng miệng làm cụ kia rụng mất chiếc răng cửa. Máu chảy đầy miệng. Anh em con cháu của 2 cụ thấy vậy thì nhảy vào đánh nhau.
Cuộc ăn uống được tổ chức long trọng bỗng trở thành một bãi chiến trường. Bát đũa bị trưng dụng làm vũ khí đánh nhau. Người nọ choảng người kia sứt đầu mẻ trán.
Mình là đàn bà, nhìn thấy đánh nhau, ném bát đũa vào nhau thì hãi nên chạy quanh xóm kêu la để tìm người đến can ngăn. Thế là, cả làng xôn xao, kéo đến chật cổng” – chị K kể.
Theo chị K, đó là vụ đánh nhau to nhất. Còn những chuyện như người này người kia đến họp, bị đá đểu rồi hùng hổ bỏ về thì không năm nào không có.
“Thậm chí có ông, sau khi bị đá xéo ở chỗ họp họ đã cay cú đến mức tuyên bố ra khỏi họ và không tham gia họp họ nữa” – chị K kể.